Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Đường về những xã cù lao ngày nay

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Xe buýt rút ngắn khoảng cách giữa nội thành và các xã vùng sâu vùng xa

Thật bất ngờ khi chúng tôi trở lại những phường, xã vùng sâu, vùng xa mà một thời được mệnh danh là xã “cù lao” của thành phố. Bất ngờ về những con đường mới thẳng tắp, phẳng lì chạy dài xa tít mắt; bất ngờ về những cây cầu bê tông vương cao vững chãi uốn mình qua những con sông để kéo gần lại khoảng không gian giữa trung tâm thành phố với những xã vùng sâu, vùng xa này…
Ở một nơi được xem là xã, phường nghèo bậc nhất của thành phố như Long Phước, quận 9, những năm trước cũng thời điểm này khi chúng tôi đến, Long Phước vẫn còn bộn bề khó khăn vì sự xa xôi cách trở của một phường cù lao nghèo. Tôi còn nhớ, bác Ba Bài, ở ấp Long Đại chân tình pha chút hóm hỉnh nói: “Gọi là phường cho vui vậy thôi, chứ không biết bao giờ phố mới về hợp phường. Vào mùa nước nổi, muốn vào Long Phước thật không dễ chút nào, chờ đò ở bến sông Tắc thì cũng mất hàng giờ. Rồi phải tiếp tục đi trên con đường cũng chẳng phải là đường vì sình lầy nhảo nhoẹt”. Thật vậy, đối với phường Long Phước, muốn vào được địa bàn của phường thì phải “lụy đò”, tiếp theo là phải đi trên những con đường nắng bụi mưa lầy hàng cây số mới đến được trung tâm phường. Kể từ khi cây cầu bê tông Trường Phước bắt qua sông Tắc được xem là cơ sở hạ tầng duy nhất được đầu tư mới khi Long Phước được “lên đời” thành phường, để rồi làm tiền đề cho việc hàng loạt các cây cầu mới ra đời trong các năm tiếp theo. Và vừa qua, cầu Long Đại – một cây cầu cuối cùng của “triều đại cầu ván đóng đinh” cũng được thay áo mới.
Đường sá thông thoáng, tiềm năng kinh tế của địa phương đã được vực dậy trong việc đi lại và vận chuyển hàng hóa. Ý nghĩa lớn thứ hai của sự ra đời của những chiếc cầu này là đã xóa đi trong từng nếp nghĩ của bao người dân nơi đây là một vùng quê xa xôi hẻo lánh, xa ánh đèn đô thị. Đồng thời nó còn phá đi thế cô lập của những xã nghèo vẫn còn đè nặng bởi tư tưởng của một vùng đất còn “cách trở đò đưa”, xóa đi cái không gian xa xôi của những xã mang tiếng là đứa con ruột thịt của thành phố mà đi cả ngày trời mới đến nơi được…
Xã cù lao Hiệp Phước, huyện Nhà Bè cũng đang đổi mới từng ngày bởi hệ thống cầu và mạng lưới đường giao thông nông thôn. Từ khi những con đường trải nhựa đi xuyên qua cánh đồng đất hoang heo hút, qua những mảng rừng dừa nước cằn cỗi… thì nơi đây giờ trở thành là những thửa ruộng, vuông tôm, mỗi năm mang về cho nông dân hàng trăm triệu đồng. Từ khi đường sá, cầu được xây dựng, trên những cánh đồng trũng hoang vắng ngày nào giờ những nhà máy, xí nghiệp… đang tua tủa mọc lên. Từ hai xã cù lao của huyện Nhà Bè là Phước Lộc, Nhơn Đức, bây giờ chúng ta có thể xuyên qua cánh đồng bưng trũng thấp bằng con đường nhựa phẳng phiêu Nhơn Đức – Long Thới, mới được xây dựng. Xuôi theo hương lộ 39 (giờ là đường Nguyễn Văn Tạo) về Hiệp Phước, đường rộng thênh thang, không còn phải vượt “chướng ngại vật” ổ trâu, ổ voi… như trước đây nữa. Ngày trước, cứ đến đợt triều cường là toàn bộ con đường này bị dòng nước “nuốt chửng”, có muốn đi vào trung tâm xã Hiệp Phước cũng đành bó gối chờ vài tiếng đồng hồ, khi dòng nước triều cường rút đi. Bác Nguyễn Văn Kính, nhà ở ấp 3 xã Hiệp Phước, năm nay đã ngoài cái tuổi “thất thập cổ lai hy” cho biết: “Cả đời người gần như sống ở mảnh đất này, bao lượt người trong làng cứ tứ tán đi nơi khác làm ăn, vì sự khắc nghiệt của thiên nhiên, sự đói kém mất mùa của vùng đất heo hút này. Có bao giờ tui dám nghĩ đến một ngày mà cũng trên thửa ruộng đó lại sinh ra tiền triệu, tiền tỷ như bây giờ. Đó là kết quả của những công trình điện – đường được Nhà nước mình chú trọng xây dựng. Điện và đường giao thông đã về tận các tổ ấp sâu…”. Qua UBND xã Hiệp Phước thì được biết, 20km đường nông thôn trên toàn xã Hiệp Phước ngày nào còn bì bõm nước giờ được trải nhựa với công trình cao hơn đỉnh lũ năm 2000 gần nửa mét. Điều đáng nói là những con đường này đã chạy đến tận các ấp cù lao heo hút như Mương Lớn, Sóc Vàm… của xã. Thêm nữa, 30 cây cầu thuộc thế hệ “cầu ván đóng đinh” giờ đã thay thế bằng những chiếc cầu bê tông vững chắc, bắc qua các nhánh sông rạch chằng chịt. Những cây cầu này ra đời cũng đã đẩy lùi những chuyến đò ngang đã tồn tại từ bao đời nay của người dân trong các ấp sâu.
Về cù lao Hiệp Phước không thể không nhắc đến một con đường mà hơn ngàn người dân nơi đây trông đợi từ nhiều thế hệ. Đó là đường Nguyễn Văn Tạo, một con đường huyết mạch như một cái xương sống chạy từ đầu đến cuối xã. Đường rộng thênh thang, mỗi ngày có hàng chục chuyến xe buýt chạy thẳng về các điểm của trung tâm thành phố. Điều mà hàng chục năm nay người dân nơi đây mõi mòn, chờ đợi…
Huỳnh Sang

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)