Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

EVN mua điện của nhà máy đường: “Bán thì bán, không bán thì thôi”

Tạp Chí Giáo Dục

Việc độc quyền mua điện và ấn định giá của EVN khiến các nhà máy đường không thể đầu tư nâng công suất phát điện nhằm khắc phục phần nào tình trạng thiếu điện.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Năm 2007, nhà máy đường Sóc Trăng (Sóc Trăng) đầu tư 40 triệu USD (khoảng 80 tỉ đồng) mua sắm thiết bị cho dự án xây dựng nhà máy phát điện. Theo tính toán, với việc tận dụng nguyên liệu bã mía sẵn có, nếu bán được giá điện 1.500 đồng/kWh cho EVN thì sau 10 năm thu hồi vốn. Nhưng, cũng giống như các nhà máy đường khác, do EVN trả giá điện quá thấp nên hiện nay Đường Sóc Trăng đang gồng mình trả lãi ngân hàng…

Không bán thì thôi!

Ông Trịnh Minh Châu, tổng giám đốc nhà máy đường Sóc Trăng, cho biết nếu không bỏ ra 80 tỉ đồng (vốn tự có 50 tỉ, còn lại vay ngân hàng) mua thiết bị lò hơi turbin cao áp phát điện, thì mỗi năm, một lượng lớn bã mía thải ra không những bị lãng phí mà Sóc Trăng còn tốn thêm khoản tiền xử lý để khỏi gây ô nhiễm môi trường.

Việc đầu tư nhà máy phát điện, do đó, vừa đem lại nguồn thu từ bán điện, vừa giúp Sóc Trăng có thể đảm bảo đủ điện để nâng công suất nhà máy từ 2.500 tấn mía nguyên liệu/giờ lên 3.000 tấn.

“Đầu năm 2007 chúng tôi lập dự án, giữa năm nhập máy móc thiết bị từ Trung Quốc về, một năm sau là xây xong nhà máy”, ông Châu nhớ lại. 

Thế nhưng, ông Châu lại không thể ngờ rằng, thời gian xây dựng nhà máy, phần việc được coi là khó nhất lại diễn ra nhanh bao nhiêu, thì khi đàm phán với EVN để lấy chữ ký bán điện lại vô cùng trần ai. Ông Châu kể: suốt hai năm trời ròng rã (2008 – 2009), ông lặn lội không biết bao nhiều lần lên tổng công ty điện lực miền Nam (thuộc EVN) ở TP.HCM làm thủ tục bán điện. Từng con ốc vít, cầu dao đóng ngắt điện cho đến các thiết bị máy móc khác đều phải đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật do EVN đưa ra. Nhưng khó khăn nhất vẫn là khâu đàm phán giá điện.

“Họ bắt nhà máy tính toán chi li giá thành đầu vào, đầu ra trên mỗi kWh điện. Sau khi có con số tính toán, chúng tôi đề nghị giá bán 1.500 đồng/kWh mới đảm bảo thu hồi vốn, nhưng họ chỉ ra giá 660 đồng/kWh và họ nói nếu không bán giá đó thì thôi”, ông Châu ấm ức nói.

Niên vụ mía 2010 – 2011, Sóc Trăng bán hơn 6 triệu kWh điện cho EVN chỉ thu về 4 tỉ đồng so với khoản vay đầu tư phải trả lãi ngân hàng là 6 tỉ đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Lộc, tổng giám đốc công ty cổ phần đường Biên Hoà, trong quá trình đàm phán với các nhà máy, EVN luôn coi điện sản xuất từ bã mía là nguồn năng lượng dư thừa của ngành đường, không tốn chi phí mua nguyên liệu, phát không ổn định nên đưa ra mức giá mua quá thấp, chẳng khác gì “giá chết đói”.

Một số giám đốc nhà máy đường cũng cho rằng, việc đàm phán, thương thảo giá bán điện với EVN chỉ mang tính hình thức. Vì EVN nắm độc quyền, nên giá điện do họ tự đưa ra chứ nhà máy không có tiếng nói.

Mỗi nơi mỗi giá

Từ rất lâu, tất cả các nhà máy đường đều có hệ thống đồng phát điện từ bã mía. Trước đây, do chưa có nhu cầu bán điện nên hầu hết các hệ thống này đều sử dụng lò hơi turbin áp lực thấp, nguồn điện sản sinh ra, do đó, chỉ có khả năng tự cung ứng năng lượng hơi và điện cho dây chuyền chế biến đường.

Tiền chúng tôi không thiếu, nhưng với cơ chế mua điện như hiện nay thì đầu tư sẽ rất khó hoàn vốn.

Thời gian gần đây, do nhu cầu nâng công suất chế biến đường, một vài nhà máy tự bỏ tiền đầu tư nâng cấp, nên có khả năng bán một lượng nhỏ điện thặng dư ra lưới.

“Công ty cổ phần đường Biên Hoà lập dự án đầu tư mua sắm thiết bị phát điện cách nay vài năm. Tiền chúng tôi không thiếu, nhưng với cơ chế mua điện như hiện nay thì đầu tư sẽ rất khó hoàn vốn”, ông Lộc nói.

Ông Đỗ Thành Liêm, tổng giám đốc nhà máy đường Khánh Hoà cũng cho hay, hợp đồng mua bán điện có thời hạn một năm và ông rất sợ mỗi khi phải đàm phán ký lại. “Câu trả lời cuối cùng của họ lúc nào cũng chốt lại là giá đó anh bán thì bán, không thì thôi!”, ông Liêm bức xúc nói.

EVN mua điện kiểu như vậy nên mỗi nơi có giá khác nhau. Giá điện mua của nhà máy đường Khánh Hoà trung bình chỉ 520 đồng/kWh, của Sóc Trăng, Gia Lai, Bourbon là 660 đồng, trong khi Lam Sơn gần 700 đồng.

Ông Nguyễn Văn Lộc nói rằng công ty cổ phần đường Biên Hoà đang rất muốn triển khai dự án xây dựng nhà máy phát điện hiện đại nếu được EVN trả giá điện hợp lý, như họ mua của Trung Quốc giá 7 cent, của PVN 9 cent/kWh.

Ông đề nghị EVN phải có cơ chế thu mua giá điện hợp lý, và cần sự điều tiết của Nhà nước sao cho giá bán điện tương đồng với các nước trong khu vực, tức khoảng 7 cent USD/kWh. Trong điều kiện hiện nay, ông Lộc cho rằng, nếu Nhà nước vẫn để EVN độc quyền mua bán điện và không có chính sách ưu đãi thì rất khó kêu gọi các nhà máy đường đầu tư.

 Hoàng Bảy (Theo Dantri)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)