Ngày 22.7, bà Nguyễn Thị Năng (70 tuổi, ở thôn Hiệp Hòa, xã Phước Thuận, H.Ninh Phước, Ninh Thuận) cho biết bị tổ vay vốn tín dụng “ép” phải vay vốn để trả nguồn vốn học sinh sinh viên (HSSV) mà bà đã vay trước đây.
Bà Năng trình bày gia đình thuộc hộ cận nghèo, năm 2007 được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 24,6 triệu đồng để cho con gái là N.T.H.N theo học tại một trường cao đẳng ở TP.HCM. Sau khi ra trường, N. thất nghiệp nên không có điều kiện trả nợ gốc và lãi.
Ngày 13.6, tổ vay vốn đã vận động vay 35 triệu đồng từ nguồn vốn dành cho hộ cận nghèo để tất toán vốn vay HSSV (cả lãi và gốc gần 35 triệu đồng) đang nợ nhưng bà Năng không đồng ý.
Ngày 15.6, tổ vay vốn cùng một số ban ngành của xã ra chợ Phú Thuận (nơi bà Năng bán rau) tiếp tục “ép” bà phải ký vào giấy tờ nhận tiền vay vốn, khiến gia đình bà bức xúc.
Trả lời Thanh Niên, bà Trịnh Thị Út, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phước Thuận, xác nhận do đến thời hạn bà Năng phải hoàn trả vốn vay HSSV nhưng không trả được nên tổ vay vốn thuyết phục bà làm hồ sơ vay vốn ưu đãi (lãi suất 0,66%/tháng) để trả nợ cũ.
“Lúc đầu bà Năng đồng ý ký vào hồ sơ nhưng đến ngày nhận tiền thì thay đổi ý kiến nên tổ vay vốn đã đề nghị tổ xử lý nợ của xã vận động, chứ không ép”, bà Út nói và cho biết hiện trên địa bàn xã có hơn 160 trường hợp vay vốn HSSV đã quá hạn nhưng tổ vay vốn đã linh động chuyển đổi nguồn vốn vay cho người dân.
Theo một cán bộ Ngân hàng Nhà nước (đề nghị không nêu tên), nếu tất toán theo cách làm như trên thì rất khó cho các hộ nghèo. Theo quy định của nguồn vốn HSSV, phần lãi đang nợ không được cộng vào phần gốc để tính lãi cho tháng tiếp theo. Trường hợp bà Năng còn nợ (tổng tiền lãi hơn 11 triệu đồng và gốc 24,6 triệu đồng), thì phần lãi hằng tháng bà Năng phải trả trên nợ gốc là 24,6 triệu đồng ở mức lãi quá hạn 0,65%/tháng, nhưng khi bà Năng vay mới (35 triệu đồng, lãi suất 0,66%/tháng) để trả nợ cũ thì hằng tháng bà Năng phải trả mức lãi trên số nợ mới là 35 triệu đồng.
Thiện Nhân (TNO)
Bình luận (0)