Vị trí lắp đặt lỗ thông hơi cho đường hầm Thủ Thiêm |
Theo ông Tsuno Motonori, Trưởng đại diện của JICA tại Việt Nam, việc lắp đặt hầm dìm sẽ kết thúc vào cuối năm nay, sau đó là phần lắp ráp cơ – điện (gói thầu số 3) dự kiến sẽ xong vào tháng 6-2011. Khi hoàn thành sẽ giải quyết được nạn ùn tắc giao thông trên tuyến đường Đông – Tây của thành phố.
Con đường xuyên tâm TP.HCM
Theo bản vẽ kỹ thuật của Obayashi, mỗi đốt hầm được chia thành bốn ngăn theo chiều dọc, trong đó hai ngăn lớn sẽ giữ vai trò của 2 luồng đường ngược chiều nhau với quy mô mỗi luồng 3 làn xe ô tô (rộng 11,5 mét/ngăn); và hai ngăn nhỏ sẽ là 2 đường kiểm tra, mỗi ngăn rộng khoảng 0,75 mét. Quá trình đúc diễn ra khá suôn sẻ, nhưng khi các đốt hầm vừa thành hình thì có sự cố: tháng 5-2008 các chuyên viên của Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước phát hiện những vết nứt “chân chim” trên bề mặt bê tông, đặc biệt là ở các vách phía trong và trên nóc các đốt hầm. Sự lo ngại về chất lượng của công trình lớn nhất Đông Nam Á này ngày càng tăng khi số lượng và kích cỡ các vết nứt tăng lên theo thời gian. Thành phố phải tính đến chuyện nhờ một công ty tư vấn để giúp đánh giá vấn đề này… Cuối cùng thì mọi chuyện cũng được giải quyết ổn thỏa, khi kết quả khắc phục của nhà thầu được chấp thuận.
Đường hầm Thủ Thiêm là hạng mục chính của gói thầu số 4 thuộc dự án xây dựng Đại lộ Đông – Tây – con đường xuyên tâm TP.HCM mà khi khởi công vào năm 2005 mọi người hy vọng rằng nó sẽ giúp giải quyết đáng kể tình trạng ách tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng ở khu vực nội thành. Theo thông tin mà Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cung cấp, dự án Đại lộ Đông – Tây được UBND TP.HCM thực hiện nhờ sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ Nhật Bản với khoản vay ODA do JICA cung cấp là 41.027 triệu Yên Nhật – tương đương với 456 triệu đô la Mỹ, xấp xỉ 65% tổng vốn đầu tư.
Sẽ thông xe vào tháng 2-2011
Được xây ngầm dưới đáy sông Sài Gòn, đường hầm dài gần 1,5 cây số này khi hoàn thành sẽ kết nối khu trung tâm hiện hữu của TP.HCM (quận 1) với bán đảo Thủ Thiêm (quận 2) – nơi mà trong tương lai sẽ là một “khu đô thị mới” kiểu như Phố Đông của Thượng Hải. Theo Ban quản lý dự án Đại lộ Đông – Tây và Môi trường nước TP.HCM – đơn vị đại diện cho chủ đầu tư là UBND TP.HCM, thì đến nay cả hai đoạn hầm dẫn trên bờ phía quận 1 (585 mét) và Thủ Thiêm (535 mét) đều đã xong. Và tất cả chỉ còn chờ hạng mục quan trọng nhất – không chỉ với riêng “gói thầu số 4” mà còn là của cả dự án, đó là đoạn hầm dìm dưới đáy sông có tổng chiều dài 370,8 mét. Được thiết kế và thi công bởi nhà thầu Obayashi Corporation (Nhật Bản), đoạn hầm dìm này gồm 4 đốt hầm khổng lồ ghép lại với nhau bằng những đệm cao su “có tuổi thọ 100 năm”.
Sáng ngày 8-3-2010, nhà thầu Obayashi nhấn chìm đốt hầm này. Khoảng 7 giờ, các kỹ sư đã bắt tay vào công việc đánh chìm đốt hầm đầu tiên xuống lòng sông Sài Gòn. Phía trên mép sông, đội quan trắc dàn hàng ngang để quan sát cân bằng 4 góc của đốt hầm.
Thi thoảng, đội người nhái gồm 20 người thay phiên nhau ngụp lặn dưới lòng sông để quan sát và kiểm tra xem có cây, que, hay vật thể lạ nào xuất hiện ở phía dưới đốt hầm hay không. Khi 4 góc của đốt hầm tiếp giáp với phần nền móng, chúng sẽ được kết chặt bằng một mối nối (steel shel). Để có thể thực hiện việc hạ thủy đốt hầm đầu tiên một cách an toàn, nhóm kỹ sư thiết kế hầm chui Thủ Thiêm phải theo dõi con nước của dòng sông Sài Gòn cách đây từ 4 năm về trước. Theo đó, các kỹ sư tính toán lưu tốc của dòng chảy và những lúc thủy triều lên xuống thất thường. Chẳng phải ngẫu nhiên, 4 đốt hầm cứ thay phiên nhau gần như đúng một tháng lại được di dời từ bãi đúc ra đến khu vực Mỹ Cảnh, Thủ Thiêm để nhận chìm. Đối với việc nhận chìm đốt hầm, theo các kỹ sư, chỉ ngại nhất là lúc nước cạn, dòng nước chảy xiết mới có thể gây ảnh hưởng. Riêng đối với con nước đứng trong tháng, dòng nước, mực nước lên xuống không nhiều và không quá quan trọng cho việc nhận chìm đốt hầm.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Giáo Dục TP.HCM tại hiện trường, lúc 13 giờ ngày 8-3, đốt hầm đầu tiên xem như đã đi được nửa đoạn đường để nằm cố định dưới lòng sông. Theo tính toán của nhóm kỹ sư, phụ trách công trình tại đây thì việc nhận chìm đốt hầm thứ nhất đã diễn ra thuận lợi. Theo chủ đầu tư, đốt thứ nhất là quan trọng nhất đã cơ bản hoàn thành, các đốt còn lại sẽ được dìm trong 3 tháng nữa, dự kiến mỗi tháng chỉ dìm được 1 đốt.
Minh Khải
Sáng 10-3, lãnh đạo TP.HCM, Ban quản lý dự án Đại lộ Đông – Tây và Môi trường nước TP.HCM đã cắt băng tại Lễ kết nối, thông đốt hầm số 1 với hầm dẫn phía Thủ Thiêm (Q.2). Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án Đại lộ Đông – Tây và Môi trường nước TP.HCM khẳng định, chất lượng kết nối hầm dẫn phía Thủ Thiêm (Q.2) với đốt hầm số 1 (dài 92 mét) hoàn toàn đạt đúng yêu cầu kỹ thuật. Dự kiến cuối tháng 2-2011, hầm Thủ Thiêm sẽ được thông xe kỹ thuật và đến cuối tháng 4-2011 công trình sẽ hoàn thành. |
Bình luận (0)