Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

EU đăng bạ bảo hộ PDO cho nước mắm “Phú Quốc”

Tạp Chí Giáo Dục

Tổng vụ Nông nghiệp, Ủy ban châu Âu (EU) vừa trao chứng nhận tên gọi xuất xứ (PDO) “Phú Quốc” cho sản phẩm nước mắm Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) của Việt Nam.

Theo các chuyên gia phân tích, việc đăng bạ bảo hộ PDO thành công sản phẩm này tại 28 nước thành viên EU là điều kiện tốt để đưa sản phẩm nước mắm Phú Quốc vào thị trường đầy tiềm năng này.

Trước cơ hội mới mở ra này, nhiều cơ sở và nhà thùng sản xuất nước mắm của Phú Quốc vừa mừng, vừa lo.

Sản phẩm nước mắm Phú Quốc. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Bà Nguyễn Thị Tịnh, Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc, cho biết đây là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được đăng bạ bảo hộ PDO thành công tại tất cả 28 nước thành viên EU.

Theo bà Tịnh, việc nước mắm Phú Quốc trở thành “đại sứ” sản phẩm hàng hóa nông sản Việt Nam ở thị trường "khó tính" này đã khẳng định vị thế của sản phẩm độc quyền, nổi tiếng của đất đảo ngọc Phú Quốc với thế giới. Đây còn là điều kiện thuận lợi để Kiên Giang lấy lại thương hiệu nước mắm Phú Quốc truyền thống từ lâu đã bị chiếm dụng, làm giả.

Tuy nhiên, bà Tịnh nhấn mạnh nỗi lo lớn nhất đối với các cơ sở sản xuất hiện nay là thiếu nguyên liệu cá cơm để sản xuất nước mắm.

Gần hai năm qua, nguồn nguyên liệu này có nguy cơ cạn kiệt do việc khai thác quá mức trong khi công tác bảo vệ thực hiện chưa tốt.

Thương lái ở các nơi khác đổ xô về Phú Quốc tranh mua với giá cao khiến cho một số cơ sở sản xuất nước mắm ở đây không mua được nguyên liệu, dẫn đến hoạt động cầm chừng, tăng giá thành sản xuất.

Bên cạnh đó, theo bà Tịnh, các nhà thùng lo ngại chất lượng nước mắm bị giảm do không mua được nguyên liệu cá cơm tốt nhất để sản xuất và sản phẩm nước mắm Phú Quốc trên thị trường bị làm giả.

Trong bối cảnh đó, bà Tịnh kiến nghị Nhà nước cần có các giải pháp hữu hiệu bảo vệ nguồn nguyên liệu cá cơm, chống hàng nhái, hàng giả nước mắm Phú Quốc; cần thông tin trên nhãn hàng đầy đủ về thành phần, chất lượng sản phẩm, cơ sở sản xuất, thời hạn sử dụng; xử phạt nghiêm những đối tượng làm giả nước mắm Phú Quốc…

Về phần mình, ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện đảo Phú Quốc, nhấn mạnh để giữ vững thương hiệu “Nước mắm Phú Quốc” và phát triển bền vững tại EU cũng như các thị trường khác trên thế giới, điều kiện tiên quyết là phải giữ được uy tín, đảm bảo chất lượng nước mắm Phú Quốc truyền thống, nhất là an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời không ngừng cải tiến mẫu mã, bao bì…

Theo ông Thành, huyện đã chủ động tập trung thực hiện một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở sản xuất nước mắm. Các biện pháp này bao gồm tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên vùng biển Hà Tiên, Phú Quốc, Kiên Hải để hạn chế hoặc ngăn chặn việc thu mua cá cơm trái phép, trốn thuế; kiến nghị, đề xuất chính sách và tạo thuận lợi cho các cơ sở sản xuất nước mắm được vay vốn ưu đãi để tái sản xuất; khuyến khích Hội Sản xuất nước mắm Phú Quốc và doanh nghiệp sản xuất nước mắm liên kết, hỗ trợ nhau, bước đầu sẽ chọn một số doanh nghiệp tiêu biểu đã có kinh nghiệm xuất khẩu nước mắm nghiên cứu để đưa sản phẩm nước mắm Phú Quốc sang thị trường châu Âu.

Hiện nay, Phú Quốc có 80 nhà thùng nước mắm, năng lực sản xuất từ 20 triệu lít/năm trở lên. Sản phẩm nước mắm Phú Quốc nổi tiếng thơm ngon, chất lượng cao do được làm từ nguyên liệu cá cơm than lưng đen, một loài cá chỉ có ở vùng biển Phú Quốc.

Từ xưa đến nay, các nhà thùng sử dụng duy nhất muối sản xuất ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và thùng gỗ cây bời lời ủ chượp cá trong thời gian 10-12 tháng để cho ra sản phẩm nước mắm chất lượng từ 30-45 độ đạm.

Các nhà thùng Phú Quốc đặt quy trình sản xuất truyền thống lên hàng đầu, không sử dụng bất kỳ một loại phụ gia nào tác động vào quá trình sản xuất nước mắm./.

Lê Huy Hải (TTXVN)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)