Chưa đủ tự tin vào năng lực tiếng Anh của bản thân khiến một số học sinh tỏ ra e dè khi xác định lựa chọn một ngành nghề mà bản thân yêu thích.
Em Xuân Phong (học lớp 12L3 Trường THPT Thủ Thiêm) đặt câu hỏi với Ban tư vấn chương trình hướng nghiệp “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” tổ chức tại trường ngày 24-11 |
Vấn đề này được nhiều học sinh đặt ra cho Ban tư vấn chương trình hướng nghiệp “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần 9 năm 2017 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức tại các trường THPT trên địa bàn thành phố.
Hầu hết các câu hỏi mà học sinh đưa ra xoay quanh đặc điểm ngành nghề, nội dung đào tạo, cơ hội việc làm sau khi ra trường cũng như nên chọn ngành nghề nào đúng với năng lực, đam mê, hoàn cảnh gia đình, nhu cầu xã hội. Tuy nhiên đi cùng các câu hỏi trên luôn là sự băn khoăn “tiếng Anh của bản thân chưa thật tốt thì có nên đăng ký học?”. Em Xuân Phong (học lớp 12L3 Trường THPT Thủ Thiêm, TP.HCM) băn khoăn em yêu thích ngành quản trị khách sạn nhưng không rõ những quy định đầu vào. Đặc biệt, em không giỏi tiếng Anh thì có theo học được ngành này không? Tương tự, một học sinh lớp 12 Trường THPT Trưng Vương (TP.HCM) cũng chia sẻ, bản thân yêu thích ngành công nghệ thông tin nhưng tiếng Anh lại không tốt. Em băn khoăn có nên theo học ngành này không vì chuyên ngành máy tính sử dụng toàn tiếng Anh.
Theo ThS. Phạm Doãn Nguyên (Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM), có không ít học sinh đang gặp áp lực trước việc không sử dụng được ngoại ngữ, cụ thể là tiếng Anh. Vấn đề này có tác động đến tâm lý lựa chọn ngành nghề mà bản thân các em yêu thích. Để hỗ trợ cho các tân sinh viên chưa đạt yêu cầu đầu vào tiếng Anh, yên tâm học tập, nhiều trường ĐH, đặc biệt các trường có liên kết quốc tế sẽ tổ chức các lớp học tiếng Anh dự bị miễn phí, tiếng Anh tăng cường giúp sinh viên kịp thời lấy lại vốn tiếng Anh để sử dụng trong học tập, giao tiếp.
“Hiện học sinh, sinh viên Việt Nam không thua các nước bạn về sắc vóc, sức khỏe, trình độ nhưng lại thua về kỹ năng, tác phong nghề nghiệp, đạo đức và cả tiếng Anh”, ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) nói. |
Tuy nhiên, ông Nguyên cho biết thêm, ngay từ khi còn ngồi trên ghế trường phổ thông, các em học sinh phải xác định: hầu hết các ngành nghề hiện nay đều đòi hỏi người học phải sử dụng tốt tiếng Anh. Như công nghệ thông tin, vì chuyên ngành máy tính sử dụng hoàn toàn tiếng Anh để đào tạo. Hoặc ngành quản trị khách sạn, liên quan đến khối ngành dịch vụ, phục vụ cho nhiều đối tượng khách hàng khác nhau, trong đó có không ít khách nước ngoài vì thế đòi hỏi người học phải biết sử dụng tiếng Anh phục vụ công việc. Mặt khác, biết tiếng Anh giúp học sinh ngay khi tốt nghiệp THPT sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn ngành nghề yêu thích cũng như cơ hội phát triển nghề nghiệp bản thân trong môi trường hội nhập.
Trên thực tế, số lượng học sinh, sinh viên học chưa tốt môn tiếng Anh hiện rất nhiều, đây vẫn là bài toán nan giải của ngành giáo dục trong việc nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ cho người học. Cụ thể, kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2016 cho thấy, tỷ lệ học sinh đạt điểm dưới trung bình môn tiếng Anh thấp nhất trong các môn. Hoặc nhìn vào kết quả Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 của Bộ GD-ĐT (tính đến thời điểm hiện tại qua 8 năm thực hiện), Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận sẽ không đạt được mục tiêu từ nay đến năm 2020 đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp TC, CĐ, ĐH có đủ năng lực ngoại ngữ, sử dụng độc lập, giao tiếp trong học tập, công việc.
Ở khía cạnh khác, ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) nhận định, hiện học sinh, sinh viên Việt Nam không thua các nước bạn về sắc vóc, sức khỏe, trình độ nhưng lại thua về kỹ năng, tác phong nghề nghiệp, đạo đức và cả tiếng Anh. Điều này khiến học sinh, sinh viên Việt Nam tự ti, thiếu mạnh dạn trong giao tiếp, ảnh hưởng đến lựa chọn ngành nghề và không đáp ứng được yêu cầu công việc của doanh nghiệp, dẫn đến mất nhiều cơ hội nghề nghiệp tốt.
“Trong xu thế hội nhập khu vực và thế giới, tiếng Anh trở thành ngôn ngữ chung của toàn cầu, bản thân mỗi học sinh, sinh viên cần xác định vai trò này để tập trung rèn luyện, nâng cao năng lực sử dụng, đáp ứng nhu cầu lao động xã hội”, ông Tuấn khẳng định.
N.Trinh
Bình luận (0)