Khoa học - Công nghệ

Empowering Future Innovators: Trang bị kiến thức thực tiễn cho thế hệ kỹ sư năng lượng tương lai

Tạp Chí Giáo Dục

Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế, điện mặt trời là lĩnh vực phát triển nhanh nhất, chiếm gần một nửa tổng lực lượng lao động toàn ngành năng lượng tái tạo. Năm 2023, có đến 7,1 triệu việc làm trong ngành năng lượng mặt trời trên toàn thế giới, tăng gấp 5,2 lần so với năm 2012. Việt Nam đứng thứ 8 trong các nước có số lượng việc làm liên quan đến năng lượng mặt trời cao nhất trên thế giới với khoảng 105 nghìn việc làm trong năm 2023.

Hội thảo kỹ thuật: Trải nghiệm thực tế công nghệ năng lượng mặt trời vừa qua

Trong khi đó, theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, định hướng 2050 (QHĐ8), đến năm 2050 tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5%.

Để làm được điều đó, đầu tư vào chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực năng lượng tái tạo là bài toán đang được nhiều trường đại học và doanh nghiệp quan tâm.

Năm 2020, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM là đơn vị đầu tiên đưa năng lượng tái tạo trở thành một bộ môn chuyên ngành ở giáo dục bậc đại học. Ngoài các giáo trình, bài giảng luôn được cập nhật theo các công nghệ kỹ thuật mới nhất, nhà trường cũng đã và đang có những nỗ lực trong việc kết nối với các đơn vị doanh nghiệp trong ngành, mang đến những chương trình thực tiễn, bám sát xu hướng của ngành.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Viên, Trưởng bộ môn Năng lượng tái tạo, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho biết: “Là một trong những trường đại học tiên phong tại Việt Nam đào tạo chuyên ngành đầy tiềm năng này, chúng tôi chú trọng vào việc cập nhật các công nghệ kỹ thuật hiện đại, bắt kịp với sự phát triển của thế giới, cũng như đảm bảo đầu ra của sinh viên đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường lao động không chỉ ở Việt Nam mà còn trong khu vực và thế giới”.

Mới đây nhất, SolarEdge Việt Nam và Tona Syntegra Solar cùng SolarHome đã tổ chức chuỗi hội thảo chuyên đề “EMPOWERING FUTURE INNOVATORS” đồng hành cùng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM nhằm mang đến cho sinh viên những góc nhìn thực tiễn về công nghệ kỹ thuật và thị trường nghề nghiệp trong ngành năng lượng mặt trời.

Các công nghệ hiện đại của ngành năng lượng mặt trời được giới thiệu đến sinh viên

Chuỗi hội thảo đã thu hút gần 400 sinh viên của ngành năng lượng tái tạo nói riêng và sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM nói chung. Tại hai buổi hội thảo diễn ra trong tháng 9 và 10, các sinh viên đã có cơ hội được giới thiệu và mở rộng kiến thức, kỹ năng trong lĩnh vực năng lượng mặt trời.

“Mô hình hội thảo EMPOWERING FUTURE INNOVATORS sẽ còn tiếp tục được chúng tôi nhân rộng đến nhiều điểm trường đại học hơn nữa để đưa những công nghệ phát triển năng lượng tái tạo tiên tiến trên thế giới đến gần hơn với thế hệ kỹ sư trẻ đầy tài năng của Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Ánh Phương, Tổng Giám đốc Tona Syntegra Solar chia sẻ.

Đặc biệt, tại buổi tham quan nhà máy SolarEdge vào cuối tháng 11 vừa qua, sinh viên đã có cơ hội trải nghiệm thực tế các công nghệ sản xuất tự động tiên tiến cũng như quy trình kiểm tra tiêu chuẩn của một trong những đơn vị dẫn đầu toàn cầu về công nghệ năng lượng thông minh.

Tham quan nhà máy sản xuất biến tần công nghệ cao SolarEdge Việt Nam

Ông Đào Trọng Hà, Giám đốc Kỹ thuật SolarEdge Việt Nam chia sẻ: “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quan trọng để Việt Nam có thể tiến xa hơn và bắt kịp với thế giới trong cuộc đua năng lượng tái tạo. Trong thời gian tới, SolarEdge Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành với các trường đại học trên cả nước trong công tác đào tạo thực tiễn”.

Chuỗi hội thảo “Empowering Future Innovators” không chỉ là cầu nối mang công nghệ và kiến thức thực tiễn đến với thế hệ trẻ mà còn là nền tảng cho những hợp tác sâu rộng giữa các trường đại học và doanh nghiệp hàng đầu trong ngành.

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)