Hội nhậpThế giới 24h

EU đưa kế hoạch thoát năng lượng Nga

Tạp Chí Giáo Dục

Liên minh Châu Âu đang nỗ lực giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga đồng thời đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp khắp lục địa. Ủy ban Châu Âu (EC) công bố kế hoạch sâu rộng mang tên "REPower EU", nhằm giúp EU độc lập hoàn toàn khỏi năng lượng Nga từ năm 2027.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen.
Một quan chức cấp cao của Ủy ban Châu Âu cho biết, kế hoạch này đáp lại cam kết giảm sự phụ thuộc vào năng lượng mà các nhà lãnh đạo EU đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh Versailles hồi tháng 3.2022.
Khí tự nhiên hóa lỏng
Kế hoạch được EC trình bày chiều 18.5 mang tính chuyển biến quan trọng: Với một khối đã quen với nguồn cung cấp giá rẻ và đáng tin cậy từ Nga nhiều thập kỷ, việc ngừng nhập khẩu hoàn toàn sẽ kéo theo những thách thức to lớn để đa dạng hóa các nhà cung cấp, cấu trúc lại cơ sở hạ tầng, giảm thiểu tăng giá, tăng hiệu quả, thúc đẩy các giải pháp thay thế tái tạo và trên hết, đảm bảo các hộ gia đình và nhà máy vẫn được cung cấp điện mà không bị gián đoạn.
Than đá Nga đã bị EU trừng phạt và dầu mỏ Nga đang trong quá trình xem xét cấm vận nên sự chú ý hướng tới khí đốt. Nga là nhà cung cấp khí đốt chính của EU, chiếm 45% tổng nguồn cung cấp khí đốt – 155 tỉ mét khối – vào năm 2021. Brussels nhận thức rõ rằng lượng khí khổng lồ này sẽ không biến mất hoặc bị thay thế bằng các sản phẩm xanh trong một sớm một chiều nên ưu tiên hàng đầu của khối là tìm kiếm khí đốt ở nơi khác để lấp chỗ trống, Euro News nhận định.
Khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nổi lên như một giải pháp sẵn có nhất cho tình trạng hiện tại. LNG là khí được làm lạnh, vận chuyển bằng tàu, sau đó bốc dỡ tại các kho phức tạp để biến chất lỏng trở lại thành khí. Điều này mang lại lợi thế lớn cho các quốc gia ven biển có kho LNG như Tây Ban Nha, Italia và Hà Lan, đồng thời có thể tăng lượng mua hàng từ những nước này tương đối dễ dàng. EU đã phá kỷ lục nhập khẩu LNG kể từ đầu năm 2022, đạt 12,4 tỉ mét khối vào tháng 4.
Tuy nhiên, LNG rất đắt và thị trường toàn cầu rất cạnh tranh. Phương án tập trung vào LNG cũng đặt các quốc gia EU không giáp biển vào thế bất lợi vì không có quyền tiếp cận các cảng và buộc phải lấy nguồn khí đốt qua các đường ống, hầu hết do Nga vận hành.
REPower EU cho rằng, tới 2/3 lượng khí đốt của Nga – khoảng 100 tỉ mét khối – có thể bị cắt giảm vào cuối năm nay. Một nửa trong số này – 50 tỉ mét khối – sẽ được thay thế bằng đa dạng hóa LNG, trong khi 10 tỉ mét khối đến từ các đường ống không phải của Nga, bao gồm đường ống từ Na Uy, Azerbaijan và Algeria.
Mua chung
Để vượt qua cạnh tranh khốc liệt về LNG trên thế giới, Brussels muốn 27 quốc gia thành viên mua với tư cách khách hàng duy nhất và khai thác đòn bẩy là thị trường chung lớn nhất thế giới. Khối lập EU Energy Platform – kế hoạch tự nguyện nhằm tổng hợp nhu cầu và điều phối nhập khẩu. Brussels đặt mục tiêu tiến thêm nữa và tạo "cơ chế mua chung" để thay mặt các quốc gia thành viên đàm phán các hợp đồng khí đốt. Cơ chế này mang tính tự nguyện và được xây dựng dựa trên kinh nghiệm từ việc mua vaccine COVID-19 mà Ủy ban đã điều phối để mua được hàng triệu liều với giá cả phải chăng đồng thời tránh được cạnh tranh giữa các nước.
Năng lượng xanh
REPower EU được coi là một lớp bổ sung của Thỏa thuận Xanh Châu Âu và tập trung rõ rệt vào năng lượng tái tạo. Ủy ban Châu Âu đề xuất đẩy nhanh việc triển khai các hệ thống năng lượng mặt trời và gió với mục đích thay thế hơn 20 tỉ mét khối khí đốt Nga trước cuối năm nay. Nhưng mục tiêu này cũng đối mặt với những trở ngại. Trung bình, các trang trại turbine gió cần 9 năm để hoàn thành trong khi các tấm pin mặt trời cần từ 4-5 năm để lắp đặt. Quá trình này rất phức tạp và đòi hỏi nhiều cấp phép đến các tiêu chuẩn xây dựng, năng lượng, môi trường và kiến ​​trúc.
Trong khuyến nghị mới, Brussels yêu cầu các quốc gia thành viên đẩy nhanh tiến độ đáng kể và thiết lập thời hạn tối đa ràng buộc cho tất cả các giai đoạn liên quan. Đồng thời, Ủy ban đề xuất cập nhật mục tiêu tái tạo của EU cho năm 2030, từ 40% lên 45% tổng năng lượng sản xuất trên toàn khối và bắt buộc sử dụng các tấm pin mặt trời trong tất cả các tòa nhà công cộng và tòa dân cư mới vào năm 2027.
Dự kiến, kế hoạch REPower EU có mức giá khá đắt: Độc lập khỏi năng lượng Nga tiêu tốn thêm 210 tỉ euro từ năm 2022 đến năm 2027. Hơn 110 tỉ euro dành cho việc triển khai năng lượng tái tạo và hệ thống hydro. Ủy ban ước tính chi phí cho cải tạo cơ sở hạ tầng dầu mỏ là 2 tỉ euro. 
Brussels đề xuất phần lớn khoản tiền này nên đến từ các khoản vay chưa sử dụng của quỹ phục hồi COVID-19. 
PV (theo laodong)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)