Để có thể sớm thực hiện dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, nhiều chuyên gia cho rằng TP cần mạnh dạn đề xuất các cơ chế đặc thù nhằm đẩy nhanh tiến độ.
Giai đoạn 1 dự án Vành đai 3 có chiều dài 76km, trong đó có khoảng 13km đi trên cao trên địa bàn TP.Thủ Đức, TP.HCM (tuyến metro số 1 chạy qua TP.Thủ Đức đang trong giai đoạn hoàn thành)
Đường Vành đai 3 (qua địa bàn TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 1697/QĐ-TTg ngày 28-9-2011, nhưng hơn 10 năm qua chưa được đầu tư xây dựng khép kín.
Dự án phát huy tối đa lợi thế các tỉnh
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đường Vành đai 3, TP.HCM có 3 tuyến vành đai 2, 3 và 4 với tổng chiều dài khoảng 356km, đến nay mới đưa vào khai thác được khoảng 71km. Đường Vành đai 3 có tổng chiều dài khoảng 91,64km với điểm đầu là nút giao với đường cao tốc Bến Lức – Long Thành (thuộc huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai), kết thúc tại nút giao với đường cao tốc Bến Lức – Long Thành (thuộc huyện Bến Lức, tỉnh Long An), trong đó, TP.HCM dài nhất là 47,51km.
Dự án đầu tư phân kỳ (giai đoạn 1) với tuyến chính cao tốc quy mô 4 làn xe; tốc độ thiết kế 100km/giờ; giải phóng mặt bằng thực hiện một lần theo quy mô hoàn chỉnh; đường song hành có quy mô từ 2 đến 3 làn xe, không liên tục. Dự án có chiều dài 76km, trong đó, có khoảng 13km đi trên cao trên địa bàn TP.Thủ Đức (TP.HCM).
Theo đó, tổng mức đầu tư Vành đai 3 giai đoạn 1 được khái toán khoảng 75.377 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư, tỷ lệ ngân sách Trung ương hỗ trợ 50% tổng mức đầu tư, tương đương hơn 38.740 tỷ đồng. Còn lại hơn 36.636 tỷ đồng từ ngân sách các địa phương.
Hiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã trình Chính phủ xem xét và sắp tới trình Quốc hội thông qua. Nếu được Chính phủ và Quốc hội thông qua, dự án sẽ khởi công vào quý 3-2023, hoàn thành cơ bản vào năm 2025 và chính thức vận hành năm 2026.
Ông Lương Minh Phúc – Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM – cho hay, đường Vành đai 3 TP.HCM có vai trò kết nối các đô thị vệ tinh của TP.HCM với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Đông Nam bộ với Tây Nam bộ và hành lang xuyên Á nhằm phát huy tối đa hiệu quả lợi thế các tỉnh. Đồng thời, phát triển dịch vụ vận tải liên vùng phục vụ công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh; nâng cao năng lực vận tải, giảm chi phí logicstic để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và thu hút các nhà đầu tư; là điều kiện quan trọng để phát triển các khu đô thị, công nghiệp theo quy hoạch, góp phần điều tiết phân bố dân cư, giảm áp lực của khu vực nội đô TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai; hình thành các quỹ đất lớn để khai thác phát triển… Từ đó tạo xung lực rất lớn thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội những khu vực tuyến đường đi qua và cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
“Trong 20 năm qua, đây là lần đầu tiên chúng ta có một dự án rất đẹp và ý nghĩa. Đẹp không chỉ về kỹ thuật, hiệu quả, nguồn lực, động lực mà đẹp khi hội tụ cả thiên thời, địa lợi, nhân hòa; là khát vọng, mơ ước của 20 triệu bà con trên vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”, ông Phúc nói.
Vành đai 3 – vành đai công nghiệp
Nhấn mạnh đến tính cấp thiết của vành đai 3, TS. Trần Du Lịch – Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ – cho biết, vấn đề hiện nay đặt ra không phải là cần thiết mà đây là cơ hội, điều kiện cốt lõi có thể làm cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển xứng tầm. Vành đai 3 là vành đai công nghiệp trải dài từ Long An qua Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu, hình thành nên trung tâm công nghiệp mang tính khu vực. Vành đai này gắn cụm cảng biển Cái Mép – Thị Vải. Khi các đường vành đai chỉ nói cho vui mà không làm thì cảng không phát triển được, tứ giác 4 địa phương vốn rất phát triển cũng bị kiềm chân.
PGS.TS Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam – cho biết, nói đến kinh tế, trình độ phát triển đô thị, TP.HCM cao ở mức nào thì cả nước cao ở mức đó. Cách tiếp cận vấn đề không phải chỉ tập trung vào TP.HCM, hay 4 tỉnh (TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An) mà phải cho cả vùng, cả đất nước để có không gian đi lên. Theo đó, điều kiện then chốt chính là giao thông, hạ tầng. Không có giao thông thì không đi đâu được.
“Dự án vành đai 3 tích hợp được những yêu cầu ấy và cả cách nhìn về cơ chế. Đấy là tính hiện thực, khả thi như một triển vọng”, ông Thiên nói và góp ý: “Những gì muốn được phép thực hiện thì TP.HCM phải mạnh dạn đề xuất vì đây là cơ hội. Hơn nữa, tính hiện thực vành đai này rất cao bởi chương trình hạ tầng giao thông chưa bao giờ quyết liệt như hiện nay”.
Hình ảnh đoạn đường Vành Đai 3 khúc Quốc lộ 1A
Theo ông Thiên, hiệu quả đô thị làm cho chân dung TP.HCM thay đổi. Trên cơ sở này, TP cần lưu ý phát triển đồng bộ các tuyến giao thông đường thủy, đường sắt chứ không riêng vành đai 3. Mặt khác, là công trình quốc gia, cơ chế chỉ định thầu phải rõ ràng, chặt chẽ. Đi liền với đó hồ sơ thành tích cũng rõ ràng, có điều kiện khen thưởng, xử phạt. Cơ chế xử lý vấn đề là xác định công suất, đề cao tính trách nhiệm cá nhân vì lâu nay chúng ta vẫn nói đến tính trách nhiệm tập thể.
Một số chuyên gia khác chỉ ra rằng, dự án Vành đai 3 đang nhấn mạnh đến thu hồi vốn sau khi đưa vào sử dụng, nhưng thực tế giá trị này rất nhỏ bởi quỹ đất đô thị hóa mới là quan trọng. Đây là nguồn tài chính lớn cần quan tâm. Nếu khai thác được thì chi phí đầu tư cho các tuyến đường kể cả vành đai 4 không còn là vấn đề. Đặc biệt, yếu tố thời gian đóng vai trò quyết định. Dự án mang tính cấp thiết, cần làm nhanh sẽ giảm rất nhiều chi phí. “Dự án này đã thông qua cách đây hơn 10 năm nhưng những người nhiệm kỳ trước vẫn chưa làm được, vẫn nâng lên đặt xuống. Nếu không làm ngay là có lỗi với người dân của các tỉnh vì quá chậm. Chúng ta đã quy hoạch giải phóng hệ thống cảng ra khỏi nội đô nhưng hiện giờ container vẫn ùn ùn vào TP vì không có vành đai”, ông Ngô Thịnh Đức – nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Cầu đường Việt Nam – cho hay.
Ở góc độ khác, GS.TS Nguyễn Văn Phước – Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM – cho rằng, trong số các giải pháp triển khai dự án thì giải phóng mặt bằng là vấn đề đang tồn tại hạn chế. Nhiều dự án giải phóng kéo dài gây tốn kém, thậm chí không hoàn thành, vì vậy thực hiện giải phóng mặt bằng cần quyết liệt.
Minh Phương
Bình luận (0)