Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

EVN lỗ từ kinh doanh điện 506 tỷ đồng

Tạp Chí Giáo Dục

Nếu chỉ tính riêng kinh doanh điện, EVN lỗ hơn 506 tỷ đồng.Kết quả kiểm toán EVN cho thấy tập đoàn này lỗ từ kinh doanh điện lên tới 506 tỷ đồng, trong khi lãi do kinh doanh ngành ngoài đủ để xây dựng được một nhà máy nhiệt điện có công suất khoảng 50 Mgw.

Ngày 25/11, Kiểm toán Nhà nước đã công bố công khai kết quả kiểm toán một số cuộc kiểm toán năm 2008, trong đó có kết quả cuộc kiểm toán lớn nhất từ trước tới nay mà đơn vị này thực hiện: Kiểm toán Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Hàng trăm tỷ đồng tiền điện chênh lệch

Theo đánh giá của ông Vương Đình Huệ, Tổng Kiểm toán Nhà nước, EVN đã chấp hành tương đối nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước, khả năng tài chính, khả năng thanh toán nợ tại thời điểm 31/12/2007 cơ bản đảm bảo công khai và lành mạnh.

Còn thiếu sót của EVN lại tập trung vào việc để chậm tiến độ một số dự án điện trong tổng sơ đồ 6 và một số sai phạm trong quản lý tài chính, điều hành sản xuất kinh doanh ở một số đơn vị trực thuộc.

Báo cáo kết quả kiểm toán EVN cho thấy: Khả năng thanh toán hiện hành (tổng tài sản/tổng nợ phải trả) của công ty mẹ là 1,85 lần, của EVN là 1,73 lần. Tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu khá lành mạnh, tại công ty mẹ là 1,17 lần, EVN là 1,44 lần. Khả năng thanh toán nợ ngắn hạn tại công ty mẹ là 1,6 lần, EVN là 1,94 lần.

Doanh thu năm 2007 của EVN là 58.203,965 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 30% so với năm trước đó. Doanh thu bán điện là 50.270,51 tỷ đồng, tương ứng với tổng sản lượng điện tiêu thụ 58.444 triệu kWh, giá bán điện thực tế bình quân là 860,14 đồng/kWh.

Ông Vương Đình Huệ cho hay, qua kiểm toán, tổng lợi nhuận trước thuế của EVN là 4.376 tỷ đồng. Nếu tách riêng chênh lệch thu được từ tăng giá điện là hơn 3.400 tỷ đồng và chuyển thẳng vào quỹ đầu tư mà không hạch toán kết quả kinh doanh thì lợi nhuận của EVN chỉ còn 973 tỷ đồng và nếu tính riêng của kinh doanh điện, thì EVN lỗ hơn 506 tỷ đồng.

Đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước còn chỉ ra khoản chênh lệch do tăng giá bán điện của EVN trong năm 2007 là 3.402,940 tỷ đồng, cao hơn hàng trăm tỷ đồng so với con số hơn 2.700 tỷ đồng mà EVN đã báo cáo. Tổng giá thành tiêu thụ điện trong năm 2007 của EVN là 45.425,7 tỷ đồng, còn giá thành đơn vị là 777,25 đồng/Kwh, chưa bao gồm lãi.

EVN cần tập trung đầu tư vào ngành chính

Trong tổng số vốn đầu tư tài chính dài hạn thì lượng vốn đầu tư ngoài lĩnh vực sản xuất kinh doanh điện (gồm viễn thông điện lực, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản…) là 3.590,5 tỷ đồng, chiếm 7,22% vốn đầu tư và 4,82% tổng nguồn vốn chủ sở hữu.

Trong tổng số lợi nhuận năm 2007, ngoài kết quả kinh doanh điện, EVN còn thu cổ tức đầu tư vốn là 665,006 tỷ đồng, thu nhập khác từ thu hoàn trả tiền khí 691,955 tỷ đồng, thu tiền phạt hợp đồng 127,486 tỷ đồng và thu 330 tỷ đồng của Nhà máy điện Uông Bí MR1 chưa phải tính chi phí.

“Các hoạt động đầu tư ra ngoài của EVN đến thời điểm này là có lãi, chỉ có việc đầu tư vào viễn thông mặc dù lãi hơn 60 tỷ nhưng chi phí phân bổ rất lớn nên sẽ gây ra nhiều tiểm ẩn rủi ro cho EVN. Điều này cho thấy EVN chưa huy động và tập trung hết các nguồn lực để thực hiện mục tiêu chính của mình” – ông Huệ nói.

Cũng qua kiểm toán, nhiều dự án đầu tư của EVN còn chậm như xây dựng cơ bản dự án điều khiển phụ tải bằng sóng DLC với số tiền 12,105 tỷ đồng do không khảo sát đầy đủ nhu cầu thị trường nên dự án hiện vẫn còn dở dang, chưa hoặc không thể đưa vào khai thác.

Đặc biệt, tiến độ đầu tư theo quy hoạch phát triển hệ thống điện quốc gia giai đoạn 2006 – 2015 (tổng sơ đồ 6) trong 2 năm (2006 – 2007) còn chậm.

Cụ thể, với 6 dự án nguồn điện, EVN chỉ đảo bảo tiến độ (năm) được 3 dự án (Đuôi hơi Phú Mỹ 2.1MR), Thủy điện Sê San 3, Thủy điện Quảng Trị), còn 2 dự án (Thủy điện Tuyên Quang 1, Thủy điện Đại Ninh) chậm tiến độ đến năm 2008 mới đưa vào vận hành, dự án Nhiệt điện Uông Bí MR1 đưa vào vận hành năm 2007 thường xuyên bị sự cố chưa thể phát điện ổn định.

Đó là chưa kể, một số công trình nguồn điện chưa đến thời hạn đưa vào vận hành nhưng không đạt tiến độ mục tiêu do các hạng mục công trình bị chậm như Thủy điện Bản Vẽ, Huội Quảng, Bản Chat, Sông Tranh 2, Sông Ba hạ, An Khê – KaNak, Sêsan 4, Đồng Nai 3, Đồng Nai 4, sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phát điện các năm tới theo kế hoạch.

Theo tính toán của Kiểm toán Nhà nước: “Nếu số lãi từ đầu tư ra ngoài của EVN mà đem đầu tư vào điện thì cũng xây dựng được một nhà máy nhiệt điện có công suất khoảng 50 Mgw.

Do vậy, trong khi nhu cầu về điện vẫn đang có xu hướng căng thẳng, chúng tôi đã khuyến cáo EVN là cần phải tập trung huy động các nguồn lực để phục vụ cho nhiệm vụ sản xuất kinh doanh chính, tái cơ cấu lại các khoản đầu tư để tập trung cho sản xuất điện”, Tổng Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh.

Nguyễn Hiền (dantri.com.vn)

 

Bình luận (0)