Hội nhậpThế giới 24h

EU siết chặt chính sách an ninh

Tạp Chí Giáo Dục

Ủy ban châu Âu (EC) sẽ áp dụng trong những tháng tới một chương trình nghị sự châu Âu về bảo đảm an ninh giai đoạn 2015 – 2020, trong đó sẽ định hướng lại an ninh nội bộ của EU để ứng phó với các thách thức mới đặt ra cho khối trong đó có mối đe dọa khủng bố.

Tranh cãi về Hiệp ước Schengen

Theo Financial Times, các bộ trưởng từ 11 nước EU và Mỹ trong cuộc họp ngày 11-1 kêu gọi tăng cường chia sẻ thông tin tình báo để giải quyết số lượng ngày càng tăng của các chiến binh ra nước ngoài sau đó trở lại châu Âu. Họ kêu gọi kiểm soát chặt chẽ biên giới và chia sẻ dữ liệu lớn hơn giữa các hãng hàng không để giúp các cơ quan an ninh chống khủng bố sau khi xảy ra các cuộc tấn công khủng bố chết người tại Paris.

Ông Bernard Cazeneuve, Bộ trưởng Nội vụ Pháp cho biết an ninh biên giới bên ngoài của EU phải được tăng cường mà không cần phải thay đổi pháp luật châu Âu nhưng bên trong EU cần để đảm bảo sự di chuyển tự do trong khối. Hơn 3.000 người dân từ khắp EU được cho là đã đến Iraq và Syria tham gia thánh chiến và mối lo ngày càng gia tăng về sự trở về của họ.

Từ ngày 13-1, Pháp triển khai 10.000 binh sĩ và gần 5.000 nhân viên cảnh sát tăng cường bảo vệ các trường học của người Do Thái sau các cuộc tấn công khủng bố ở Paris.

Hiện thành viên khối EU được phép di chuyển tự do mà không cần hộ chiếu ở hầu khắp các lục địa châu Âu theo tinh thần Hiệp ước Schengen. Điều này gây khó khăn cho các cơ quan tình báo để theo dõi các đối tượng nguy hiểm. Một số nhà phân tích an ninh cho rằng cần phải sửa đổi Hiệp ước Schengen để tăng cường an ninh.

Bộ trưởng Nội vụ Tây Ban Nha, Jorge Fernández Díaz, ủng hộ thay đổi các quy tắc trong hiệp ước này cho phép kiểm tra biên giới nhằm vào những người bị tình nghi là tội phạm hoặc khủng bố. Mặc dù vậy, bộ trưởng nội vụ các nước như Anh, Thụy Điển và Đức cũng đã thúc giục Nghị viện châu Âu (EP) ngăn chặn nỗ lực của nhiều chính phủ trong việc chia sẻ thông tin hành khách bay trong EU trong khi Bộ trưởng Nội vụ Pháp Cazeneuve cho rằng dữ liệu này có giá trị sống còn với các cơ quan an ninh.

Các quốc gia thành viên EU nhiều lần xung đột trước đòi hỏi cung cấp thông tin công dân đi lại giữa các nước trong EU, trong đó có hành khách máy bay. Thậm chí, nhiều nghị sĩ EP cho rằng động thái này chà đạp lên quyền tự do dân sự và không hề giúp cải thiện an ninh.

Nghị sĩ EP Jan Philipp Albrecht, thuộc đảng Xanh của Đức cho rằng đừng lấy lý do tăng cường khả năng chống khủng bố để đòi chia sẻ dữ liệu cá nhân công dân di chuyển trong EU. Tòa án Công lý châu Âu từng ra phán quyết rằng việc cung cấp cho cơ quan an ninh dữ liệu công dân di chuyển trên toàn EU là can thiệp vào quyền riêng tư của công dân EU, mâu thuẫn với luật pháp EU.

Nghị trình an ninh EU 2015 – 2020

Theo Reuters, gác lại bất đồng quanh việc sửa đổi Hiệp ước Schengen, EU sẽ tiếp tục tăng cường hiệu quả của các hệ thống thông tin trong khối, thậm chí sẽ kiểm soát nghiêm ngặt hơn những nơi có thể trở thành mục tiêu khủng bố và có thể gia tăng khung hình phạt pháp lý hiện có. Ngoài ra, chính sách mới sẽ tăng cường hợp tác giữa Europol và các cơ quan khác ở châu Âu.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng sẽ phối hợp chặt chẽ hơn để chia sẻ thông tin, đánh giá các mối đe dọa để ngăn ngừa tốt hơn các hoạt động khủng bố và cũng như các hoạt động tội phạm khác trên toàn EU.

Liên quan đến những gì mà EU sắp thực hiện để ngăn chặn tội phạm có tổ chức và khủng bố, truyền thông châu Âu cho biết EU đã thành lập Quỹ An ninh nội bộ (ISF) cho giai đoạn 2014 – 2020 với tổng kinh phí khoảng 3,8 tỷ EUR (khoảng 4,5 tỷ USD).

Mục tiêu chính trong thời gian tới của EU là ngăn chặn các tay súng chiến đấu xuyên biên giới và các tổ chức tội phạm bao gồm cả khủng bố, ngăn chặn và đấu tranh chống chủ nghĩa cực đoan bạo lực cực đoan và tăng cường năng lực của các quốc gia thành viên EU.

THỤY VŨ tổng hợp

(SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)