Tố Uyên bày sách ra bán trên vỉa hè |
Hơn ba năm nay, những người dân sống gần Công viên Văn Lang hay những ai thường xuyên qua lại trên đường Hùng Vương (Q.5) không còn xa lạ gì hình ảnh một cô gái xinh xắn bán sách bên lề đường vào mỗi tối. Cô chủ “cửa hàng sách” vỉa hè này là em Nguyễn Thị Tố Uyên, học sinh lớp 10 A21 Trường THPT Hùng Vương.
Với Tố Uyên, sách chính là cuộc sống, là niềm tin chắp cánh cho ước mơ để mỗi ngày em được đến lớp, đến trường. Và ít người biết rằng, đằng sau vẻ ngoài mong manh ấy, trong con người Tố Uyên luôn tồn tại một ý chí, một nghị lực vươn lên mà ở lứa tuổi học trò hiếm ai có được.
Bán sách giúp đỡ gia đình
Bố mẹ chia tay khi Uyên mới học lớp 6, lúc ấy em còn học ngoài Hà Nội (huyện Thanh Oai). Lên lớp 7, ba chị em Uyên theo mẹ vào TP.HCM, xa rời những tháng ngày tuổi thơ có cả niềm vui lẫn nỗi buồn để bắt đầu cuộc sống mới. Một mình mẹ phải đảm đương việc nuôi ba đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn ở vùng đất xa lạ.
Không quen biết ai, cũng chẳng có người thân, bốn mẹ con phải gầy dựng cuộc sống mới giữa bộn bề khó khăn. Ngày ngày, mẹ em đi giúp việc cho các hộ gia đình, cơ quan, xí nghiệp từ sáng tới chiều. Đồng tiền kiếm được không đủ để nuôi ba đứa con nhỏ. Là chị cả, lại sớm ý thức được hoàn cảnh gia đình nên Uyên đã tập tành công việc bán sách – một công việc mà em yêu thích – ngay từ những ngày đầu vào đất Sài thành. Mỗi chiều, sau giờ tan học, em lại bày sách ở góc đường Hùng Vương, đối diện Công viên Văn Lang để bán. Lần đầu tiên làm công việc này, nhìn những cặp trai gái ôm nhau trong công viên Uyên không tránh khỏi cảm giác ngạc nhiên pha lẫn sự ngượng ngùng, khó chịu. Nhưng rồi, sau những ngày đầu bỡ ngỡ ấy, em đã tập cho mình thói quen phải “sống chung với lũ” để kiếm tiền trang trải cuộc sống và việc học tập. Khói bụi, tiếng ồn dần dần trở thành người bạn đồng hành với Uyên vào mỗi tối. Em nâng niu, trân trọng, giữ gìn cẩn thận từng cuốn sách vì đó là miếng cơm manh áo, là cuộc sống của cả gia đình. Có những hôm trời mưa không kịp dọn sách, Uyên đành lấy tấm ni-lông che lại, còn bản thân mình thì đứng chịu ướt để trông nom, chờ tạnh mưa mới dám dọn “hàng” về.
Ngoài việc bán sách, Tố Uyên còn tranh thủ thời gian buổi trưa hay những ngày nghỉ lân la tới các nhà xuất bản tìm sách mới. Nhờ bán sách, em đã tích lũy cho mình một vài kinh nghiệm trong việc lựa chọn sách. “Mặt hàng” mà cô chủ “cửa hàng sách” vỉa hè thường “nhắm” đến là những cuốn sách được khách hàng đặt, có nội dung hay được quảng cáo trên các tờ báo, những cuốn sách bất hủ… “Điều khiến em lưu ý đầu tiên khi chọn mua sách là tiêu đề vì đây là yếu tố “hút” khách. Sau đó, em đọc mục lục để xem cuốn sách đó có những phần nào quan trọng. Ngoài ra, em còn cố gắng tìm hiểu qua nội dung của sách để giới thiệu với khách hàng”, Uyên bật mí. Ngoài ra em luôn cố gắng đặt mình vào vị trí của khách hàng để biết được nhu cầu, sở thích của họ. Chính nhờ đặc điểm đó, cộng thêm sự vui vẻ, nhiệt tình nên em rất được lòng khách, có những người trở thành “mối” quen, thường ghé qua “cửa hàng” để mua sách.
Cô học trò chăm ngoan
Không chỉ “kinh doanh” giỏi, Tố Uyên còn được các bạn trong lớp “nể” vì thành tích học tập rất cừ. Trong mắt bạn bè đã từng học chung 4 năm tại Trường THCS Lý Phong (Q.5), cô học trò xứ “Bắc Kỳ” không phải là đối thủ “nhẹ ký”. Ngày đến trường, đêm về đi bán sách nên Tố Uyên không có nhiều thời gian dành cho việc học. Rất nhiều người khách ghé mua sách tưởng em đã bỏ học nên tỏ ra ái ngại, thương cảm. Nhưng khi biết Uyên vẫn còn đi học và còn học rất giỏi thì ai cũng khâm phục tinh thần vượt khó của em. 9 năm liền, em đều là HS giỏi, từng “rinh” giải ba môn sinh cấp thành phố và giải ba toàn quốc các môn khoa học tự nhiên do Tập đoàn Dầu khí PETRONAT (Malaysia) tài trợ. Tố Uyên cho biết luôn tranh thủ học và hiểu bài ngay trên lớp, không ngần ngại hỏi thầy cô và bạn bè những vấn đề còn thắc mắc. Những lúc vắng khách, Uyên lại mang sách vở, tận dụng ánh đèn đường để học bài. “Không phải lúc nào em cũng học tốt. Đã có một vài lần em bị điểm thấp, không học thuộc bài. Những lúc như vậy, em cảm thấy dằn vặt ghê lắm. Từ đó, em lại có thêm động lực để học hành tốt hơn”, Uyên chia sẻ. Thời gian còn nằm trong đội tuyển tham dự học sinh giỏi cấp thành phố, Tố Uyên đã đi bộ hơn 40 phút sau giờ tan học buổi sáng để tới nơi học bồi dưỡng, bỏ cả giờ cơm lẫn cả thời gian về nhà. Bân học, nhưng Uyên chưa dám bỏ một buổi bán sách nào. Sự chăm chỉ, nỗ lực cố gắng của em đã được bạn bè và thầy cô trong trường ghi nhận. Lúc đầu, em còn tỏ ra ngại ngùng khi bạn bè biết mình bán sách ở lề đường, vì các bạn khi đi ngang qua đều lên tiếng trêu đùa. Nhưng theo thời gian, hành động đó lại trở thành niềm vui nho nhỏ vì em biết chẳng có ai ghét bỏ mình. Thương cô học trò nghèo ham học, thầy cô, bạn bè trong trường luôn động viên Uyên cố gắng vượt qua khó khăn. Họ còn nhiều lần tới mua sách ủng hộ em. Ngoài giờ tới trường, Uyên còn giúp mẹ chăm sóc hai em đang là học sinh Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái (Q.5). Hiện bốn mẹ con được các cha trong Nhà hưu dưỡng Hà Nội cho sử dụng một căn phòng nhỏ để cất đồ đạc và sinh hoạt hằng ngày. Nhưng đến tối, cả bốn người lại phải “chạy” qua khu nhà dành cho các ma-soeur ngủ nhờ. Dẫu vậy, Uyên vẫn tâm niệm rằng “Cuộc sống dù vất vả nhưng nếu biết mỉm cười với nó thì nó sẽ mỉm cười lại với mình. Em may mắn có được một người mẹ tuyệt vời. Mẹ vừa là người thân, người bạn, vừa là điểm tựa vững chắc cho cuộc đời em”. Mơ ước của em là có được một chuỗi cửa hàng sách, có thể mua bản quyền để xuất bản những cuốn sách của riêng mình.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Nói về “nghiệp” sách, Uyên cho biết, em thấy mình là người giàu có bởi có được những cuốn sách hay, có thể đọc vào thời gian rảnh mà không mất tiền. Nhờ có sách mà em thấy mình trưởng thành hơn, va chạm với cuộc sống nhiều hơn. Từ đó cũng tiếp cận được những bài học về một hình thức kinh doanh. |
Bình luận (0)