Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Em muốn ngủ vùi để quên đi cảm giác chán nản…”

Tạp Chí Giáo Dục

Thiếu sự quan tâm, chăm sóc của gia đình, nhiều bạn trẻ đã tự hủy hoại cuộc sống của chính mình. (Ảnh minh họa)

Cha mẹ ly dị, em theo mẹ, rời Phú Yên vào Long Khánh (Đồng Nai). Mẹ lập gia đình mới, em lại cùng mẹ trở ra Phan Rang (Ninh Thuận). Dượng làm ăn xa, cả nhà lại chuyển vô Phan Thiết cùng dượng. Mãi đến bây giờ mới yên ổn ở TPHCM. Chuyển nhà liên tục khiến em không có được một đứa bạn thân. Dượng khó gần, mẹ cũng lao đi kiếm tiền từ sáng đến tối. Từ nhỏ, em đã ở nhà với một đống tiền. Vào phòng nào cũng thấy tiền để lung tung. Từ khi vào cấp 3, trong cặp em, không bao giờ có ít hơn 2 triệu đồng.  

Mang tiền đi… mua bạn  

Mỗi ngày, mẹ cho em 500.000 đồng tiền tiêu vặt. Những hôm dượng thắng độ đá banh hay mẹ trúng đề, em đều được cho cả xấp tiền. Có khi, dượng thảy cho em cả chục triệu đồng, nói để dành, muốn sắm sửa gì thì sắm nhưng trong nhà em có thiếu gì đâu. Điện thoại, xe máy… đời mới, em chưa kịp xin, mẹ đã mua về, “tiễn” đồ cũ đi nhanh chóng.  

Đến trường, muốn làm quen với bạn mới, em chỉ có cách là mời các bạn đi ăn uống. Sẵn tiền, các bạn muốn đi đâu, em cũng lo được, miễn sao có bạn đi chơi với mình chứ về nhà thì cũng chỉ có một mình, chán chết. Quán trà, cà phê… đi mãi cũng chán. Bọn con trai rủ tụi em đi. Lần đầu, em chỉ uống một ly bia, đã say mèm, lại còn bị dị ứng, nổi các đốm đỏ khắp người. Các bạn đưa em về nhà, nằm ngủ li bì cả ngày hôm sau mà mẹ và dượng cũng không hay biết. Sau lần đó, em bị các bạn gọi là “yếu ke”.

Bị chạm tự ái, em lại dẫn chúng nó đi… nhậu phục thù. Từ bia sang rượu, chỉ sau vài tháng, em uống chẳng thua kém bọn con trai. Tối nào, chúng em cũng uống. Cả nhóm kéo nhau ra biển, ăn hải sản rồi nốc rượu cho đến giữa đêm mới chịu về. Sáng vào lớp, gục mặt xuống bàn mà ngủ bù. Bài vở, đã có đứa khác mượn “đểu” từ những đứa học giỏi chép lại. Đứa nào không cho, thể nào cũng bị đánh. Thậm chí, có đứa bị đánh một lần, sợ đến mức không dám đến trường, nghỉ học khi ngày thi tốt nghiệp cấp 2 gần kề.  

Vào TPHCM định cư, mẹ gửi em vào trường phổ thông trung học dân lập. Không khó để em kết thân với những người bạn mới. Đó cũng là năm em dậy thì, hơi muộn so với các bạn cùng trang lứa. Mẹ và các dì, chẳng ai quan tâm em đang trưởng thành. Từ ngày sống ở thành phố, mẹ và dượng lục đục với nhau miết. Em đi chơi về, chứng kiến hết cũng chẳng nói lời nào. Em chỉ cảm thấy chán nản.  

Em có quay về được nữa không?  

Hết năm học lớp 10, em không còn muốn đi học nữa. Ăn chơi ở các vũ trường, khách sạn tới gần sáng, vào lớp nhức hết cả đầu nên em bỏ học… Dượng nói phải đi học Anh văn để dượng lo cho ra nước ngoài định cư. Học phí đóng một lúc 6 triệu đồng nhưng em học được hai bữa thì nghỉ. Giáo viên năn nỉ em đến học lúc 10 giờ cũng được, dù 8 giờ các bạn đã vào lớp, không hiểu thì cô kèm thêm buổi tối nhưng em cũng chẳng đến trường nổi.  

Không muốn ai nói em “lúa” nên chúng bạn cặp đôi, em cũng làm theo. Lần đầu quan hệ với bạn trai là lúc em đã nốc cả chai rượu, chẳng còn biết đau đớn cũng như khoái cảm chi hết. Khi cái thai đã 4 tháng, em mới biết mình mang bầu. Lúc đó, không sợ gia đình nhưng đã chia tay với bạn trai nên em cũng chẳng muốn giữ làm gì. Em chỉ nói với đứa bạn và nó dẫn em đi phá. Sau đó, em thấy mình trống rỗng, luôn nghĩ ngợi vẩn vơ. Về nhà, em nằm bẹp và thấy ngực mình… chảy sữa. Lúc này, em mới cảm thấy mình đã làm mẹ. Em ra ngoài mướn nhà, ở riêng vì chẳng muốn thấy mẹ, dượng hay bất kỳ người thân nào.  

Gặp lại đám bạn, em thấy mình già hơn hẳn tụi nó. Em không còn muốn “cắn” thuốc, đi bar hay tụ tập nhưng đêm nào cũng phải uống rượu. Em muốn ngủ vùi để quên đi cảm giác chán nản nhưng cũng chỉ là nhất thời. Lúc nào em cũng cảm thấy ấm ức trong lòng. Lúc này, em muốn đi thật xa, ra nước ngoài hay như những người chị họ của em, lao đầu vào làm việc, kiếm tiền lo cho một ai đó.  

Chưa bao giờ em phải có trách nhiệm với một ai, cũng không có mục đích để biết mình phải làm gì thì làm sao em phấn đấu? Nhiều lúc em thử nghĩ xem mình thích điều gì, nhưng em thực sự không biết mình thích gì nữa. Năm nay em đã 19 tuổi, em muốn đi học lại, nhưng cũng chẳng biết học trường nào…  

Ở quê cũng sa ngã

Tôi rất bất ngờ khi về quê lại bắt gặp những thanh niên nhuộm tóc xanh tóc đỏ, đeo khuyên tai, phì phèo thuốc lá, suốt ngày cờ bạc, rượu chè. Các thanh niên này trở thành gánh nặng cho gia đình. Cách nay không lâu, đứa em họ tôi (năm nay học lớp 10) đua đòi theo lối ăn chơi của một số thanh niên trong làng khiến gia đình tôi điêu đứng. Đêm đêm, chúng tụ tập ở chân cầu chặn đánh những thanh niên làng khác. Sau này, nhà trường có thông báo về nhà thì nó bỏ học luôn. Mặc cho bố mẹ ngăn cấm, nó vẫn trốn nhà đi chơi cùng đám “hảo hán” để rồi sau này đi ăn trộm vặt những nhà xung quanh. Bố mẹ nó chỉ biết than trời…

Anh Tuấn (31 Đặng Huy Trứ- Huế)

Cái gì cũng “hết mình”

Tôi cũng là một sinh viên nên mới hiểu được phần nào lối sống “hết mình” của một số sinh viên hiện nay. Từ chơi bời nhậu nhẹt, cá độ bóng đá đến yêu đương đều “hết mình”. Trong một bữa nhậu, dù không dư dả gì nhưng có khi phải trả đến bạc triệu cũng chỉ bởi lời rủ rê “uống hết mình”. Sinh viên nữ luôn là những người chịu hậu quả nặng nề sau những cuộc “đào thoát” của những ông chồng sinh viên bởi kiểu yêu không có điểm dừng. Có người phải bỏ học để sinh con. Tất cả đều là viễn cảnh đen tối đón đợi những sinh viên quá hời hợt, dễ dãi với chính bản thân mình.

Q.Tuấn (luutuan037@gmail.com)

Cha mẹ phải có trách nhiệm

Giới trẻ sống buông thả, một phần do lỗi của cha mẹ. Tôi không thể hình dung nổi vì sao họ lại cho con cái đi chơi thâu đêm. Đến khi con sa ngã, nghiện ngập cũng không hay biết. Các bậc cha mẹ hãy bớt chút thời gian để quan tâm đến con mình ở độ tuổi trưởng thành. Đừng vì những lý do như mải kiếm tiền, bận công việc… mà để cho con quá tự do, thích làm gì thì làm, không có sự kiểm soát. Đến khi con hư lại đổ lỗi cho nhau thì liệu có ích gì…

Việt Anh (Chung cư đường Tân Vĩnh, _Q.4-TPHCM)

 

 

Theo Hoàng Thị Kiều Mai (Người Lao Động)

 

Bình luận (0)