Bất cứ giáo viên nào khi vào nghề cũng sẽ gặp nhiều tình huống sư phạm không dễ dàng bỏ qua khi đứng trên bục giảng. Riêng tôi, tôi nhớ rất rõ về câu chuyện cách đây đã ngót 10 năm về việc “Không gọi học sinh (HS) yếu phát biểu!”.
Lúc ấy, tôi mới vào nghề được 3 năm, kinh nghiệm dạy học cũng chưa nhiều và phải dạy lớp cuối cấp. Ôi thôi là nhiêu khê và cực nhọc vì HS phải thi chuyển cấp. Dạy làm sao đảm bảo tất cả HS đi thi tốt nghiệp phải đậu 100%. Cái chỉ tiêu ấy của nhà trường đặt ra để chúng tôi phấn đấu và thực hiện tốt. Trong quá trình dạy, tôi khuyến khích HS giơ tay phát biểu để giành điểm thưởng, nhưng phải phát biểu đúng! Và trong các tiết học, có nhiều câu hỏi được tôi đặt ra cho HS. Lúc ấy, đa số các em đều giơ cao tay để mong được thầy gọi, duy chỉ có một em HS tên L. giơ tay với dáng vẻ rụt rè, không tự tin. Và chỉ nhìn cách giơ tay ấy của L. là tôi không gọi em. Ngày qua ngày, những tiết học cứ trôi qua. Các bạn trong lớp ai cũng có những điểm thưởng nhất định, riêng L. thì không có điểm nào. L. rất buồn khi tôi công bố số điểm của các bạn và của em. Em không nói gì, mà chỉ cúi mặt. Lúc đó, tôi cũng chẳng biết về việc do em không tự tin nên không được điểm thưởng. Tôi lại trách em, và tỏ thái độ không thích vì bản thân em là một HS yếu. Đến cuối năm, khi điểm thi tốt nghiệp đã có, tôi ngạc nhiên vì điểm thi của L. khá tốt và được vào trường công lập (lúc ấy còn phân định trường công lập và trường bán công).
Khi đã lên THCS, L. quay về trường cũ thăm tôi vào dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 và em đã tặng tôi một tấm thiệp, trong đó có một bức thư ngắn, ghi: “Thưa thầy, con trở về đây để thăm thầy vì công ơn của thầy đã dạy con những kiến thức tối ưu để con cố gắng thi và đạt điểm tốt như ngày hôm nay. Có điều này, con xin trình bày cho thầy rõ trong khi con được thầy dạy, thầy có phát động điểm thưởng cho bạn nào giơ tay. Thú thật, lúc đó con biết câu trả lời nhưng chưa đủ tự tin nên con giơ tay không cao và thầy chẳng bao giờ gọi con. Con buồn lắm nhưng hứa với lòng sẽ đạt điểm tốt và sẽ đậu vào trường công để thầy vui. Và con đã làm được điều này rồi. Con cám ơn thầy nhiều lắm! Học trò “yếu” của thầy năm xưa. Ký tên L.”.
Tôi ngập ngừng với những dòng tâm sự của em học trò “yếu” ngày nào nhưng có bản lĩnh, ý chí. Tôi trách mình đã không quan sát, không tìm hiểu kĩ về những gì L. đã và đang thể hiện trong quá trình dạy. Tôi thật hổ thẹn vì đã không quan tâm đến những HS này để tạo cơ hội cho các em!
Tôi đã xử lý tình huống chưa đúng sư phạm, chưa khách quan và chưa tạo cơ hội để các em tiếp nhận kiến thức khi cho rằng, các em phát biểu phải đúng, chắc chắn thì thầy mới gọi. Thực tế, nếu đưa yêu cầu như vậy thì lớp sẽ không sinh động và không tạo được sự hợp tác giữa thầy và trò! Điều này tôi đã mắc sai lầm và sau năm đó, tôi đã điều chỉnh cách thức hoạt động để tạo không khí cho HS tham gia vào bài giảng hiệu quả hơn. Tôi đã khuyến khích các em nêu ý kiến, quan điểm của mình để tập hợp những ý kiến riêng lẻ tạo thành những mắt xích cho các đáp án mang tính tích hợp và đầy đủ hơn!
Từ những tâm sự của L. và qua những năm tháng đứng trên bục giảng, tôi rút ra được một điều quan trọng để dẫn đến thành công cho giờ dạy: Thầy cần quan sát kĩ đối tượng HS, tạo cơ hội cho các em bản lĩnh, tự tin trong khi trình bày ý kiến; tạo nhiều cơ hội cho các HS chậm, yếu bằng những câu hỏi tương đối đơn giản, gần gũi để kích thích sự suy nghĩ của các em… Đó là kinh nghiệm trên bục giảng mà chính học trò đã giúp tôi trưởng thành hơn, dạy tốt hơn để tất cả các em đều có cơ hội tham gia, hợp tác cùng thầy trong quá trình dạy – học. Có như vậy, tiết học mới không còn khô khan mà sẽ gần gũi, nhẹ nhàng và hiệu quả sẽ cao hơn khi chỉ chăm chăm đến những nhân tố tích cực của lớp, mà quên đi những cá nhân kém năng lực nhưng vẫn cố gắng để cùng phát triển.
Trần Minh Duy
(Phó hiệu trưởng Trường Quốc tế Việt Úc)
Bình luận (0)