Du lịch - Thể thaoThể thao trong nước

Đường đến với AIG III của Vovinam: Vẫn còn lắm chông gai

Tạp Chí Giáo Dục

Một tháng trước khi khai mạc Đại hội thể thao trong nhà châu Á lần 3 (AIG III), việc vận động để đưa Vovinam vào chương trình thi đấu của AIG III vẫn còn gặp khó khăn.

Cho đến giờ việc có mặt tại AIG III của Vovinam vẫn còn là dấu hỏi

Hiện công tác tổ chức thi đấu của Vovinam ở AIG III mà VN là chủ nhà bước đầu đã được định hình. Đồng thời, hệ thống chấm điểm điện tử cũng sắp hoàn chỉnh để đưa vào thử nghiệm ngay sau giải VĐQG kết thúc. Nhưng cái khó mà Vovinam đang gặp là chưa đủ số quốc gia đăng ký tham dự.

Điều này xuất phát từ việc Liên đoàn Vovinam thế giới vẫn chưa được nhiều ủy ban Olympic quốc gia ở khu vực châu Á công nhận. Trong khi đó theo quy định, một môn thể thao muốn đưa vào tổ chức tại đại hội phải có từ năm nước đăng ký trở lên và một nội dung thi đấu phải có ít nhất ba quốc gia tham dự. Hiện Vovinam chỉ mới có bốn quốc gia chính thức đăng ký tham dự AIG III là Iran, Thái Lan, Campuchia và chủ nhà VN.

Vì thế phía VN đang ráo riết làm công tác vận động. Hiện Vovinam đã có kế hoạch mời Lào và Indonesia sang VN tập huấn trong khoảng 2-3 tuần trước khi khai mạc AIG III. Tuy nhiên, đến nay VN vẫn chưa nhận được phản hồi chính thức về việc này. Trong khi đó, có lẽ do thành tích không được như mong muốn tại Giải vô địch Vovinam thế giới tổ chức tại VN vào tháng 7 vừa qua, nên Ủy ban Olympic Ấn Độ chỉ đồng ý cho đội tuyển Vovinam tham dự AIG III nếu tự túc được kinh phí.

Tình trạng này khiến nhiều võ sĩ VN đang sốt ruột chờ đợi quyết định cuối cùng về việc Vovinam có được đưa vào chương trình thi đấu ở AIG III hay không. Họ sốt ruột bởi AIG III là mục tiêu mà nhiều võ sĩ Vovinam kỳ cựu nhắm đến trong việc kết thúc sự nghiệp. Điển hình trong số đó là nữ võ sĩ 31 tuổi Phạm Thị Phượng (TP.HCM) – người đã 21 năm gắn với Vovinam.

Trong 15 năm qua, Phượng không có đối thủ ở các nội dung biểu diễn với hơn 50 HCV đoạt được tại các giải VĐQG từ năm 1994 đến nay. Với thành tích đó, Phượng là một tượng đài của Vovinam. Chị tâm sự: “Là võ sĩ, tôi muốn một lần đạt đến đỉnh vinh quang cao nhất ở một giải đấu chính thức được quốc tế công nhận. Vì vậy tôi cố đợi đến sau AIG III mới chia tay sàn đấu”.

Cũng vì sự chờ đợi mà Phượng cứ lần lữa thất hứa với chồng. Dù lấy nhau đã bốn năm nhưng Phượng vẫn không dám sinh con vì sợ ảnh hưởng đến phong độ. Vì vậy sẽ rất buồn cho Phượng và rất nhiều võ sĩ khác nếu Vovinam không được đưa vào chương trình thi đấu chính thức ở AIG III, cũng như tại SEA Games 25 diễn ra tại Lào cuối năm nay.

Ở ngày thi đấu thứ 3 (28-9) của Giải vô địch Vovinam toàn quốc, đoàn TP.HCM đã bứt phá mạnh mẽ khi giành 8 HCV (trong đó có 2 HCV đối kháng), vươn lên Adẫn đầu toàn đoàn với tổng cộng 11 HCV. Đoàn Quân Đội xếp thứ hai với 5 HCV. Hôm nay 29-9 là ngày thi đấu cuối cùng của giải với bảy nội dung đối kháng và nội dung quyền tự vệ nữ.

TẤN PHÚC (theo tuoitre)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)