Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

“Ép” trẻ mầm non học chữ

Tạp Chí Giáo Dục

Đã có không ít ý kiến lo ngại về chất lượng dạy học cũng như việc trẻ làm quen với mặt chữ quá sớm sẽ có nhiều tác hại xấu về sau. Song, thực tế cho thấy càng cấm thì… phụ huynh càng đổ xô tìm thầy dạy chữ cho con.

Học phí “giá rẻ”

Tại một lớp luyện chữ trên đường Tân Thới Hiệp 22, phường Tân Thới Hiệp, quận 12, có nhiều phụ huynh là công nhân Khu Công nghiệp Tân Thới Hiệp (quận 12) đưa con đến học. Để nguyên lớp áo còn vương mùi hóa chất, chị Huỳnh Thu Thảo, công nhân Công ty Orana Việt Nam, cho biết chỉ vừa đưa con đến đây học được vài buổi, qua giới thiệu của một chị làm chung công ty. “Năm nay cháu chuẩn bị vào lớp 1, sợ con không theo nổi chương trình nên hai vợ chồng quyết định cho con đi học chữ. Sau khi tham khảo qua vài gợi ý của bạn bè, đây là nơi có học phí mềm nhất”, chị Thảo cho hay. Chị cho biết, học phí một tháng chỉ hơn 100.000 đồng, tuần học 3 buổi, tính ra mỗi buổi chưa đến 10.000 đồng.

Một trường hợp khác, anh N.Q., công nhân Công ty cổ phần Bao bì dầu thực vật (quận 12), lại chọn hình thức cho con học chữ tại nhóm trẻ gia đình gần nhà do một giáo viên tiểu học về hưu đảm nhận. Khi được hỏi về chất lượng dạy học, anh lắc đầu cho biết: “Thấy chỗ nào học phí rẻ, tiện việc đưa đón thì hai vợ chồng cho con đi học. Tôi là công nhân, chữ nghĩa có hạn, chỉ biết đặt hết niềm tin vào cô giáo”.

Mùa hè là thời gian học sinh cần được vui chơi giải trí.

Không riêng gì anh Q., chị Thảo, nhiều phụ huynh có con đang học tại các lớp luyện chữ ở đây cho biết, do hoàn cảnh kinh tế gia đình, con chưa từng học qua trường lớp mẫu giáo nên các lớp học chữ giá rẻ là lựa chọn hàng đầu của đa số phụ huynh. Có nơi sĩ số lớp học lên đến 45 – 50 em/lớp. Giáo viên không thu tiền học theo tháng mà theo tuần, phù hợp điều kiện thu nhập của những gia đình công nhân, lao động phổ thông.

Theo lãnh đạo một phòng giáo dục, nếu như ở các quận nội thành, các lớp luyện chữ học sinh đông hay ít phụ thuộc vào danh tiếng và tên trường giáo viên đang công tác thì ở một số quận huyện ngoại thành như Gò Vấp, Tân Phú, quận 12, Hóc Môn, học phí mới là yếu tố quyết định. Lớp học thường được cơi nới từ khoảng sân trống trước nhà giáo viên, bàn, ghế chắp vá từ nhiều nguồn huy động khác nhau. “được cái giáo viên nhiệt tình, học sinh ham học. Hầu hết các em ở đây đều là lần đầu làm quen với mặt chữ nên dạy học khá vất vả. Song, thầy trò quý nhau ở chỗ chân thành, nhiều trường hợp giáo viên cho nợ học phí hoặc chỉ lấy học phí tượng trưng…”, cô T., giáo viên tiểu học đã về hưu, hiện đang mở lớp dạy thêm ở huyện Hóc Môn cho biết.

Cần giảm áp lực cho phụ huynh

Mặc dù hàng năm, Bộ GD-ĐT đều có văn bản yêu cầu các trường không tổ chức dạy thêm cho trẻ trước khi vào lớp 1. Song, thực tế cho thấy nhiều nơi phụ huynh chủ động đứng ra mở lớp, mời các giáo viên tiểu học đã về hưu hoặc đang công tác tại các trường tiểu học về dạy chữ cho học sinh.

Ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết: “Chương trình tiểu học bắt đầu từ việc cho học sinh làm quen với các đường nét cơ bản bao gồm nét ngang, nét cong, nét hất, nét sổ. Sau đó mới đến giai đoạn kết hợp các nét này lại thành con chữ, kết hợp các chữ tạo thành âm tiết. Yêu cầu đặt ra là hết lớp 1, học sinh mới đọc thông viết thạo. Do đó, phụ huynh cho con học chữ trước khi vào lớp 1 là không cần thiết, dễ tạo ra tâm lý chán nản cho các em khi phải nhai lại kiến thức trong chương trình chính khóa”. Hơn nữa, từ năm học 2012 – 2013, TPHCM đã áp dụng việc không chấm điểm học sinh trong khoảng 2 – 4 tuần lễ đầu tiên của năm lớp 1 nhằm hạn chế tối đa việc phân biệt đối xử, giảm áp lực lo lắng cho phụ huynh. Nhưng tất cả những nỗ lực trên đều chưa thể giải quyết căn cơ vấn đề học chữ trước khi vào lớp 1.

Theo GS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, trẻ học chữ trước khi vào lớp 1 là do chương trình hiện nay quá nặng nề khiến phụ huynh lo lắng con không theo kịp chương trình. Bên cạnh đó, thu nhập giáo viên không đủ sống cũng là một trong những lý do khiến dạy thêm, học thêm ngày càng phát triển. Trong khi “cung” đang nở rộ thì việc phụ huynh lựa chọn theo tâm lý số đông cũng là điều dễ hiểu. Do đó, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, để chấm dứt tình trạng dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1 không thể chỉ dựa vào các văn bản hô hào mà cần một sự cải cách toàn diện từ chương trình, chính sách lương bổng cho giáo viên và việc tổ chức kiểm tra, đánh giá ở nhà trường. Đây là vấn đề khó có thể khiến ngành giáo dục hao tổn thêm nhiều giấy mực, điều tra, góp ý, song không phải là không thể làm được!

THU TÂM (SGGP)

Bình luận (0)

Sự kiện giáo dụcTin tức

Ép trẻ mầm non học chữ

Tạp Chí Giáo Dục

Các bé lớp Lá 3 Trường MN Măng Non I (Q.10) đang tập tô chữ

Những phụ huynh có con đang học lớp lá tại các trường mầm non đã rỉ tai nhau việc cho trẻ đi học chữ vì họ lo sợ, nếu con mình “mù chữ” thì các trường tiểu học sẽ không nhận.
Hiệu trưởng một trường mầm non (MN) ở Q.3 cho biết, năm nào khối lớp lá của trường cũng bị giảm 1 lớp so với lớp chồi trước đó. Nguyên nhân là do phụ huynh chuyển con sang học tại trường tư thục để được học chữ.
“Cầm đèn chạy trước ô tô”…
Chị Minh Nguyệt (chung cư Phú Mỹ, Q.7) có con đang học lớp Lá Trường MN Nam Sài Gòn cho biết: “Nhiều trẻ chưa đi học lớp 1 mà đọc viết ro ro. Con mình không đi học, khi vào lớp 1 chỉ có nước ngồi cắn bút. Bây giờ ai cũng cho con đi học chữ trước, mình không thể làm trái được”. Chính vì vậy mà chị đã thuê hẳn một giáo viên tiểu học về làm gia sư cho con vào sáng thứ bảy và chủ nhật hàng tuần.
Cũng từ đó, thay vì thứ bảy và chủ nhật được “ngủ nướng” thì 6h30 bé Nguyệt Anh đã phải dậy để làm vệ sinh rồi ăn sáng. Sau đó ngồi vào bàn học từ 8h đến 9h30 mới được đứng dậy. Ở cái tuổi của bé, ngồi một chỗ khoảng 10 phút để học đã là một cực hình. Vậy mà vì “tương lai con em chúng ta”, ba mẹ đã bắt bé phải ngồi học tới gần 2 tiếng đồng hồ…
Một trường hợp khác là bé Gia Bảo, con chị Gia Linh (P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1). Chiều nào cũng vậy, khoảng 4h30 bé được bà nội dẫn từ Trường MN 20-10 (Q.1) tới nhà cô giáo Mai trên đường Cống Quỳnh để học chữ. Lớp học chữ của Gia Bảo cũng đông bạn như lớp lá của trường MN vậy. “Đồng môn” của Gia Bảo đều là những học sinh lớp lá đến từ các trường MN trên địa bàn Q.1 như: Bến Thành, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Cư Trinh…
Tìm hiểu các bé lớp Lá ở Trường MN Măng Non I (Q.10), chúng tôi nhận thấy khá nhiều bé được cha mẹ cho đi học chữ. Bằng chứng là các bé viết chữ tương đối đẹp, nhiều bé biết mặt hết các chữ cái, có bé còn biết đánh vần. Cô Trần Thị Bích Liên, Phó hiệu trưởng nhà trường thừa nhận: “Nhà trường đã tuyên truyền với phụ huynh là không nên cho bé đi học chữ trước, hãy để bé được phát triển tự nhiên. Nhưng phụ huynh lại rất nóng ruột, họ lo lắng con mình không đi học chữ trước thì không biết, vào lớp 1 sẽ thua kém bạn bè”…
… “Lợi bất cập hại”

Ở trường mầm non, các bé đã được học “làm quen với chữ” phù hợp với lứa tuổi

Cũng với tâm lý, con mình mà không được học chữ trước thì khi vào lớp 1 sẽ không biết gì và sẽ bị cô giáo ghét, vì vậy cách đây hai năm, khi bé Ngọc Mai bắt đầu vào lớp Lá Trường MN phường Phú Thuận (Q.7) là chị Ngọc Hà cho con đi học chữ. Những ngày đầu mới vào lớp 1 Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Q.7), bé Ngọc Mai luôn tỏ ra giỏi hơn các bạn. Cũng dễ hiểu thôi, vì cả một năm học lớp lá và 3 tháng hè trước khi vào lớp 1 bé đã học hết sách toán và tiếng Việt lớp 1. Nhưng càng về sau thì sức học của bé càng kém. Tệ hơn là đến bây giờ khi sắp hết học kỳ I của lớp 2 mà bé vẫn không đọc được nhiều âm ghép như nghêu, nghiêng… Không chỉ có vậy, bé Ngọc Mai còn không phân biệt được âm n và âm l. Chị Ngọc Hà tâm tư: “Gia đình hai bên nội ngoại không có ai nói ngọng, không ai phát âm sai chữ nl vậy mà bé lại bị. Chúng tôi đã sửa nhiều nhưng bé vẫn phát âm và viết sai. Cô giáo chủ nhiệm thường xuyên phàn nàn với gia đình về vấn đề này. Có lẽ đây là hậu quả của việc đi học chữ trước, vì cô giáo dạy chữ trước cho bé bị nói ngọng”.
Nhiều giáo viên dạy lớp 1 cho biết, dạy những học sinh học chữ trước khó hơn là dạy các em chưa đi học. Nhiều em đi học chữ trước có nhiều tật rất khó chỉnh sửa, cụ thể như ngồi sai tư thế, cầm bút sai, để tập sai, phát âm không chuẩn, đánh vần sai…
ThS. Lê Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) cho rằng: “Chương trình lớp 1 bây giờ rất nhẹ nhàng, đặc biệt là cách chấm điểm. Ngày xưa, học sinh được điểm 10 rất khó nhưng hiện nay thì quá dễ. Có những hôm, trẻ có thể được tới 3-4 điểm 10. Vậy tại sao phụ huynh lại lo sợ con mình sẽ bị điểm 2 để rồi bắt những đứa trẻ đang ở độ tuổi ham chơi lại phải cặm cụi ngồi học?”.
Cô Đặng Thị Ánh Mai, Hiệu trưởng Trường MN Măng Non I (Q.10) cũng cho biết: “Ở trường MN, các bé lớp lá đã được giáo viên dạy cách cầm bút, để tập, cách ngồi vào bàn học. Các bé được làm quen với chữ viết, con số… Nói tóm lại, nhà trường đã trang bị cho bé những kỹ năng cần thiết để vào lớp 1 một cách dễ dàng”. Theo đó, các bé lớp lá được làm quen với môi trường học tập ở tiểu học bằng bốn cuốn tập. Cuốn Bé vui tạo hình giúp bé làm quen với màu sắc, sự khéo léo của đôi tay. Còn cuốn Quan sát và hoạt động thì giúp trẻ biết so sánh lớn nhỏ, các loại hình, qua đó bé làm quen với môn toán của lớp 1. Hai cuốn còn lại là Tập tôCùng khám phá chữ viết giúp trẻ 5 tuổi làm quen với chữ viết, các nét cong, nét thẳng.
“Với trẻ ở lứa tuổi MN, học cũng giống như chơi nên giáo viên không dạy trẻ phải viết thế này, thế kia như ở tiểu học. Trong chương trình MN, giáo viên tổ chức các hoạt động như: Giải mã kí hiệu, cô giáo viết chữ b tương ứng với số 4, chữ a tương ứng với số 1. Sau đó viết chữ b1, các bé sẽ điền chữ a thay vào vị trí của số 1 sau chữ b để được chữ ba. Hay như hoạt động sao chép theo mẫu, cô giáo viết chữ tạp dề, bếp ga, các bé sẽ chép lại và dán lên tường”, cô Bích Liên cho biết thêm.
Từ thực tế trên cho thấy, phụ huynh đã quá lo xa khi đua nhau cho con học chữ trước. Điều đó không những lãng phí tiền bạc và thời gian của phụ huynh mà còn vô tình làm hại đứa trẻ…
Bài, ảnh: Hòa Triều