Ra mắt 10 năm trước, tác phẩm của Alex Garland được xem là có tính dự báo và kích thích tư duy về chủ đề trí tuệ nhân tạo (AI) đang rất được quan tâm.
Tháng Tư vừa qua, những người hâm mộ điện ảnh đổ dồn sự quan tâm vào bộ phim Civil War (tựa tiếng Việt: Ngày tàn của đế quốc). Tác phẩm này gây tranh cãi khi mô tả một nước Mỹ bị chia rẽ trong nội chiến. Dù tình huống phim là hư cấu, cách tác phẩm mô tả những bất đồng trong lòng nước Mỹ được xem là tấm gương phản chiếu các vấn đề xã hội có thật.
Ở ghế đạo diễn của Civil War là Alex Garland – một nhà làm phim nổi tiếng với những tác phẩm đi trước thời đại. Phim Ex Machina (tựa tiếng Việt: Người máy trỗi dậy, 2014) của ông từng nhận vô số lời khen và trở thành hiện tượng bất ngờ năm đó. Tác phẩm này thường xuyên được xem là một trong những phim khoa học viễn tưởng hay nhất mọi thời đại. Đặc biệt hơn nữa là cốt truyện bàn về trí tuệ nhân tạo qua những tình tiết độc đáo và mới lạ ở thời điểm phim ra mắt. 10 năm sau, khi AI ngày càng được quan tâm, Ex Machina càng được yêu thích hơn bởi những dự báo của nó.
3 diễn viên chính của phim. Ảnh: Internet
Nhận thức hay không nhận thức?
Caleb được giao nhiệm vụ tối mật là tìm hiểu xem Ava có thể tự nhận thức không. Khi tiếp xúc với Ava, Caleb ngày càng thân thiết với cô. Trong khi đó, Ava bày tỏ mong muốn được trải nghiệm thế giới bên ngoài và cả những sự quan tâm lãng mạn dành cho Caleb. Bất ngờ, trong một lần ngừng hoạt động, Ava nói với Caleb rằng Nathan là kẻ nói dối và không thể tin cậy được. Chính Caleb cũng ngày càng khó chịu với tính kiêu ngạo và yêu bản thân quá mức của Nathan.
Điểm thú vị nhất của Ex Machina là đi sâu vào ý nghĩa của việc tạo ra AI, đặc biệt là mối quan hệ giữa con người và máy móc. Chủ đề về AI là trung tâm của cốt truyện và trở thành phương tiện để khám phá những câu hỏi triết học, đạo đức phức tạp.
Xuyên suốt phim, nhân vật Ava liên tục khiến người xem băn khoăn về định danh của cô. Tác phẩm trình hiện câu hỏi liệu AI có thể phát triển ý thức và khả năng tự nhận thức giống như con người. Được giao nhiệm vụ, Caleb tương tác với Ava và bắt đầu hình thành mối liên hệ với cô. Có những khoảnh khắc, anh cảm thấy cô đã mang đầy đủ tư cách một sinh vật có ý thức.
Bàn về nhận thức của Ava, có một tình tiết rất thú vị trong phim. Đó là khi Nathan hỏi Caleb rằng: “Liệu Ava thật sự thích anh hay chỉ giả lập để thích anh?”. Theo Nathan, chỉ khi Ava thật sự có cảm xúc với Caleb thì mới có thể được xem là một AI đích thực (có những rung động của con người).
Bộ phim bàn về những viễn cảnh của trí tuệ nhân tạo. Ảnh: Internet
Bộ phim không giải đáp triệt để câu hỏi này nhưng để lại một gợi ý còn đáng sợ hơn cho người xem, rằng: “Liệu 2 chuyện đó có gì khác biệt?”. Nghĩa là nếu một người máy có thể giả lập cảm xúc tinh vi đến mức mô phỏng hoàn toàn biểu hiện của người thật, chính con người cũng không thể phân biệt được. Lúc đó, con người sẽ phải đối mặt câu hỏi hiện sinh rằng liệu mình có gì đặc biệt hơn những cỗ máy kia, khi mà “thành trì” cuối cùng là cảm xúc cũng có thể bị AI mô phỏng.
Thông qua tình thế tiến thoái lưỡng nan về đạo đức của Caleb và hành động của Ava, bộ phim khám phá những câu hỏi xung quanh việc đối xử với AI và trách nhiệm của người sáng tạo đối với những sản phẩm của họ. Nó làm dấy lên mối lo ngại về những hậu quả tiềm ẩn của việc thúc đẩy công nghệ AI mà không xem xét đến các tác động đạo đức.
Mượn chuyện người máy bàn về triết học
Ex Machina cũng nhắc đến một lời tiên tri đã trở nên phổ biến trong vài năm qua: AI rồi sẽ thay thế con người làm chủ thế giới. Chúng được làm rõ hơn qua một đoạn hội thoại của nhân vật Nathan: “Một ngày nào đó, AI sẽ nhìn lại chúng ta giống như cách chúng ta nhìn những bộ xương hóa thạch trên đồng bằng châu Phi. Một loài vượn đứng thẳng sống trong cát bụi với ngôn ngữ và công cụ thô sơ chắc chắn hướng đến tuyệt chủng”. Sự đáng sợ không nằm ở chỗ dự báo về sự suy tàn của loài người mà ở chỗ có thể chúng ta rồi sẽ đến lúc chẳng thể hiểu nổi AI, như cách loài vượn không thể hiểu được chúng ta.
Qua đó, Ex Machina thách thức người xem suy nghĩ về tương lai của công nghệ và những hậu quả tiềm ẩn. Nó đặt ra câu hỏi về ý thức, quyền tự chủ và trách nhiệm của giới công nghệ đối với những sáng tạo của họ, cũng như thảo luận về những tình huống khó xử về mặt đạo đức do AI đặt ra. Những câu hỏi của bộ phim ra mắt năm 2014, đến nay ngày càng trở nên rõ ràng hơn trên đà phát triển của AI.
Tạo hình độc đáo của nhân vật Ava. Ảnh: Internet
Ở góc độ khác, chủ đề trí tuệ nhân tạo trong Ex Machina đưa người xem đi sâu vào các câu hỏi về bản ngã, danh tính, quyền tự chủ cũng như mối quan hệ giữa con người và máy móc. Con người vốn có quyền tự chủ với vận mệnh của mình nhưng AI liệu có thể được trao quyền tương tự nếu được chứng minh là cũng có khả năng nhận thức? Liệu trong con người – vốn là một hệ thống sinh học – có thật sự tồn tại một thành tố đặc biệt nào đó để đặt mình ở vị trí cao hơn robot – vốn là một hệ thống máy móc?
Dù mang nhiều triết lý, Ex Machina không phải một tác phẩm khô khan hay giáo điều. Trái lại, đạo diễn Alex Garland đã khéo léo biến nó thành một bộ phim điện ảnh cân bằng được cả phần nhìn bề nổi và chiều sâu ý nghĩa. Phim có bối cảnh tối giản ở dinh thự của Nathan, tạo ra không khí hơi đáng sợ và tù túng. Trong khi đó, thiết kế đẹp mắt của Ava gây ấn tượng về mặt thị giác về sự pha trộn giữa máy móc và hình dáng con người. Dù kinh phí chỉ 15 triệu USD, năm đó Ex Machina đã làm nên kỳ tích khi đánh bại những phim bom tấn có ngân sách hơn 100 triệu USD ở hạng mục kỹ xảo của Oscar.
Màn thể hiện lôi cuốn của các diễn viên cũng nâng tầm một bộ phim vốn đòi hỏi nhiều chiều sâu nội tâm. Oscar Isaac hóa thân một nhà khoa học lập dị với phức cảm tự tôn, luôn xem mình là trung tâm và muốn tạo ra một AI đột phá về nhận thức, bất chấp những nguy hiểm nó có thể gây ra cho con người. Nhân vật của Domhnall Gleeson thì gần gũi với chúng ta, phản ứng giống như một người bình thường bị đặt vào những hoàn cảnh dị thường.
2 nhân vật Nathan (phải) và Caleb (trái) có tính cách khá tương phản trong phim. Ảnh: Internet
Dù vậy, diễn xuất của Alicia Vikander mới là độc đáo nhất phim. Thử thách đặt ra cho cô là phải diễn một kiểu nhân vật chưa từng tồn tại ngoài đời thật. Ava phải có những nét của phụ nữ thật sự (bao gồm cả việc thao túng tâm lý đàn ông) lẫn những biểu hiện của máy móc. Cách Vikander hòa quyện 2 điều này đã chinh phục giới phê bình, mang lại cho cô một đề cử ở giải BAFTA.
Theo dõi hành trình của Ava, người xem như mê hoặc theo những biểu cảm, xen lẫn cảm giác hồi hộp khi khó dự đoán hành động tiếp theo. Nhân vật nữ robot mang đến cả sự bí ẩn, phấn khích, xen lẫn cảm giác sợ hãi, như chính hành trình hiện tại của trí tuệ nhân tạo.
Theo Ân Nguyễn/PNO
Bình luận (0)