Hội nhậpThế giới 24h

EU vật lộn với giá trần khí đốt

Tạp Chí Giáo Dục

Hơn 15 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang thúc đẩy một mức trần giá khí đốt nhưng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Đức và Hà Lan

Lãnh đạo 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp tại thủ đô Brussels – Bỉ trong hai ngày 20 và 21-10, thảo luận các biện pháp nhằm hạ giá năng lượng đang bị đẩy lên cao do cuộc xung đột Nga – Ukraine.

Đây là hội nghị thượng đỉnh thứ hai của EU kể từ ngày 6-10 dù sự chia rẽ dai dẳng giữa các thành viên đồng nghĩa khối này có thể chưa đưa ra mức trần giá khí đốt như mong muốn.

Ủy ban châu Âu (EC) thời gian qua đã đề xuất một loạt biện pháp trong nỗ lực làm hài lòng các thành viên, cũng như hy vọng giúp người dân có thể chi tiêu cho việc sưởi ấm khi mùa đông đến gần.

Một trong những đề xuất là cho phép các tập đoàn năng lượng lớn của EU mua chung khí đốt để có giá rẻ hơn. Một đề xuất khác là trao cho EC quyền thiết lập hành lang giá khí đốt và can thiệp khi giá trở nên mất kiểm soát. Dù vậy, EU khó có thể đạt được đột phá chừng nào các thành viên vẫn còn bất đồng, nhất là về vấn đề áp trần giá khí đốt.

EU vật lộn với giá trần khí đốt - Ảnh 1.

Một cuộc biểu tình phản đối giá năng lượng cao tại thủ đô Brussels – Bỉ ngày 20-10. Ảnh: Reuters

Các đề xuất mới nhất được EC đưa ra hôm 18-10 không bao gồm vấn đề gai góc nói trên bất chấp nhiều nước EU muốn thế. Theo Reuters, hơn 15 nước, trong đó có Pháp, Ba Lan và Ý, đang thúc đẩy một mức trần giá khí đốt nhưng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Đức và Hà Lan.

Hai nước này cảnh báo một động thái như thế có thể khiến các thành viên EU khó mua nhiên liệu từ thị trường toàn cầu trong mùa đông sắp tới giữa lúc nguồn cung từ Nga khan hiếm. Đức đang là nền kinh tế và khách hàng khí đốt lớn nhất ở châu Âu. Trong khi đó, Hà Lan là trung tâm buôn bán khí đốt hàng đầu châu lục này.

Một nội dung thảo luận quan trọng khác là gói chi tiêu khẩn cấp để giảm tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng đối với các nền kinh tế thành viên và 450 triệu công dân EU.

 Vấn đề này cũng đang gây chia rẽ. Một số nước kêu gọi EU phát hành trái phiếu chung để tài trợ cho các khoản chi. Dù vậy, cũng có ý kiến cho rằng các chương trình hỗ trợ trước đó vẫn còn hàng trăm tỉ euro chưa được chi tiêu nên sử dụng số tiền này trước.

 Một tranh cãi nữa là nên cung cấp chương trình hỗ trợ tức thì thông qua trợ cấp trực tiếp cho các hộ gia đình và doanh nghiệp hoặc nên đầu tư vào năng lượng xanh để giúp khối phát triển bền vững hơn trong tương lai.

Giới phân tích nhận định các thành viên EU còn nhiều khác biệt về lợi ích nên hội nghị lần này có nguy cơ không tìm được tiếng nói chung về hành động cụ thể. Một số quan chức EU cũng thừa nhận hội nghị khó có khả năng đi đến thỏa thuận, một phần vì ưu tiên của các nước vẫn khác nhau. Chẳng hạn như Đức đã lựa chọn an ninh nguồn cung vì nước này đủ sức mua khí đốt với giá cao nhưng nhiều nước lại không thể theo kịp chi phí này. 

"Vũ khí" của Mỹ

Các tổng thống Mỹ có một công cụ mạnh mẽ có thể giúp xoa dịu nỗi đau của giá xăng dầu tăng cao: Kho dự trữ dầu chiến lược (SPR). Tổng thống Joe Biden hôm 19-10 thông báo xả 15 triệu thùng dầu từ SPR của Mỹ vào tháng 12 sau khi liên minh giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và một số nhà sản xuất bên ngoài, gọi là OPEC+, cắt giảm sản lượng dầu.

Đây sẽ là đợt cuối cùng của chương trình tung ra thị trường 180 triệu thùng dầu mà Mỹ công bố hồi tháng 3, thời điểm nỗi lo về bất ổn năng lượng toàn cầu gia tăng do xung đột Nga – Ukraine.

Theo đài CNN, hiện rất khó đánh giá chính xác việc bán dầu từ SPR tác động thế nào đối với giá dầu. Dù vậy, các chuyên gia lâu năm trong ngành dầu mỏ nhận định rằng chiến lược của ông Biden đã có hiệu quả khi giúp giảm tác động từ cuộc khủng hoảng Ukraine và nguồn cung thắt chặt từ cả OPEC + và các nhà sản xuất dầu tại Mỹ. Theo họ, SPR đã giúp ngăn giá dầu vượt qua mức cao kỷ lục hồi năm 2008.

Ông Andy Lipow, Chủ tịch Công ty Tư vấn Lipow Oil Associates (Mỹ), cho rằng chính quyền ông Biden đang tìm cách bảo đảm rằng giá năng lượng không phải là vấn đề khiến các cử tri lo lắng khi còn vài tuần nữa là cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ diễn ra. Tuy nhiên, ông Lipow lưu ý rằng việc xả SPR không giúp tăng sản lượng dầu. Thay vào đó, động thái này có thể khiến chính phủ Mỹ gặp khó trong việc ứng phó các cú sốc giá dầu trong tương lai.

Trái lại, một số nhà phân tích chỉ ra rằng SPR hiện còn hơn 400 triệu thùng dầu và đây là số lượng đáng kể mà Washington có thể sử dụng trong những tháng tới để ứng phó với sự gián đoạn nguồn cung do ảnh hưởng từ cuộc chiến ở Ukraine. Họ cũng cho rằng việc SPR đang ở mức thấp nhất 38 năm không quá đáng ngại, một phần vì Mỹ có khả năng tăng mạnh sản lượng trong trường hợp cần thiết. Trước mắt, Nhà Trắng cho biết chính phủ Mỹ sẽ mua dầu bổ sung cho SPR khi giá dầu ở mức 67-72 USD/thùng hoặc thấp hơn.

Xuân Mai

Theo Hoàng Phương/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)