Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Ép sinh viên chuyển ngành đột ngột

Tạp Chí Giáo Dục

Do không đủ chỉ tiêu, mùa tuyển sinh năm nay, đã có rất nhiều trường đóng cửa ngành và yêu cầu sinh viên chuyển sang ngành học khác. Thậm chí, có trường hợp, khi sinh viên đã học được 1 tháng mới nhận thông báo… yêu cầu chuyển sang ngành khác.

 

Đưa sinh viên vào thế đã rồi 

Chiều ngày 12/10/2011, thí sinh Vũ Thị Hương Giang, trúng tuyển nguyện vọng (NV) 1 vào chuyên ngành Quản trị du lịch (trường ĐH Quốc tế Sài Gòn) nhận được thông báo từ nhà trường rằng, năm học 2011, trường sẽ không mở chuyên ngành Quản trị du lịch do có quá ít sinh viên. Hương Giang cho biết: “Kết thúc đợt xét tuyển NV3, mình mới nhận được thông báo của nhà trường về việc đóng cửa chuyên ngành Quản trị du lịch. Trong kỳ thi tuyển sinh này, mình thi khối D, được 19 điểm và đã trúng tuyển. Nếu trường thông báo sớm hơn, mình đã có cơ hội xét tuyển NV2, NV3 vào các trường đại học, cao đẳng khác”.
Sau khi trúng tuyển, Giang đến trường làm thủ tục nhập học và đóng học phí hết 21 triệu đồng nhưng đã gần 1 tháng trôi qua mà Giang vẫn chưa được… đi học. Giang lên trường, định rút lại hồ sơ nhưng trường không cho. Đến ngày 11/10/2011, trường ĐH Quốc tế Sài Gòn gọi điện cho Giang, thông báo việc bạn phải chuyển sang ngành Thương mại quốc tế hoặc Kinh tế đối ngoại. Do 2 ngành trên không phù hợp với sở thích cá nhân nên Giang đề nghị nhà trường trả lại hồ sơ và giải quyết quyền lợi cho mình. Tuy nhiên, trường ĐH Quốc tế Sài Gòn lại yêu cầu Giang… tự viết đơn, tìm trường có ngành Quản trị du lịch để theo học rồi đem đơn lên Cơ quan Đại diện Bộ GD – ĐT phía Nam để giải quyết.
Sáng 13/10/2011, Vũ Thị Hương Giang và phụ huynh đã có buổi làm việc với Ban Giám hiệu trường ĐH Quốc tế Sài Gòn để giải quyết sự việc. Tại buổi làm việc, nhà trường đã đưa ra 2 cách giải quyết thiếu trách nhiệm: Nếu rút lại học phí, nhà trường sẽ giải quyết. Nếu có trường đại học khác tiếp nhận Vũ Thị Hương Giang vào học, ĐH Quốc tế Sài Gòn sẽ có công văn xin ý kiến của Bộ GD – ĐT về vấn đề này.
Học được 1 tháng mới biết bị chuyển ngành
Trong một vụ việc khác mới đây, gần 20 sinh viên theo học ngành Quản trị nhà hàng (chương trình liên kết giữa trường CĐ Nghề số 8, có trụ sở tại đường Bùi Văn Hòa, P. Long Bình Tân, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai và công ty Vĩnh Trị, tại địa chỉ số 818/40 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P. 25, Q. Bình Thạnh, TP. HCM), sau một tháng học tập bỗng nhiên nhận được thông báo… chuyển sang ngành Kế toán hoặc Quản trị kinh doanh. 
Tiếp xúc với PV, một sinh viên quê ở Bến Tre bức xúc: “Nếu tuyển không đủ người học, nhà trường phải thông báo ngay từ đầu để sinh viên biết mà đi tìm trường khác học. Đằng này, tụi mình đã đóng học phí và học được 1 tháng thì mới thông báo. Làm như vậy, chẳng khác nào nhà trường ép sinh viên phải theo học một ngành khác ở trong trường”. Khi sinh viên phản ứng, công ty Vĩnh Trị đành cho sinh viên rút lại học phí. Tuy nhiên, phải đợi đến hết ngày 10/10/2011, công ty Vĩnh Trị mới ra thông báo cho sinh viên rút lại học phí.
Ngoài những trường hợp trên, trong mùa tuyển sinh năm nay, trường ĐH Văn Hiến thông báo không mở lớp với 2 ngành Xã hội học, Văn học và yêu cầu 20 thí sinh trúng tuyển 2 ngành này chuyển sang ngành học khác cùng khối thi. Trong đó, có tới 10 thí sinh trúng tuyển NV1 và đến làm thủ tục nhập học, đóng học phí nhưng chờ kết thúc NV3, trường mới thông báo chuyển ngành học.
Quang Duy
[ Phản hồi ]
“BÁO CHÍ  KHÔNG CÓ QUYỀN CAN THIỆP!”
Sáng ngày 13/10/2011, phóng viên đã có mặt tại trường ĐH Quốc tế Sài Gòn để tìm hiểu vấn đề của thí sinh Vũ Thị Hương Giang. Tiếp tân trường ĐH Quốc tế Sài Gòn mời phóng viên vào phòng họp và lấy giấy giới thiệu đi vào bên trong. Mười lăm phút sau, nhân viên tiếp tân ra gặp phóng viên cho biết: “Ban Giám hiệu nhà trường đang bận nên không thể tiếp khách. Anh về gửi câu hỏi vào email của nhà trường, Ban Giám hiệu sẽ sắp xếp và trả lời cho anh”. Sau đó, chúng tôi đã nhiều lần gọi điện, nhắn tin vào số điện thoại di động của TS Trần Viết Tâm, Hiệu trưởng trường ĐH Quốc tế Sài Gòn nhưng ông không trả lời. Khi phóng viên liên lạc với ThS Văn Thị Hiền Hà, Giám đốc chương trình Việt Nam của trường ĐH Quốc tế Sài Gòn thì nhận được câu trả lời: “Tôi đang công tác. Công việc của tôi rất bận, khi nào tôi rảnh, sẽ trả lời anh”, rồi cúp máy. Liên lạc với lãnh đạo nhà trường không được, phóng viên ra gặp nhân viên tiếp tân lấy lại giấy giới thiệu để đi về thì bà Trần Thị Lan Chi, Trợ lý Hiệu trưởng trường ĐH Quốc tế Sài Gòn mới ra gặp và mời phóng viên vào phòng họp. Bà Trần Thị Lan Chi cho rằng: “Ngành Quản trị du lịch chỉ có 1 thí sinh trúng tuyển nên nhà trường không thể mở lớp đào tạo. Đây là trường hợp bất khả kháng”. Trước câu hỏi, nhà trường sẽ giải quyết quyền lợi cho sinh viên như thế nào, bà Lan khẳng định: “Đây là việc riêng của nhà trường và thí sinh, báo chí không có quyền can thiệp!”. Chiều ngày 13/10/2011, trao đổi với phóng viên, Vũ Thị Hương Giang cho biết đã chọn phương án rút lại học phí.
Cách đây không lâu, trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) đã thông báo đóng cửa 2 ngành: Kinh tế chính trị và Thống kê tin học ngay sau khi xét tuyển NV1 vì chỉ có 4 thí sinh trúng tuyển. Tương tự, trường ĐH Phạm Văn Đồng cũng đóng cửa ngành Tài chính – Ngân hàng, sau khi công bố điểm chuẩn NV1 vì chỉ có 1 thí sinh trúng tuyển. Nếu trường ĐH Quốc tế Sài Gòn cũng làm tương tự thì Vũ Thị Hương Giang đâu phải chịu thiệt thòi như bây giờ và cách giải quyết của ĐH Quốc tế Sài Gòn như đã nêu có thật sự bất khả kháng?
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, PGS. TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Nông Lâm TP. HCM cho rằng: “Nhà trường phải giải quyết trên tinh thần bảo đảm quyền lợi cho sinh viên chứ không thể để sinh viên tự đi tìm trường để chuyển”. Ông Hùng đưa ra ví dụ, 2 năm trước, sau khi kết thúc NV3, ngành tiếng Pháp của trường ĐH Nông Lâm chỉ có vài thí sinh trúng tuyển. Trường không thể mở lớp nên thông báo thí sinh được lựa chọn chuyển ngành hoặc bảo lưu kết quả sang năm sau. Có 1 thí sinh không chịu cả 2 phương án trên, nhà trường phải làm việc với trường ĐH Sư phạm TP. HCM. Sau khi trường ĐH Sư phạm TP. HCM đồng ý, trường ĐH Nông Lâm TP. HCM mới hỏi ý kiến thí sinh này rồi sau đó làm thủ tục chuyển trường. Phó Hiệu trưởng trường ĐH Nông Lâm TP. HCM cho rằng, cách chuyển trường cho thí sinh sẽ gây thêm khó khăn cho nhà trường trong mùa tuyển sinh nhưng không vì thế mà bỏ thí sinh bơ vơ.
Trao đổi với PV vào sáng ngày 19/10/2011, ông Trần Anh Thu, Hiệu trưởng trường CĐ Nghề số 8 cho biết: “Đúng là ở quận Bình Thạnh, TP. HCM chúng tôi có liên kết đào tạo với công ty Vĩnh Trị. Tuy nhiên, chúng tôi chưa nhận được phản ánh của sinh viên về việc chuyển ngành sau 1 tháng nhập học. Chúng tôi sẽ kiểm tra lại rồi sẽ trả lời PV”.
Liên quan đến vụ việc tại ĐH Văn Hiến, ông Nguyễn Quốc Hợp, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Văn Hiến cho rằng, đó là trường hợp bất khả kháng. Các ngành xã hội rất khó tuyển sinh nên trường mới chuyển sinh viên sang ngành khác.
Theo SVVN

Bình luận (0)