Khi mâu thuẫn trong hôn nhân không thể hòa giải được, một số người trong cuộc chọn cách làm tổn thương cho nhau bằng những hành động mất nhân tính.
Nghi can Hàng Thị Hồng Diễm làm việc với cơ quan điều tra |
Thảm kịch hôn nhân
Thời gian gần đây, liên tiếp những vụ án chồng giết vợ, vợ giết chồng xảy ra. Nỗi đau này như một lời cảnh báo. Có thể thấy, nhiều trường hợp đã chọn cách chia ly thật đau đớn do sự thiếu hiểu biết, do bản tính côn đồ và còn do sự bốc đồng, xốc nổi, ghen tuông. Có nhiều bài học rút ra sau những vụ án mà người chồng đang tâm xuống tay giết vợ hay ngược lại.
Vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương ra quyết định khởi tố vụ án, bị can và lệnh tạm giam đối với Hàng Thị Hồng Diễm (32 tuổi, ngụ tỉnh Hậu Giang, trú TX.Thuận An, tỉnh Bình Dương) về tội “Giết người”. Nạn nhân là anh Trần Thanh Tú (37 tuổi, ngụ tỉnh Sóc Trăng, trú TX.Thuận An), là chồng của Diễm. Rất nhiều người đã ngạc nhiên, hoang mang khi biết thông tin Diễm giết chồng rồi phân xác phi tang ở Bình Dương. Lòng tin vào cái thiện thêm một lần lung lay. Cái giá phải trả cho những hành vi côn đồ, tàn nhẫn và máu lạnh rồi sẽ được pháp luật thực thi. Nhưng thảm kịch của cuộc hôn nhân là quá đau lòng cho vợ chồng nạn nhân với 2 đứa con (gái 14 tuổi, trai 9 tuổi). 14 năm tình nghĩa vợ chồng, có với nhau 2 đứa con nhưng vì một phút không kiểm soát được mình, họ đã tự đào mồ chôn cho cuộc hôn nhân ấy. Hai đứa trẻ sẽ sống những ngày phía trước ra sao khi nỗi đau như một hố sâu, có thể ám ảnh các em đến suốt đời. Chúng tôi cũng đã từng dự phiên tòa vợ chồng cạn nghĩa, cạn tình chỉ còn lại cay đắng. Mường tượng về những hệ lụy khủng khiếp của một xã hội ngày càng trở nên vô luật pháp càng làm nhiều người sợ hãi.
Đã vào độ tuổi cần phải được nghỉ ngơi, vui vầy bên con cháu nhưng không ít người phải chứng kiến cảnh con trai, con gái vướng vào vòng lao lý với cái án “giết người”. Những vụ án này đã để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, người vĩnh viễn ra đi, kẻ vướng vòng lao lý, còn con cái phải chịu cảnh bơ vơ.
Đằng sau những vụ án tình
Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều vụ án giết người mà thủ phạm và nạn nhân là chồng hay vợ của nhau. Vừa qua, một vụ án chồng giết vợ cũng rúng động dư luận. Nạn nhân của vụ việc là chị Nguyễn Thị T. (29 tuổi). Còn người gây án là Phạm Ngọc Khoa (27 tuổi, cùng ở thôn Lai Sơn) và chính là chồng của nạn nhân. Nghi vợ ngoại tình, chồng bóp cổ đến chết rồi viết chữ “Phản bội” lên bụng nạn nhân.
Tình vợ chồng là một tình cảm rất thiêng liêng, bởi phần lớn được kết tinh từ tình yêu, cộng thêm sự gắn bó khăng khít từ những đứa con. Tuy nhiên, những vụ án chồng giết vợ hay vợ giết chồng trong thời gian gần đây đã một lần nữa gióng lên hồi chuông về bạo lực gia đình và cách thức để giải tỏa mâu thuẫn, tránh dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. |
Vừa qua TAND TP.HCM cũng vừa mở phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Văn Nghĩa (SN 1972, ngụ tỉnh Tiền Giang) về tội “Giết người”. Theo cáo trạng, tháng 4-2014, Nghĩa cùng vợ là chị Nguyễn Thị Thanh G. (SN 1974, ngụ tỉnh Tiền Giang) và hai con từ Tiền Giang lên TP.HCM lập nghiệp. Cả gia đình Nghĩa thuê nhà sống tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM. Cũng vì mâu thuẫn, cãi vã mà người chồng đã ra tay giết chết người cùng “đầu ấp tay gối” với mình bao nhiêu năm. Khoảnh khắc rạng sáng khi con trai chị G. thấy mẹ chết trong thùng phuy nên điện báo cho cha mình chắc sẽ mãi ám ảnh em. Đau lòng hơn khi thủ phạm và người bị hại đều là hai người ruột thịt của em.
Xét về mức độ gây án, vụ án vợ giết chồng ở Bình Dương được xem là man rợ. Tuy nhiên, có thể xét ở một mức độ tâm lý nào đó, nếu phụ nữ chịu nhiều áp lực, tâm lý ức chế, dồn nén, tích tụ trong quá trình thì sẽ dẫn đến chuyện giọt nước tràn ly. Ngoại tình, nghiện rượu, vũ phu… là những nguyên nhân dẫn đến kết cục cay đắng, đau buồn với sự tan nát của một gia đình, với cái chết của một người, và người kia đối diện với không chỉ tòa án lương tâm.
Tình vợ chồng là một tình cảm rất thiêng liêng, bởi phần lớn được kết tinh từ tình yêu, cộng thêm sự gắn bó khăng khít từ những đứa con. Tuy nhiên, những vụ án chồng giết vợ hay vợ giết chồng trong thời gian gần đây đã một lần nữa gióng lên hồi chuông về bạo lực gia đình và cách thức để giải tỏa mâu thuẫn, tránh dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Hết tình nồng chỉ còn lại những cay đắng là cái kết cục buồn cho những cuộc hôn nhân. Dù lỗi do người chồng hay người vợ thì những nạn nhân đau đớn nhất, thiệt thòi nhất vẫn là những đứa trẻ. Mất cha, mất mẹ hay mất cả hai đều là những điều mà bất cứ đứa trẻ nào cũng sẽ cảm thấy vô cùng đau đớn, xót xa.
Yên Hà
Bình luận (0)