Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT như hiện nay đến năm 2025?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Hôm qua (8.7), Bộ GD-ĐT tổ chức họp báo sau 2 ngày diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Tại cuộc họp báo, ông Lê Mỹ Phong, Phó cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho rằng theo đánh giá ban đầu của thí sinh, giáo viên và dư luận xã hội, đề thi các bài thi hoặc môn thi nằm trong chương trình THPT, có sự phân hóa phù hợp việc xét công nhận tốt nghiệp THPT và cung cấp dữ liệu cho các cơ sở GD ĐH, GD nghề nghiệp sử dụng để tuyển sinh.

Sẽ không còn chuyện đoán “tủ” đề văn

Hai ngày thi vừa qua có thông tin một tài khoản đoán trúng đề văn tốt nghiệp THPT liên tiếp 3 năm, từ đó dư luận đặt ra vấn đề phải chăng việc ra đề văn đã và đang đi theo lối mòn, nên dễ đoán? Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ GD trung học, bình luận: “Với một số lượng người tham gia dự đoán rất lớn trên một số lượng không nhiều tác phẩm được giảng dạy trong nhà trường, thì xác suất đoán đúng đề thi rơi vào tác phẩm nào cũng là điều dễ hiểu. Nhưng điều quan trọng, cùng một tác phẩm nhưng có nhiều câu hỏi khác nhau. Cho nên, việc đoán đúng tác phẩm không phải là đoán đúng đề, mà đoán đúng đề phải là đoán đúng câu hỏi đặt ra với tác phẩm nào, hay đoạn trích tác phẩm nào”.

Duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT như hiện nay đến năm 2025? - ảnh 1

Giám thị kiểm tra dụng cụ thí sinh được mang vào phòng thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. ĐÀO NGỌC THẠCH

Ông Thành cũng cho rằng hiện tượng trên xảy ra với chương trình hiện hành. Còn với chương trình mới (bắt đầu triển khai từ năm học 2022 – 2023, lứa tốt nghiệp đầu tiên thi vào năm 2025), một chương trình nhiều sách giáo khoa, nên ngữ liệu được dùng để kiểm tra đánh giá sẽ phong phú, không gói gọn trong một cuốn sách giáo khoa cụ thể nào.

Có ý kiến cho rằng với đề thi năm nay, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT sẽ tiếp tục đạt mức cao như mọi năm, vì vậy nên chăng Bộ GD-ĐT trả kỳ thi về cho các địa phương, ông Phong chia sẻ: “Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo xây dựng các phương án thi tốt nghiệp THPT những năm tới, đặc biệt giai đoạn từ khi chúng ta thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Hiện nay, chúng ta thực hiện luật Giáo dục 2019, mà luật này cũng như luật trước quy định, sau khi học sinh học xong lớp 12 nếu có đủ điều kiện thì phải tham dự kỳ thi để được xét và cấp bằng tốt nghiệp THPT. Chúng tôi sẽ tham mưu lãnh đạo Bộ GD-ĐT để trong thời gian tới chúng ta có phương án thi tốt nhất”.

Giám sát phòng chấm 24/24 giờ

Theo Bộ GD-ĐT, sau khâu coi thi kết thúc, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm thực hiện tốt các khâu chấm thi, đối sánh dữ liệu điểm thi, công bố kết quả thi, phúc khảo bài thi, xét công nghiệp tốt nghiệp THPT cho thí sinh và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2022. Các đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia và 63 đoàn kiểm tra chấm thi của Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện kiểm tra công tác chấm thi ở 63 hội đồng thi trong suốt thời gian diễn ra công tác chấm thi để tăng cường tính nghiêm minh trong quá trình chấm thi.

Duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT như hiện nay đến năm 2025? - ảnh 2

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT kiểm tra công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT 2022 tại TP.HCM, trong đó quan tâm đến việc tổ chức chấm thi. NGỌC DƯƠNG

Các địa phương sẽ thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc quy trình chấm thi tự luận, chấm thi trắc nghiệm và phúc khảo bài thi bảo đảm đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, có camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ. Đồng thời, tăng cường củng cố hạ tầng công nghệ thông tin để việc công bố kết quả thi được thuận lợi, không xảy ra tình trạng nghẽn mạng. Các địa phương cũng phải sẵn sàng hỗ trợ thí sinh thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ sau khi có kết quả thi. Triển khai xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh bảo đảm đúng quy chế; trong đó, tập trung rà soát kỹ thông tin dữ liệu đăng ký thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Liên quan tới công tác chấm thi, ông Lê Mỹ Phong lưu ý: “Năm nay có điểm mới trong quy định về chấm thi tự luận mà địa phương cần phải lưu ý, đó là điện thoại trong khu vực làm phách không chỉ để loa ngoài mà còn phải ghi âm. Tất cả các cuộc gọi đến và gọi đi đều được ghi lại. Còn với việc làm phách cho các bài thi tự luận, địa phương sẽ tự quyết định làm phách 1 vòng hay 2 vòng. Ngoài ra, năm nay có một phát sinh là có bài thi của các thí sinh là F0. Khi thu bài thì những bài thi của thí sinh F0 thu riêng, nhưng sau khi làm phách thì hồi về như cũ, để được cùng chấm với các bài khác”.

Lý do đề thi phân hóa cao

Trước ý kiến cho rằng vì Bộ GD-ĐT muốn các trường ĐH sử dụng kết quả thi để làm căn cứ xét tuyển ĐH nên mức độ phân hóa của đề thi năm nay cao hơn năm ngoái, ông Nguyễn Xuân Thành khẳng định đề thi tốt nghiệp trước hết nhằm mục đích đánh giá học sinh để xét tốt nghiệp. Cấu trúc đề thi tốt nghiệp tương thích với chỉ đạo về kiểm tra, đánh giá thường xuyên học sinh trong suốt quá trình học, là theo ma trận đề. Mỗi đề thi đều đáp ứng yêu cầu từ thấp đến cao. Từ 2 năm nay, việc dạy học được chỉ đạo là phù hợp với bối cảnh dịch Covid-19. Vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 ở các địa phương khác nhau nên thực tế việc tổ chức dạy học ở các địa phương khác nhau. Có những nơi dạy theo hình thức trực tiếp nhiều hơn ở những nơi khác.

Vì thế, Bộ GD-ĐT đã có hướng dẫn các trường ôn tập theo từng nhóm học sinh khác nhau. Điều này ảnh hưởng tới việc xây dựng ma trận đề thi. Nếu làm đề phù hợp với đối tượng thấp thì sẽ không đảm bảo sự công bằng cho những đối tượng cao hơn, được học trực tiếp sớm hơn. “Mục đích của kỳ thi là để có căn cứ đánh giá lại quá trình tổ chức dạy học năm học vừa qua. Nếu căn cứ vào đối tượng phải học trực tuyến kéo dài, giảm mức độ yêu cầu xuống thì dẫn tới việc các em dù trình độ khác nhau nhưng đều đạt điểm tối đa. Nếu thế thì sẽ không công bằng”, ông Thành nói.

Theo Quý Hiên/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)