Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

EVN vẫn nợ các công ty thành viên của dầu khí 14.000 tỉ đồng

Tạp Chí Giáo Dục

 Tại buổi họp báo quý 3/2012 chiều 8.10, ông Phùng Đình Thực, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN (PVN) cho biết Tập đoàn Điện lực VN (EVN) vẫn đang nợ các công ty thành viên của dầu khí (trong đó chủ yếu là nợ tiền mua điện của PV Power) 14.000 tỉ đồng. PVN đã đề nghị EVN phải trả dần để giảm bớt khó khăn cho các công ty trên, tuy nhiên rất “khó hy vọng đòi được ngay”.

Ông Thực cũng cho biết, tính đến thời điểm này, PVN đã đầu tư ra nước ngoài 5,28 tỉ USD, vốn đã chuyển ra nước ngoài để thực hiện là 1,81 tỉ USD. Sản lượng khai thác ở nước ngoài tính đến tháng 9.2012 là 2,02 triệu tấn dầu quy đổi, doanh thu dầu khí đạt 1,03 tỉ USD, doanh thu kinh doanh xăng dầu là 1,577 tỉ USD. Tổng doanh thu ở nước ngoài là 2,61 tỉ USD, lợi nhuận đã chuyển về nước (chưa tính phần được quay vòng tái đầu tư) là 282 triệu USD (ngoài ra, dự án Nhenhetxky – Nga lợi nhuận PVN thu về được khoảng 130 – 140 triệu USD).
Theo lộ trình tái cơ cấu, PVN sẽ giảm từ 29 công ty con giảm còn 24 công ty con, công ty liên kết giảm từ 206 còn 126 công ty, không còn công ty cấp 5 và các công ty liên kết cấp 3-4. PVN đang thực hiện thoái vốn dần tại Tổng công ty (TCT) CP Tài chính dầu khí VN (PVFC) từ nay đến năm 2015, theo đó PVFC đang tìm kiếm một ngân hàng phù hợp để thực hiện việc sáp nhập. PVN cũng sẽ dần thoái vốn hoàn toàn khỏi ngân hàng Ocean Bank.
Ông Thực cũng cho biết, việc chuyển đổi mô hình lãnh đạo của một số công ty trực thuộc theo chỉ đạo của Chính phủ rất phức tạp. Cuối tháng 9, PVN đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin giãn tiến độ thực hiện. Theo đó, PVN còn tồn tại 5 TCT TNHH một thành viên, tức là 100% vốn tập đoàn là: TCT Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP), TCT điện lực dầu khí, Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nhà máy đóng tàu Dung Quất và PV Oil. Quy mô, vốn điều lệ của các TCT này đều rất lớn, như PVEP vốn điều lệ là 45.000 tỉ đồng, Dung Quất 35.000 tỉ đồng. “Chức danh Tổng giám đốc và Chủ tịch Hội đồng thành viên nếu dồn vào tay một người thì rủi ro rất lớn. Khi hình thành hội đồng thành viên, Tập đoàn đã phân cấp rất mạnh, bây giờ nếu giao vào tay một người thì phải phân cấp lại, có thể sinh ra tình trạng quan liêu. Công tác cán bộ mở ra thì dễ, thu vào thì còn khó khăn”, ông Thực cho biết.
Theo TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)