Hội nhậpThế giới 24h

EU đặt mục tiêu mở rộng, sắp thảo luận về việc kết nạp Ukraina

Tạp Chí Giáo Dục

Chủ tịch Hội đồng châu Âu tuyên bố EU nên đặt mục tiêu mở rộng vào năm 2030, kết nạp Ukraina và một số nước khác.
Một phiên họp của Nghị viện châu Âu ở Brussels, Bỉ.
RT đưa tin, ngày 28.8, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tuyên bố, Liên minh châu Âu dự định bắt đầu thảo luận về việc kết nạp Ukraina và một số quốc gia khác sớm nhất là vào tháng 10.
Ông Michel phát biểu với các quan chức từ Albania, Bulgaria và các quốc gia Nam Tư cũ tại Diễn đàn Chiến lược Bled ở Slovenia rằng, việc mở rộng EU “không còn là một giấc mơ nữa”.
“Khi chuẩn bị chương trình nghị sự chiến lược tiếp theo của EU, chúng tôi phải đặt cho mình một mục tiêu rõ ràng. Tôi tin rằng, cả hai bên phải sẵn sàng mở rộng vào năm 2030. Đây là tham vọng nhưng cần thiết. Nó cho thấy chúng tôi nghiêm túc” – ông Michel nói.
Ông Michel cho biết, các nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận về việc mở rộng liên minh tại cuộc họp tiếp theo của Hội đồng châu Âu, và “sẽ đưa ra quan điểm về việc bắt đầu đàm phán với Ukraina và Moldova”. Cuộc họp dự kiến diễn ra vào tháng 10 tại Tây Ban Nha.
Một hội nghị thượng đỉnh EU – Tây Balkan khác, tiếp nối sự kiện tuần trước ở Athens (Hy Lạp), sẽ được triệu tập vào tháng 12. Ông Michel mong đợi Bosnia-Herzegovina và Gruzia “sẽ trở lại bàn đàm phán”.
Về phần mình, các thành viên có tham vọng cần phải áp dụng các giá trị “cơ bản” của EU về “quyền và phẩm giá, dân chủ và đoàn kết” và thực thi pháp quyền “hoàn toàn tôn trọng sự đa dạng của chúng tôi” – ông Michel lập luận.
Người đứng đầu Hội đồng châu Âu cũng giải thích lý do Ukraina và Moldova được cấp tư cách ứng cử viên vào tháng 6 năm ngoái. Theo ông Michel, lý do là vì Nga “đang tấn công tất cả những gì chúng tôi tin tưởng – tự do, dân chủ, thịnh vượng và hợp tác”.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel.
Thủ tướng Albania Edi Rama hoan nghênh thông báo mở rộng EU, nhưng bày tỏ lo ngại rằng, Ukraina đang vượt lên trước các quốc gia Balkan đã chờ đợi tư cách thành viên trong nhiều thập kỷ.
AFP dẫn lời Thủ tướng Rama nói: “Ukraina nên được coi là một quốc gia thành viên tiềm năng, nhưng tôi ước điều này sẽ không gây bất lợi cho các nước Tây Balkan”. Albania nộp đơn xin gia nhập EU vào năm 2009 và được trao tư cách ứng cử viên vào năm 2014.
Thủ tướng Serbia Ana Brnabic cũng chỉ ra rằng, đất nước của bà được trao tư cách ứng cử viên vào năm 2012, nhưng sau đó, sự ủng hộ gia nhập EU giảm mạnh do đàm phán không đạt được tiến triển.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Michel lưu ý, “giải quyết các xung đột song phương trong quá khứ” là một yêu cầu cần thiết để gia nhập EU, bởi vì “không có chỗ cho những xung đột quá khứ trong EU”.
Ukraina hiện đang xung đột, Moldova chưa giải quyết được vấn đề Transnistria, trong khi khối này đang gây áp lực buộc Serbia phải công nhận tỉnh ly khai Kosovo là một quốc gia độc lập, dù 5 thành viên của khối này vẫn chưa làm như vậy.
Ngoài ra, theo Financial Times, một số nước trong EU lo ngại rằng, việc chuyển từ 27 quốc gia thành viên hiện tại lên hơn 30 quốc gia có thể gây căng thẳng đáng kể cho ngân sách của liên minh và làm phức tạp thêm chính sách nông nghiệp, viện trợ khu vực và quá trình ra quyết định.
Kể từ khi nhận được tư cách ứng cử viên vào năm ngoái, sau khi Nga khởi động chiến dịch quân sự, Ukraina đã thúc đẩy khối tiến hành các cuộc đàm phán gia nhập càng sớm càng tốt, tốt nhất là trước cuối năm 2023.
Tuy nhiên, trong khi một số thành viên EU – đặc biệt là Đức – cho biết sẵn sàng hỗ trợ Ukraina gia nhập EU, thì những người khác lại nhấn mạnh rằng quá trình này có thể mất nhiều năm, nếu không muốn nói là nhiều thập kỷ, vì Kiev vẫn chưa đáp ứng được một số mục tiêu cần thiết như cải cách chống tham nhũng.
PV (theo laodong)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)