Nhịp cầu sư phạmGương sáng

“Em còn phải cố gắng nhiều”

Tạp Chí Giáo Dục

“Em là H.N. ở Tân Biên đây. Hi vọng anh chưa viết bài về em vì hôm nay thi quân sự – quốc phòng em đã quay cóp, bị giám thị bắt. Em không tốt như mọi người nghĩ đâu!”.
Đó là một cậu học trò có tên trong danh sách nhận học bổng “Chung một ước mơ” năm 2009. H.N. còn cho số điện thoại của cô giáo chủ nhiệm và nhà trường, yêu cầu tôi xác minh những thông tin cậu vừa cung cấp.
H.N. là học sinh của Trường THPT Trần Phú (Tây Ninh). Ngay khi đọc hồ sơ đề nghị cấp học bổng “Chung một ước mơ” năm 2009 của tỉnh, tôi đã khá ấn tượng với bản tự giới thiệu của cậu học trò này: chỉ có tên, năm sinh (không ngày, tháng); mồ côi cha mẹ; đang ở nhờ nhà bạn… Vậy mà trong thư H.N. nhiều lần tự cho mình là “người may mắn”. Thư viết: “Nếu được học bổng, em sẽ bớt thời gian hè làm việc để lo học chuẩn bị cho lớp 12. Nếu không được cũng không sao, em sẽ nỗ lực hết mình trong hè này để kiếm tiền và học bổng này sẽ được trao đến những bạn xứng đáng hơn em”.
Thật ra H.N. sinh ra tại Cần Thơ và lớn lên ở Long Xuyên, An Giang. Từ bé đã không biết cha mẹ là ai, được một gia đình thương nhận nuôi, cho đi học. Nhưng gia đình ấy cũng khó khăn lắm. H.N. nhận thấy mình là gánh nặng cho gia đình nên từ hè năm lớp 1 đến hết lớp 5 đôi chân nhỏ của H.N. đã đi khắp các con đường, ngõ phố ở Long Xuyên rao bán vé số sau giờ học.
Rồi quãng đời bụi bặm của H.N. mở ra từ hồi học lớp 5 khi H.N. quyết định bỏ nhà đi…; ăn ngủ ghế đá công viên, hiên nhà, đầu đường, xó chợ… Một thân bơ vơ giữa dòng đời có lúc tưởng chừng gục ngã, H.N. tìm đến một trường học xin chỗ nương thân. Biết hoàn cảnh, các thầy cô giáo và bảo vệ trường cho H.N. được ở trong trường. Tốt nghiệp tiểu học, nhờ thầy cô giới thiệu H.N. tiếp tục sang trường cấp II gần đó vừa học vừa đi bán vé số.
Hè năm lớp 8 sau một lần mất sạch vé số, H.N. đi lang thang đến bến phà ngủ qua đêm. Trên phà có chiếc xe đi Sài Gòn còn trống, H.N. chui vào gầm ghế và xe đã đưa H.N. lên đất Sài Gòn. Không một đồng trong túi, H.N. hỏi xin việc khắp nơi và cuối cùng người học trò nhỏ nhận được một chân bốc vác. Sức học trò sao làm được, lại phải ra đi làm đủ thứ việc, có khi hết tiền phải đi xin ăn. Rồi dòng đời lại đẩy đưa H.N. lên tận chùa Cẩm Phong (Gò Dầu, Tây Ninh). Sống ở đây hai năm, H.N. được tiếp tục học hết lớp 9.
“Lăn lộn với cuộc sống có lẽ quá đủ để em hiểu: không học đến nơi đến chốn là còn vạ vật mãi” – H.N. tâm sự. Nhờ một người quen, H.N. được vào học ở Trường THPT Trần Phú đến nay và được một người bạn cùng lớp đưa về ở cùng. “Gia đình bạn ấy coi em như con trong nhà, thậm chí còn tính cho em nhập hộ khẩu để sang năm được thi ĐH. Em hạnh phúc và may mắn quá…”.
Cô giáo chủ nhiệm của H.N. xúc động khi nói về học trò mình: “Tôi rất bất ngờ vì từ trước đến nay H.N. chưa bao giờ quay bài. Mấy hôm nay tính chở em đi mua đôi giày để đi nhận học bổng nhưng em cố tình né…”.
Cô Giàu nói thêm: H.N. là học trò ngoan, học khá nhưng cá tính. Mấy lần H.N. từ chối học bổng của nhà trường vì “em còn khả năng làm được tự kiếm tiền, nên để bạn khác nhận” và xin làm lao công cho trường để có 500.000 đồng/tháng. Hôm chúng tôi tìm gặp H.N. vừa đi bốc vác ở cửa khẩu Xa Mát trở về.
H.N. có thật sự quay cóp không hay vì một lý do nào đó cố tình làm thế để không muốn Tuổi Trẻ viết bài về mình? Câu hỏi ấy cứ dai dẳng trong tôi, nhất là khi nhớ lại câu nói của H.N. lúc chia tay: “Em không muốn lên báo vì muốn quên hết những gì mình trải qua như một giấc mơ buồn. Điều quan trọng nhất với em hiện nay và sắp tới là phải cố gắng nhiều, phải sống thế nào để khỏi phụ bạc những gì cuộc đời đã bù đắp cho mình”.
TRẦN HUỲNH (TTO)

Bình luận (0)