Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

“Em là đòn bẩy vươn lên mạnh mẽ của cả lớp…”

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Cậu học trò khiếm thị đầy nghị lực Nguyễn Quang Nhị.Cô Hồ Nhân Linh – giáo viên chủ nhiệm lớp 10A8 đã không giấu niềm tự hào khi nói về Nguyễn Quang Nhị như vậy.Cùng với Nhị, Hồ Sỹ Phong lớp 11A9 cũng là học sinh khiếm thị nhưng học rất giỏi của trường PTTH Nguyễn Văn Trỗi, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh.

“Ông cán sự” được cả lớp bái phục

Sinh năm 1993, Nguyễn Quang Nhị là con trai đầu trong gia đình có 3 anh em, ở xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà. Ngay từ nhỏ Nhị đã mang căn bệnh khiếm thị. Chạy chữa mãi mắt Nhị vẫn không thể sáng lên. Không có ánh sáng từ đôi mắt nhưng Nhị lại thừa đức tính cần cù, chịu khó. Cậu lấy ước mơ để nuôi thực tại đen tối, khó khăn. Và chỉ có học mới biến ước mơ của Nhị thành sự thật.

Ngay từ nhỏ Nhi đã khao khát đến trường, học chữ. Nhị quyết tâm đạt được mục đích khi tìm đến lớp học chữ Brai. Suốt một thời gian dài đầy rẫy những khó khăn, có khi tưởng như không thể vượt qua Nhị đã tìm đến lớp học. Cậu học trò mù đã khiến bạn bè, thầy cô giáo phải khâm phục bởi tinh thần và khả năng học tập không thua kém bạn nào trong lớp. Và chính những con chữ Brai như ngọn đuốc rọi sáng bóng tối của cuộc đời Nhị.

Khi đã viết thạo chữ Brai, Nhị bắt đầu đặt quyết tâm theo học với các bạn lành lặn. Thấy quyết tâm của cậu và tính thông minh thầy cô giáo đã đặc cách cho em vào học lớp 3, trường tiểu học Thịnh Lộc. Suốt những năm ở bậc tiểu học và THCS, năm học nào em cũng đạt thành tích cao, chẳng hề thua những bạn bình thường.  

Không chỉ là một cán bộ năng động của lớp, Nhị còn học đều tất cả các môn (ảnh: Văn Dũng)

Giờ thì Nhị đã vươn lên lớp 10A8, trường PTTH Nguyễn Văn Trỗi. Trong lớp Nhị không nhìn thấy mọi thứ xung quanh, nhưng đầu em thì rất giàu trí tưởng tượng và giàu lòng nhiệt huyệt. Nhiều bạn trong lớp kể lại, lần thấy Nhị xin cô giáo chủ nhiệm tham gia vào Ban cán sự lớp không ít bạn nghĩ Thịnh ngây ngô. Nhưng, suốt thời gian sát cánh cùng Nhị, các bạn mới thấy Nhị có tiếng nói trọng lượng trong lớp. Ngoài phong trào tự quản Nhị còn đề ra phong trào hỗ trợ học nhóm. Và thành công đã đến với lớp của Nhị, bằng những thành quả lớp em liên tục xếp nhất, nhì phong trào trong trường.

Cô Hồ Nhân Linh – giáo viên chủ nhiệm lớp 10A8, tự hào về Nhị: “Nhị là gương sáng để các bạn noi theo, tinh thần vợt khó của em khó ai bằng, em là đòn bẩy vươn lên mạnh mẽ của cả lớp 10A8. Là học sinh khiếm thị nhưng Nhị có cảm nhận tinh tế, sắc bén trong học tập và trong cuộc sống ”.

Nói về ước mơ của mình em thổ lộ: “Em mong sao vào học một trường đại học nào đó, để sau này có thể đóng góp một phần sức lực nhỏ bé của mình vào công tác của Hội người mù”. Giờ thì Thịnh lại đang tiếp tục dệt ước mơ của mình thêm lớp tin học cơ bản ở Tỉnh Hội người mù.

“Cao thủ” tiếng Anh của lớp

Chung cảnh ngộ bị khiếm thị bẩm sinh với Nhị tại trường Nguyễn Văn Trỗi còn có cậu học sinh Hồ Sỹ Phong, sinh năm 1988, học lớp 11A9. Phong là con thứ 2 trong gia đình nông dân nghèo có 3 chị em ở xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà. Cũng như Nhị không được may mắn về thân thể, nhưng Phong học giỏi, nhất là các môn khoa học xã hội, ngoại ngữ.

Nhiều bạn học trong lớp 11A9 kể, các em “bái phục” trí nhớ về từ vựng và cấu trúc câu của Phong. Chỉ cần đọc lướt vài lần Phong có thể nhớ vanh vách những từ đã học. Điểm kiểm tra của cậu khi nào cũng dẫn đầu lớp.

Nói về cậu học trò đặc biệt của mình cô giáo Trần Thị Thắm-  giáo viên dạy ngoại ngữ trường PTTH Nguyễn Văn Trỗi nhận xét: “Tôi mới về trường, thời gian đầu mới nhận lớp tôi không ngờ Phong là một học sinh khiếm thị, bởi em là học sinh học giỏi môn Tiếng anh thuộc tốp đầu của lớp, có khả năng ghi nhớ và trả lời nhanh. Là học sinh giàu nghị lực và đầy tình cảm”.   

Còn khi tâm sự về tương lai của mình em chân thành, đầy cảm động: “Trước mắt em mong sao có cái máy vi tính để học tập thuận tiện hơn. Còn hy vọng về tương lai, sau khi học xong phổ thông có một nghề nào đó phù hợp để em tự kiếm sống, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội”. Chắc chắn với quyết tâm của mình Phong sẽ đạt được ước mơ cao đẹp ấy.

Rời xa ngôi trường Nguyễn Văn Trỗi, trở lại TP nơi thường chứng kiến học sinh đến trường với đầy đủ tiện nghi, thiết bị học tập, ngẫm lại mới thấy vẽ đẹp, và sự quý mến toát lên từ hai chàng trai nghèo đang thêu dệt những ước mơ giản dị.

Đất Vũ – Văn Dũng (dantri)

 

 

Bình luận (0)