Thông thường khi học sinh có bài kiểm tra bị điểm thấp thì luôn khiếu nại, năn nỉ thầy cô xem lại để nâng điểm lên. Nhưng tôi từng chứng kiến việc làm ngược lại: Em học sinh đạt điểm 7 môn văn của tôi… không chấp nhận điểm cao như vậy và nhờ thầy xem lại để hạ điểm xuống. Khi đưa bài làm cho tôi xem, em nói: “Em không nhận điểm số này, thầy ạ!”.
Trong quá trình học tập, em cũng thường xuyên phát biểu xây dựng bài. Nhà em gần nhà tôi và tôi biết gia cảnh em khá nghèo vì làm nghề nông nhưng có ít ruộng; đắp đổi quanh năm vừa đủ ăn. Hoàn cảnh của em như vậy mà gia đình vẫn tạo mọi điều kiện cho em học hết lớp 12 trong lúc các bạn khác thì nghỉ học, ở nhà đi làm kiếm tiền. Ngoài giờ học, em nhận công việc chở hàng mướn cho một đại lý bia, nước ngọt. Thấu hiểu như vậy nên tôi rất thông cảm và thường không kêu em lên bảng trả bài như các em khác. Hình như em biết điều đó nên thường tự ái, nghĩ là thầy thương hại mình. Bài văn hôm ấy tôi thấy em có nhiều tiến bộ và tôi ghi điểm 7, một điểm số khá cao trong lớp. Khi tôi làm xong phần đáp án, biểu điểm thì em so lại bài và nhờ thầy sửa lại điểm cho sát đáp án. Tôi nói với em là điểm 7 xứng đáng nhưng em vẫn không chịu và cuối cùng tôi sửa lại thành điểm 6. Có thể trong lúc chấm bài, ý nghĩ thương cảm hoàn cảnh của em len lỏi vào suy nghĩ và tôi cố ý giúp em con điểm này. Lòng tự trọng đã khiến cho em nhận ra lòng thương hại ấy của tôi; em không muốn ai thương hại mình và chỉ muốn đi bằng chính đôi chân mình mà thôi!
Nghe có vẻ ngược đời nhưng đó là câu chuyện có thật xảy ra đối với tôi trong những tháng ngày còn đứng trên bục giảng. Lời đề nghị xem lại điểm của em cũng làm cho tôi tự nhìn lại mình: Đừng chạm đến lòng tự trọng của học sinh vì các em đã và đang từng bước trưởng thành. Sự trung thực trong học tập và trong dạy học là những điều cốt yếu không thể thiếu trong hành trang đi vào cuộc sống của mỗi người.
Lê Lam Hồng
Bình luận (0)