Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Ethiopia: Vất vả để con cái được đến trường

Tạp Chí Giáo Dục

Trẻ em Ethiopia đang học bài (ảnh minh họa). Ảnh: I.T
Hussein Kedir và vợ đã làm việc thật sự chăm chỉ để đảm bảo cơ hội đến trường cho những đứa con và họ đã nói rằng: “Một người nếu không được giáo dục có thể xem như là một người mù”.
Hai vợ chồng Hussein Kedirngồi trên băng ghế gỗ dài trong một khu vườn nhếch nhác bên ngoài ngôi nhà của họ ở Jello Dida, một cộng đồng dân cư ở khu vực Shashamene của Ethiopia. Bên cạnh là một bé trong số chín đứa con của họ.
Demitu Gurmessa – người vợ, đưa ra đôi tay có thể thấy được những vết chai sần do làm những công việc nặng nhọc để chạy từng bữa ăn hàng ngày, lo lắng nhà cửa và quần áo cho các con. Cũng như vợ mình, đôi bàn tay của Hussein cũng thô ráp bởi những công việc nặng nhọc nơi đồng áng. Đối với người dân nghèo tại đất nước Ethiopia, cuộc sống là như thế đấy! Họ gắn liền với lao động tay chân hao tốn rất nhiều sức lực, cày bừa và gieo trồng trên những cánh đồng, gánh nước hoặc chẻ củi, chăn dê, cừu và các loại gia súc khác. Demitu và Hussein đang mang trên vai tất cả công việc mà có lẽ những bậc cha mẹ khác ở vùng nông thôn Ethiopia có thể bảo con cái mình làm. Tuy nhiên họ không làm vậy. Lý do được đưa ra là: Họ cố gắng làm việc với một mục tiêu duy nhất là cho con mình được đến trường và cũng để chắc rằng con mình có thời gian học tập tốt. Hai đứa con của họ đã học xong lớp 10 và tham dự vào kỳ thi quốc gia, còn hai cháu khác hiện tại đang học lớp 10 và cháu còn lại học lớp 4. “Lý do chúng tôi phải sống trong sự nghèo nàn, túng thiếu là do không được đến trường”, bà Demitu nói.
Bà Demitu đã kết hôn khi còn học lớp 3 ở tuổi 11 và nghỉ học khi đang học lớp 5. Sau đó bà sinh con lúc 14 tuổi. Demitu gieo trồng hạt lúa mì và ngô trên đồng, mang thức ăn về cho những chú bò sữa quý giá và chú bò giống đang vỗ béo để chuẩn bị mang ra chợ bán. Đây là một trong số 6 – 7 chú bò giống mà gia đình họ đã mua và bán để tìm kiếm chút lợi nhuận trong vòng vài năm nay. Họ được hỗ trợ vốn bởi tổ chức phi chính phủ Oxfam và Trung tâm Bước khởi đầu phát triển khi khu vực này phải đối mặt với một tỉ lệ khá cao về tình trạng suy dinh dưỡng cách đây vài năm.
Hussein, một người đàn ông gầy gò ngồi im lặng bên cạnh vợ mình khi đề cập về chương trình này. Mục tiêu sắp tới của gia đình là tạo ra được một nhà kho nho nhỏ để dự trữ các loại ngũ cốc có thể cung cấp thực phẩm cho gia đình trong những thời điểm khó khăn và bán được giá cao hơn sau khi thu hoạch. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là có thể đảm bảo nguồn thu nhập chi trả học phí cho các con. Ông nói: “Một người nếu không được giáo dục có thể xem là một người mù. Một người được đến trường có thể làm nên một sự thay đổi. Họ có thể tự giúp bản thân mình và đóng góp cho đất nước cũng như phục vụ cộng đồng”.
Ông cũng chia sẻ rằng mình có hai vợ và người vợ thứ hai ở trong ngôi nhà bên kia khu vườn. Họ có với nhau 4 người con và Hussein trở thành cha của 13 đứa trẻ đang gánh trên vai một trách nhiệm nặng nề.
Tại một khu vực mà chế độ đa thê được chấp nhận thì những suy nghĩ của ông Hussein thật ấn tượng. Ông chia sẻ: “Thật khó khăn để đáp ứng cho tất cả mọi thành viên trong gia đình. Nhưng tôi đang cố gắng hết sức mình để mang đến cho họ những điều tốt nhất – thức ăn, quần áo và cả giáo dục, đó là lý do tôi làm việc vất vả cả ngày và đêm”.
Xuân Chi
 (theo oxfam.org.uk)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)