Ngày 26-6-2015, Tòa án tối cao Mỹ đã thông qua điều luật hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới trên phạm vi toàn lãnh thổ. Với phán quyết lịch sử, Mỹ đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng về việc thực thi nhân quyền tại quốc gia này.
Evan Wolfson trao đổi với các bạn trẻ quan tâm về việc đấu tranh cho hợp thức hóa hôn nhân của người đồng tính tại Lãnh sự quán Hoa Kỳ (TP.HCM) |
Thế nhưng, ít ai biết rằng, để có được phán quyết lịch sử ấy, nước Mỹ đã phải mất hơn 4 thập kỷ đấu tranh, bắt đầu từ sự kiện bạo loạn Stonewall năm 1969. Và một trong số những người bền bỉ cho phong trào đấu tranh đòi quyền kết hôn cho người đồng giới không thể không kể đến Evan Wolfson. Ông được xem là người kiến thiết nên phong trào để đi đến thắng lợi toàn quốc và được người Mỹ gọi là “cha đẻ” của hôn nhân đồng giới.
Hành trình 32 năm ròng rã
Evan Wolfson là nhà sáng lập và Chủ tịch của “Freedom to Marry” (Tự do Hôn nhân), một chiến dịch vận động cho quyền kết hôn bình đẳng cho các cặp đôi cùng giới tại Hoa Kỳ. Hành trình đòi hôn nhân cho người đồng giới của Evan Wolfson kéo dài đến 32 năm, khi ông còn là một sinh viên trường luật vào năm 1983. Lúc đó, Wolfson đã viết luận án tốt nghiệp Trường ĐH Luật Harvard về người đồng tính và tự do hôn nhân. Trong những năm 90 của thế kỉ XX, ông đóng vai trò đồng luật sư cho vụ kiện hôn nhân Hawaii lịch sử khởi đầu cho phong trào tự do hôn nhân trên toàn cầu, và tham gia vào vô số vụ án về quyền của người đồng tính cũng như HIV/AIDS. Wolfson tốt nghiệp Trường ĐH Yale với bằng cử nhân lịch sử năm 1978; từng tình nguyện cho Peace Corps (Tổ chức Hòa bình Mỹ) tại một ngôi làng ở thành phố Tokyo – Nhật Bản, Tây Phi, và viết cuốn sách Why Marriage Matters: America, Equality, and Gay People’s Right to Marry (Tạm dịch: Tại sao Hôn nhân quan trọng: Hoa Kỳ, Bình đẳng và Quyền Kết hôn của Người đồng tính), được xuất bản bởi Simon & Schuster vào tháng 7-2004.
Trao đổi với các bạn trẻ quan tâm đến hôn nhân đồng giới do Lãnh sự quán Hoa Kỳ t
Evan Wolfson từng được the National Law Journal (Tạp chí Luật quốc gia) vinh danh là một trong “100 luật sư ảnh hưởng nhất nước Mỹ”. Năm 2000, Tuần báo online Newsweek của trang The Daily Beast phong Wolfson là “Cha đẻ của hôn nhân đồng tính” và Tạp chí Times vinh danh ông là một trong “100 người có tầm ảnh hưởng nhất thế giới” vào năm 2004. Năm 2012, Wolfson nhận giải xuất sắc Barnard cùng Tổng thống Barack Obama. Năm 2015, khi đã đạt được mục tiêu mà ông đã theo đuổi suốt 32 năm, Wolfson dành thời gian để cố vấn và giúp đỡ nhiều phong trào khác nhau và hỗ trợ các vụ tố tụng tại Mỹ và trên thế giới. |
ại TP.HCM tổ chức, Wolfson cho biết, trong gần 30 năm vận động của ông, hầu hết là thất bại nối tiếp thất bại. Thành công chỉ bắt đầu đến với ông và những người đấu tranh đòi quyền công nhận cho người đồng giới vào 6 năm cuối cùng. Và hành trình để có được phán quyết của Tòa án tối cao Mỹ là hàng trăm phiên tòa, hàng triệu cuộc đối thoại, hàng triệu câu chuyện, và cả hàng triệu đô la. Theo Wolfson, để đi đến chiến thắng này, ông và những người theo đuổi hành trình này đã dựa trên 3 yếu tố: luật pháp, cộng đồng, chiến lược. Trước hết là hiến pháp Mỹ với giá trị cốt lõi cho phép mọi người dân tin rằng bất cứ ai cũng đều có quyền tự do, được bình đẳng và tôn trọng. Tuy nhiên, đó chưa phải là yếu tố căn bản. “Không có một cá nhân, hoạt động đơn lẻ nào lại có thể thành công mà phải tạo nên một phong trào đủ lớn để thúc đẩy công luận. Chúng tôi cần tạo dư luận để có thể thay đổi, cần việc bất cứ ai cũng có thể nói điều đó, dù họ có là người đồng giới hay không. Chính những trao đổi, đối thoại này sẽ là động cơ thúc đẩy sự thay đổi suy nghĩ của hơn 300 triệu người dân nước Mỹ. Sau cùng, chúng tôi thu thập tài liệu, những bằng chứng sống, cụ thể là những cặp đôi đồng tính đã phải đợi ròng rã mấy chục năm để được kết hôn để thuyết phục từng tiểu bang và tòa án liên bang, khiến họ từ nói “không” với hôn nhân đồng giới chuyển sang nói “có”. Và cuối cùng là những chiến dịch hành động cụ thể như Freedom to Marry đã làm, chiến thắng ở từng tiểu bang và tích lũy nhiều tiểu bang lại để tạo nên sự đồng thuận và tiếng nói chung”, ông Wolfson nói.
Không nên để mắc kẹt tại một điểm
Khi một sinh viên ngành luật hỏi về vai trò của luật sư trong việc giúp đỡ các cặp đôi đồng tính, ông Wolfson phân tích “Luật sư có một lợi thế là hiểu rõ về luật pháp để biết cách vận dụng tối đa sức mạnh của luật pháp đấu tranh cho quyền lợi của họ, biết cách tập hợp dư luận để đứng về phía mình. Thật ra, trước khi đi đến thành công ngày 26-6-2015, chúng tôi đã tập hợp được 379 doanh nghiệp, tập đoàn cùng ký kết vào bản chế định Amicus Brief để họ cùng lên tiếng với chúng tôi về hôn nhân cho người đồng tính. Trên thực tế, dù đã giành được chiến thắng về mặt luật pháp song những người đồng tính, chuyển giới tại Mỹ vẫn còn vô vàn trở ngại: họ vẫn còn bị phân biệt đối xử, bị kỳ thị trong cả môi trường làm việc lẫn đời sống hàng ngày. Vì vậy, hành trình bảo vệ và giành lại sự công bằng của chúng tôi sẽ vẫn còn kéo dài chứ không chỉ dừng lại ở thắng lợi này”.
Trả lời ý kiến của một số bạn trẻ quan tâm về việc đấu tranh cho hợp thức hóa hôn nhân của người đồng tính ở Việt Nam, ông Wolfson khẳng định: Nước Mỹ mất tới 40 năm để đấu tranh, nhưng Việt Nam có thể sẽ nhanh hơn. “Năm 2016 khác xa với thời điểm chúng tôi 32 năm về trước. Các bạn có nhiều công cụ và cơ hội để đẩy nhanh tiến trình này. Trong một nhóm người phản đối hôn nhân đồng tính thật ra chỉ có số ít người phản đối quyết liệt, số còn lại nếu gặp phải sự tác động tích cực từ cộng đồng cũng sẽ có sự thay đổi nhất định. Các bạn không nên để mình bị mắc kẹt ở một điểm. Khi bế tắc ở chỗ này, bạn hãy tìm đến chỗ khác, khi không nói được ở chỗ này, hãy nói ở chỗ khác. Hãy suy nghĩ, hoạt động tích cực chứ đừng nhắm tới những trở ngại hay thất bại mà các bạn đã trải qua. Đã đến lúc những người đồng tính Việt Nam cần gia nhập 1 tỉ người tự do hôn nhân ngoài kia”.
Wolfson cũng cho biết, hiện hôn nhân đồng tính đã được công nhận tại 22 quốc gia và 6/7 châu lục trên thế giới, mang lại cuộc sống hôn nhân bình đẳng cho hơn 1 tỷ người “Chỉ duy nhất châu Á là chưa có quốc gia nào công nhận hôn nhân đồng tính. Tuy nhiên, phong trào đấu tranh cho tự do hôn nhân, mà cụ thể là hôn nhân đồng tính đang diễn ra sôi nổi ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tôi tin rằng, trong thời gian tới, với sự đấu tranh mạnh mẽ từ các tổ chức cộng đồng LGBT, Việt Nam sẽ là quốc gia tiếp theo viết tên mình vào danh sách các quốc gia công nhận quyền được kết hôn cho người đồng tính”, Wolfson kỳ vọng.
Ngọc Anh
Bình luận (0)