Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Êtiopi đào tạo 5.000 tiến sĩ trong 10 năm

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Những tiến sĩ tương lai của Êtiopi. Ảnh: T.LMột cuộc đột phá trong sự nghiệp giáo dục, một kế hoạch táo bạo, một quyết tâm cao của các nhà lãnh đạo nhà nước. Ta hãy tìm hiểu xem kế hoạch đó đã được thực hiện như thế nào…

Một đất nước chỉ đào tạo được dưới 100 tiến sĩ trong vòng 50 năm, mà lại đặt kế hoạch đào tạo 5. 000 tiến sĩ vòng 10 năm sắp đến? Liệu ý tưởng đó có là “ảo tưởng”, khi một nửa dân số chỉ sống với 1 đôla một ngày?

Gần đây thôi, bậc học cao học chỉ dành cho những con em gia đình khá giả.  Họ đi học ở châu Âu, Mỹ, Nga… Mỗi năm có dăm chục du học sinh, may lắm có dăm tiến sĩ.  Ông Abye Tasse, Phó giám đốc “Chiến lược và công tác quốc tế” của Đại học Ađis-Abeba (AAU) nói: “Với nhịp điệu như hiện nay phải mất 400 năm nữa mới thỏa mãn nhu cầu về số người có bằng tiến sĩ đệ tam cấp”.

Ông Tasse đã vạch kế hoạch đào tạo 5.000 tiến sĩ trong 10 năm sắp tới. Êtiopi cần tiến sĩ đệ tam cấp vì hai lý do: Trước hết để thu hút người vào học đại học. Trong 12 năm qua, cả nước chỉ có 3.000 sinh viên. Năm qua, riêng AAU đã thu hút 15.000, và 13 đại học nữa đang xây dựng. Sự phát triển cấp tập đó biểu hiện ở chỗ thiếu người giảng dạy đạt tiêu chuẩn. Trong nhiều vùng, người học phải học qua truyền hình hoặc video. Sau nữa Êtiopi cần những nhà nghiên cứu để đảm bảo sự phát triển xã hội – kinh tế. Chương trình mới cho bậc học tiến sĩ được xây dựng để đáp ứng nhu cầu của đất nước trong những lĩnh vực như an ninh xã hội, sản xuất lương thực, sự đa dạng sinh học và sự phát triển đô thị.

Cú đột phá bắt đầu từ khoa Xã hội học do chính ông Tasse làm khoa trưởng. Khi ông đến khoa này vào năm 2004, thì khoa đã đóng cửa từ 30 năm. Ông đã cho mở cửa lại để đón một khóa sinh viên mới vào học. Năm nay đã có 80 sinh viên đăng ký học và 15 người đang làm luận án. 

Bà Serkalem Bekele là một sinh viên đang làm luận án tiến sĩ. Người phụ nữ này có một nghị lực phi thường, đã từ bỏ 10 năm theo đuổi một hàm đại học về thú y, để chuyển sang nghiên cứu Xã hội học. Bà đã hoàn thành bằng cử nhân và thạc sĩ, đã đi được nửa đường – mất 3 năm – để hoàn thành luận án tiến sĩ. Là bà mẹ của 3 con, bà là một tấm gương về ý chí vượt khó học tập. Vừa nghiên cứu vừa tham gia giảng dạy, với đồng lương khiêm tốn (220 Euro/tháng), bà khuyến khích sinh viên làm luận án. Bà phân tích cho họ thấy: khi có bằng tiến sĩ, bạn có thể trở thành nhà nghiên cứu hiện rất cần cho công cuộc phát triển đất nước, bạn có thể làm việc ở các cơ sở kinh tế hay dịch vụ, hoặc đi dạy, nghĩa là rất rộng đường đi.

Kế hoạch chiến lược của nhà nước đòi hỏi một nguồn tài chính rất lớn, chính phủ chỉ có thể đáp ứng một phần nào, còn lại phải kêu gọi sự tài trợ và hợp tác quốc tế. Vấn đề “chìa khóa” là người dạy, người giúp đỡ sinh viên làm luận án. Êtiopi không có đủ giáo sư tầm cỡ, phải mời giáo sư các nước. Chi phí mời thầy rất cao, nhưng còn rẻ hơn là gửi sinh viên đi đào tạo giáo sư. Giáo sư nước ngoài được mời giảng từng giáo trình trong vài tháng, để tiết kiệm thời gian và tiền bạc. Nhiều giáo sư có tầm cỡ quốc tế cũng đã đến Êtiopi giảng dạy trên tinh thần hợp tác hào hiệp.

Quyết tâm cao, kế hoạch khoa học, cơ sở vật chất tạm ổn, dầu sao cũng chỉ là “ngoại lực”. Cái cơ bản nhất, quyết định nhất vẫn là chủ thể, tức là người học, cụ thể là động cơ, ý chí, thái độ, phương pháp học. Về điểm này sinh viên Êtiopi còn phải rèn luyện phấn đấu nhiều lắm. Thói quen lười suy nghĩ, ỷ lại, biểu hiện ở chỗ học đại học theo phong cách phổ thông, nghĩa là “học để trả bài”, “học để lấy điểm”, vẫn còn nặng nề. Giáo sư Luật học Aron Mujumdar nói: Tôi đã thấy hai bài làm giống từng chữ trong giáo trình. Hai sinh viên làm bài đó nói rằng họ không chép bài của nhau, mà họ đã học thuộc lòng. Không tin, tôi cho họ học một bài trong ba ngày, và sau đó cho ngồi riêng làm bài. Họ làm bài giống nhau, và giống hệt như giáo trình! Chỉ cần như thế là họ thỏa mãn!

Kế hoạch “5.000 tiến sĩ trong 10 năm” có thực hiện được không? Thời gian sẽ trả lời, nhưng dù sao quyết tâm cao của nhà nước chắc chắn sẽ cải thiện đáng kể nền giáo dục Êtiopi.n

PHAN THANH QUANG

(Trong Courrier international số 919)  

Bình luận (0)