Từ 1/7, mô hình thí điểm phát điện cạnh tranh sẽ khởi động. Tuy nhiên, nhiều nhà máy điện ngoài EVN đang lo sốt vó khi “cái bóng” EVN bao phủ thị trường quá lớn .
Theo mô hình do Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công thương đưa ra, đơn vị có chức năng mua bán điện duy nhất là Công ty Mua bán điện – Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN). Đơn vị này sẽ chịu trách nhiệm ký các hợp đồng nhập khẩu, xuất khẩu, BOTs…
Ông Hoàng Xuân Quốc, Tổng giám đốc Công ty CP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2, cho rằng, Công ty Mua bán điện làm việc dưới sự ủy quyền của EVN, việc thanh toán do vậy sẽ phải phụ thuộc vào EVN, nên nếu chậm thanh toán, nhà máy bán điện cho EVN sẽ không biết kêu ai. Cũng theo ông Quốc: “Nếu Bộ Công thương xác định Công ty Mua bán điện là một yếu tố quan trọng trên thị trường điện cạnh tranh thì nó phải có vai trò cụ thể và được quản lý dòng tiền thu được từ các nhà máy điện độc lập, chủ động trả cho các nhà máy điện độc lập để họ duy trì việc phát điện phục vụ truyền tải”.
Theo Bộ Công thương, việc "loại bỏ" vai trò độc quyền của EVN phải tiến hành từng bước. |
Ngoài ra, theo Nghị định 24/2011 của Chính phủ, từ 1/6 tới, EVN có quyền tăng giá điện bán lẻ cho người dân 3 tháng/lần, nhưng các quy định lại chưa làm rõ việc các nhà máy bán điện độc lập có được hưởng lợi gì từ việc tăng giá này không. Giả sử, EVN được phép tăng giá điện thêm 5%, thì các nhà máy phát điện mà EVN mua điện sẽ được hưởng bao nhiêu % của 5% ấy, hay sẽ vẫn phải giữ ở mức giá từ khi ký hợp đồng. “Đây là bài toán về cơ chế. Nếu không xử lý được thì việc thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường chỉ làm lợi cho duy nhất EVN và khó huy động, kêu gọi đầu tư xây dựng các nhà máy mới”, ông Quốc phân tích.
Các nhà máy điện ngoài EVN cũng bày tỏ lo ngại với nhiều điều kiện chưa công bằng trong thị trường phát điện hiện nay. Chẳng hạn, giá nguyên liệu chiếm chi phí lớn nhất trong việc hình thành giá điện đối với chạy dầu và khí. Tuy nhiên, giá khí bán cho các nhà máy điện trong và ngoài EVN chưa bình đẳng, các nhà máy ngoài EVN phải mua đắt hơn. Bộ Công thương cần sớm có kế hoạch thiết lập mặt bằng giá khí, rà soát mức giá với các loại nguyên, nhiên liệu bán cho các nhà máy điện mới tạo đầu vào cạnh tranh cho thị trường, bởi muốn có đầu ra cạnh tranh thì đầu vào cũng phải cạnh tranh.
Riêng ông Lê Văn Quang, Phó giám đốc Thủy điện Đa Nhim, lo ngại việc tính giá trần chào bán cho các nhà máy. Khi thị trường vận hành thí điểm, trước ngày 15/9 phải lập kế hoạch vận hành thị trường năm tới, phải tính toán và công bố giá trị nước cho từng thành phần. Trong khi đó, giá trị nước phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, khó mà tính toán chính xác. “Từ đó dẫn đến việc không phản ánh đúng chào giá theo thành phần, thiệt thòi cho các nhà máy điện”, ông nói. Ông Vũ Xuân Cường, Phó tổng giám đốc phụ trách kỹ thuật sản xuất, Công ty CP nhiệt điện Phả Lại, cũng cho rằng, phương thức trực tiếp chào giá cạnh tranh phát điện sẽ khiến nhà máy điện rất căng thẳng trong quản lý. Bởi dù có đăng ký công suất phát các ngày kế tiếp, nhưng nếu bị sự cố đột xuất, nhà máy sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.
Giá điện theo cơ chế thị trường được điều chỉnh ít nhất 3 tháng/lần. Bậc thang giá điện sinh hoạt 50 kWh một tháng vẫn trợ giá cho hộ thu nhập thấp, có mức sử dụng điện trung bình thấp từ 50 kWh một tháng trở xuống. Cơ chế hỗ trợ cho hộ nghèo là 30.000 đồng/tháng tiền điện được thực hiện minh bạch.
|
Bình luận (0)