Tôi bước vào một tiệm hớt tóc bên đường. Thợ đang cắt tóc cho khách… Vừa thấy tôi, người thợ gỡ khẩu trang và cúi đầu: “Thưa thầy!”. Hóa ra đây là tiệm hớt tóc của Tâm, cậu học trò cũ của tôi mấy năm về trước.
Lớp 12 của Tâm năm ấy tôi làm chủ nhiệm. Học sinh ở một thị xã nhỏ phần đông là con em lao động nghèo nên em nào cũng ráng học để sau này vào được ĐH, có nghề nghiệp cho tương lai. Nhiều em mơ ước làm bác sĩ, mơ tới ngoài công việc ở bệnh viện còn mở phòng mạch tư; có em mơ ước học ngành kinh tế, quản trị kinh doanh là những ngành học “thời thượng” lúc bấy giờ… Khi tôi hỏi Tâm rằng: Em chọn học ngành gì thì em trả lời là không học gì cả, em chỉ thích làm thợ hớt tóc thôi! Cả ba mẹ em và thầy cô đều ngạc nhiên trước ý tưởng chọn nghề tương lai của em. Trời ơi, công lao 12 năm học mà lại chọn nghề hớt tóc là sao? Quả thực, học lực của Tâm chẳng nổi trội ở môn nào nên việc chọn nghề thực sự khó khăn. Có người khuyên em nên vào ngành sư phạm, vì ngành đó không phải đóng học phí. Nhưng em cũng cảm ơn và từ chối vì cảm thấy mình chưa đủ “lực” để làm nghề dạy học. Tuy nhiên, bù lại, Tâm có khiếu về thời trang đầu tóc; thích sự sáng tạo trong lĩnh vực này. Ngoài giờ học, khi nào rảnh rỗi là Tâm vào các tiệm cắt tóc, xem thợ hớt tóc thế nào? Từ tay cầm kéo, từ kiểu tóc phù hợp với gương mặt của khách hàng, từ cách trò chuyện với khách thế nào…, em đều ghi nhớ và cảm nhận mình có thể làm được những công việc ấy.
Thế rồi năm học cũng kết thúc và lứa các em ra trường năm ấy, có nhiều em toại nguyện là vào được các trường ĐH, thực hiện ước mơ của mình. Tâm cũng ra trường và nghe nói đi đâu đó tìm việc làm trên thành phố. Hóa ra em đi “tầm sư học đạo” để thỏa nguyện ước của mình là trở thành… thợ hớt tóc.
Tâm cho biết thời gian đầu khá vất vả nhưng nhờ chịu khó học hỏi nên “nghề dạy nghề” và tiệm của em ngày càng đông khách. Thu nhập hàng tháng khoảng 15 triệu đồng là bình thường; các tháng lễ, Tết còn nhiều hơn nữa…
Lê Trường Sa (Sóc Trăng)
Bình luận (0)