24 năm trong nghề giáo, đảm nhiệm nhiều vị trí công tác khác nhau, cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng Trường TH Núi Thành (quận Hải Châu, Đà Nẵng) đã có nhiều đóng góp giàu nhiệt huyết, hướng đến sự phát triển toàn diện của học sinh. Với cô, nghề giáo không chỉ là nghề mà đã là nghiệp để gắn bó!
Với HS Trường TH Núi Thành, cô Nguyệt không chỉ là một vị Hiệu trưởng mà còn là người mẹ, người bạn |
Khuyến khích giáo viên sáng tạo
Nhắc đến cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng Trường TH Núi Thành, nhiều đồng nghiệp rất quý mến và khâm phục. Tròn 24 năm công tác trong nghề, với nỗ lực và tình yêu nghề, cô Nguyệt không chỉ để lại trong lòng đồng nghiệp sự yêu mến mà cô còn là một người mẹ mẫu mực vì bao thế hệ học sinh thân yêu. Với cô, mái trường là ngôi nhà thứ 2 mà ở đó, cô dành trọn tình yêu để chăm bẵm, vun vén để chung tay xây dựng nên môi trường giáo dục thân thiện và toàn diện. Tốt nghiệp CĐSP năm 1993, cô Nguyệt nhận công tác về Trường TH Trần Quốc Toản (quận Sơn Trà). Bảy năm sau đó, cô chuyển về giảng dạy tại Trường TH Phù Đổng (quận Hải Châu). Một năm sau khi về giảng dạy tại Trường Tiểu học Phù Đổng, cô Nguyệt được đại diện trường dự thi GV dạy giỏi cấp quận. 13 năm liên tục được công nhận là GV giỏi cấp quận và thành phố, trong đó có 5 năm là GV giỏi cấp thành phố.
Năm 2015, cô Nguyệt được đề bạt làm Hiệu trưởng Trường TH Núi Thành. Đảm nhận vị trí công tác mới, cô Nguyệt luôn tự nhủ mình cần nỗ lực hơn trong công tác, tìm hiểu và nắm bắt tâm tư của giáo viên để đưa ra những giải pháp tốt nhất nhằm hướng đến mục đích cuối cùng là tạo ra môi trường giáo dục thân thiện, hiệu quả. “Muốn làm tốt thì trước hết phải hiểu. Hiểu công việc và hiểu đồng nghiệp. Với những giáo viên đạt được kết quả cao, cần phải được khen thưởng, động viên kịp thời. Mọi công việc đều có sự chung tay chia sẻ giữa Ban giám hiệu và đội ngũ giáo viên. Từ sự đồng thuận đó thì mọi khó khăn sẽ được giảm bớt. Mặt khác, khi tìm được sự đồng thuận thì bản thân mỗi giáo viên sẽ nỗ lực cống hiến nhiều hơn cho công tác”, cô Nguyệt bộc bạch. Trong công tác giảng dạy cũng như trong các hoạt động phong trào, bề nổi, cô luôn theo sát, đồng hành cùng đồng nghiệp, khuyến khích đồng nghiệp sáng tạo. Cô bảo, mình không áp đặt mà luôn tạo cơ hội để GV thể hiện năng lực và mình sẵn sàng hỗ trợ cho GV sáng tạo, giải quyết kịp thời những nguyện vọng chính đáng của đồng nghiệp để họ phát triển.
Chú trọng kỹ năng sống cho học sinh
Không chỉ là một vị hiệu trưởng gần gũi với tập thể nhân viên, khiến mọi người nể phục bởi cách quản lý nhà trường khoa học, quyết đoán và có tình có lý. Cô Nguyệt còn được nhiều học sinh yêu mến bởi sự thân thiện và những hoạt động sáng tạo đầy thú vị. Cô Nguyệt bảo, phương châm của nhà trường là tạo cho HS của mình niềm yêu thích khi đến trường, trang bị cho các em đầy đủ kỹ năng sống, tinh thần đồng đội, ý thức làm việc nhóm và có thái độ sống tích cực. Đơn cử như thông qua các hoạt động: trồng cây mùa xuân, sinh hoạt theo chủ đề Xuân, thi gói bánh chưng, sinh hoạt các câu lạc bộ tiếng Anh, câu lạc bộ robotic… “Trẻ em là một tờ giấy trắng, mình phải làm sao để có những nét vẽ chính xác để giúp các em hình thành nhân cách. Ví dụ như trước đây, nhà trường rất chăm chút các bồn hoa xung quanh trường, dọc hành lang để tạo cảnh quan xanh mát cho các em nhưng thường bị các em nghịch ngợm nhổ và dẫm đạp lên. Từ đó mình nghĩ, để các em yêu một điều gì đó thì phải bắt đầu bằng hành động do chính các em chăm bẵm. Thế là nhà trường tổ chức cho các em tự tay trồng hoa, tưới nước chăm sóc cây. Từ đó, các em ý thức hẳn trong việc giữ gìn cây trong sân trường, không còn hành động nhổ, bẻ cây nữa”.
Vào giờ sinh hoạt dưới cờ, các em học sinh còn thích thú bởi những câu chuyện của cô hiệu trưởng về công ơn sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ, rồi những tiểu phẩm về chủ đề tiết kiệm điện hay một tiết mục của CLB Robotics của trường biểu diễn. Có những giờ sinh hoạt dưới cờ, cô Nguyệt cùng nhau nhảy dân vũ. Thu phục học trò qua những tiết học sôi động, cô Nguyệt còn là một cô giáo giàu lòng nhân ái và lan tỏa tinh thần ấy đến mỗi học sinh thông qua phong trào nuôi heo đất. “Với học trò tiểu học, kiến thức là quan trọng nhưng nhân cách, thái độ sống cũng quyết định rất lớn đến tương lai của các em. Vì vậy, mình phải tạo ra cầu nối tương tác giữa nhà trường với phụ huynh và học sinh, giúp các em hình thành nhân cách”.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)