Thực trạng dạy thêm, học thêm lâu nay là một áp lực đè nặng “lên vai” các cơ quan quản lý giáo dục, trở thành một vấn nạn của xã hội. Nhiều nhà nghiên cứu giáo dục “đau đầu” trước hiện trạng này, nó tồn tại và nhận được những ý kiến đồng thuận, lẫn trái chiều; vì thế mà nhiều năm không đạt được chủ trương nhất quán chung của từng địa phương về vấn đề này. TP.HCM từng đi tiên phong trong việc cấm tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường và rồi trước thực tế dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thật của học sinh, lãnh đạo đã tìm ra cách tháo gỡ vấn đề này một cách linh hoạt, được xã hội ghi nhận.
Theo đó, về phía phụ huynh học sinh, đại bộ phận phụ huynh cho rằng nhà trường tổ chức dạy thêm trong trường giúp cho họ đỡ vất vả trong việc chạy đôn, chạy đáo tìm chỗ cho con học và kinh phí sẽ ít hơn khi phải cho con học thêm ở các trung tâm; đôi khi phải thuê xe đưa đón lại càng thêm tốn kém. Bên cạnh đó, học sinh học lên cao, kiến thức càng rộng, cha mẹ không đủ năng lực kèm cặp cho con nữa. Còn về phía học sinh, học thêm ở trường được thầy cô của mình giảng dạy, những lỗ hổng về kiến thức sẽ được bổ khuyết kịp thời và những học sinh thông tuệ sẽ được thầy cô giảng giải nâng cao thêm kiến thức. Riêng nhà trường: trường học là nơi quản lý tốt nhất việc học của học sinh. Việc cho phép các trường dạy thêm có tác dụng nâng cao và hoàn thiện kỹ năng giảng dạy của người thầy, tránh tình trạng o ép học sinh học thêm, giáo viên có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống của mình để an tâm với nghề.
Bên cạnh việc ghi nhận theo chiều hướng tích cực như nêu trên, một vấn đề cần phải tháo gỡ rốt ráo là đừng quan trọng hóa việc yêu cầu giáo viên không được dạy thêm cho học sinh. Đây là điều vô lý, bởi hơn ai hết, người thầy trực tiếp đứng lớp với học sinh của mình thì mới biết sở trường, sở đoản của từng em và chỉ lúc ấy thầy cô mới tìm ra biện pháp thích hợp để dạy cho học sinh. Bên cạnh đó, nhà trường phải có biện pháp quản lý chặt chẽ việc dạy thêm. Sự quản lý minh bạch, nghiêm khắc của nhà trường; sự công tâm, nhiệt tình của thầy cô chắc chắn đưa việc dạy thêm đi đúng quỹ đạo và sẽ nhận được sự đồng tình của xã hội. Mong rằng “đường đi đã thoáng thì người cần phải thông”.
Nguyễn Văn Học
Bình luận (0)