Góp phần quan trọng trong giao thông đô thị cùng với đường bộ và đường thủy, ngành đường sắt TP.HCM đang trên đà khởi sắc với dự án đầu tư tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM – Cần Thơ, đề xuất cải tạo ga Sài Gòn. Bên cạnh đó, dự án đường sắt đô thị cũng đang được cơ quan chức năng tiến hành thẩm định tổng mức đầu tư nhằm thúc đẩy tiến trình thi công trong thời gian sắp tới.
Tuyến Metro đô thị số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đã thi công đạt hơn 50% khối lượng và giải ngân khoảng hơn 30% vốn |
Từ TP.HCM đến Cần Thơ chỉ mất 45 phút
Theo thông tin từ Viện Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Phương Nam, Dự án đầu tư tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM – Cần Thơ đã cơ bản hoàn thành hồ sơ khả thi sau gần 5 năm nghiên cứu. Vào ngày 2-2-2018, Viện KH-CN Phương Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ với Quỹ Morfund (Canada) về tổng vốn đầu tư là 6,3 tỉ đô la Canada (tương đương 5 tỉ USD). Việc ký kết này là cơ sở pháp lý để triển khai dự án giao thông ở những bước tiếp theo. GS.TS Trần Công Hoàng Quốc Trang, Viện trưởng Viện KH-CN Phương Nam cho biết, đơn vị đang tổng hợp hồ sơ báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội, Bộ GTVT và dự kiến triển khai dự án vào năm 2022. Dự án do Viện KH-CN Phương Nam và Công ty Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam (Tedi South) nghiên cứu thực hiện.
Theo thiết kế, tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM – Cần Thơ có kết cấu là đường sắt đôi, khổ 1.435m, chiều dài 139km (ngắn hơn lộ trình lưu thông cũ gần 35km), sử dụng điện mặt trời, điện gió làm năng lượng, tốc độ lưu thông dưới 200km/giờ cho tàu hàng và trên 200km/giờ cho tàu khách, giúp lộ trình lưu thông bằng đường sắt cao tốc từ TP.HCM đến Cần Thơ chỉ mất 45 phút. Được biết, tuyến đường sắt cao tốc sẽ song hành với đường bộ cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận, hướng ngoại vi các đô thị hiện hữu, xuyên qua Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, TP.Cần Thơ. Toàn tuyến sẽ được bố trí 10 ga, gồm ga Tân Kiên (TP.HCM); ga Bến Lức, ga Tân An (Long An); ga Trung Lương, Cai Lậy, Cái Bè, Mỹ Thiện, Mỹ Thuận (Tiền Giang); ga Vĩnh Long (Vĩnh Long) và ga Cần Thơ (TP.Cần Thơ). Theo đó, mỗi nhà ga sẽ được xây dựng như một thành phố công nghiệp với quy mô dân số bằng một phường – xã, có đầy đủ cơ sở hạ tầng, nhà ở, trường học, bệnh viện, hệ thống siêu thị… theo tiêu chuẩn quốc tế.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM – Cần Thơ được xây dựng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông và phát triển kinh tế liên kết vùng giữa TP.HCM (trung tâm đô thị hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam) với khu vực ĐBSCL rộng lớn. Qua đó thúc đẩy vận chuyển hành khách, hàng hóa giữa các vùng; phục vụ đắc lực cho sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp tập trung dọc tuyến đường sắt đi qua; phát triển du lịch và an ninh quốc phòng. Theo ý kiến của chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM – Cần Thơ lẽ ra nên được làm từ lâu, vì ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp, thủy sản, hàng hóa lớn nhất cả nước, lại nằm kế trung tâm kinh tế lớn nhất nước như TP.HCM, nhưng chưa có cơ hội “cất cánh” do hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đúng mức.
Thẩm định vốn cho Metro và đề xuất cải tạo ga Sài Gòn
Theo thông tin từ Vụ Kế hoạch – Đầu tư (Bộ GTVT) và Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TP.HCM, cả hai dự án đường sắt đô thị TP.HCM đều chậm tiến độ và đang thiếu vốn. Trong đó, tuyến Metro đô thị số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) có tổng mức đầu tư ban đầu là 17.000 tỷ đồng (ở thời điểm năm 2005-2006), sau đó được phê duyệt lại là 47.000 tỷ đồng (vào năm 2010). Mức vốn tăng thêm được căn cứ trên cơ sở tăng thêm quy mô thiết kế, thay đổi tỷ giá đồng Yên… Hiện dự án đã thi công đạt hơn 50% khối lượng và giải ngân khoảng hơn 30% vốn. Tương tự, dự án Bến Thành – Tham Lương dài khoảng 40km, mới xây dựng tòa nhà điều hành, có tổng mức đầu tư ban đầu là 26.000 tỷ, sau khi tính toán lại cũng tăng lên 48.000 tỷ đồng. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu các bộ ngành, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành việc thẩm định tổng mức đầu tư 2 dự án trên để báo cáo Chính phủ trước khi trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới. Theo đó, nội dung thẩm định cần nêu rõ những thay đổi về chủ trương, quy định pháp luật liên quan đến dự án trong quá trình triển khai, đơn giá, định mức, tỷ giá hối đoái… nhằm đưa ra kiến nghị phù hợp với tình hình thực tế.
Bên cạnh việc “chăm lo” cho dự án đường sắt đô thị, vào cuối tháng 2 vừa qua, đại diện Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) cũng đưa ra đề nghị cùng với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cải tạo không gian ga đường sắt Sài Gòn theo lối kiến trúc Sài Gòn xưa. Nếu được Bộ GTVT chấp thuận, đơn vị sẽ đầu tư 15 tỷ đồng để cải tạo lại toàn bộ tầng 1 và tầng 2 của ga Sài Gòn thành kiến trúc cổng vòm và hoa văn cách điệu mái hiên; lát nền gạch bông kiểu xưa cho nhà ga, quán cà phê, bistro; bố trí các mảng xanh xen kẽ nhằm tạo không khí xanh mát cho không gian chung. Đại diện SASCO cho biết, sau khi thống nhất trong việc bàn bạc, dự án sẽ được khởi công trong quý I-2018.
Bài, ảnh: Vũ Phương
Bình luận (0)