Mới đây, trong kỳ kiểm tra học kỳ I môn ngữ văn ở khối lớp 8, Phòng GD-ĐT một quận đã ra đề có câu như sau: “Có một “nghề” không bao giờ nghỉ lễ/ Đó là nghề làm Cha Mẹ/ Hãy phụ giúp người dù cánh tay nhỏ bé, dù túi tiền không đầy/ Dù cách xa hàng trăm kilômét…/ Vẫn luôn luôn có cách để người vui. (Trích từ facebook của thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu). Hãy viết một văn bản khoảng một trang giấy thi trình bày suy nghĩ của em về vấn đề được gợi ra từ văn bản trên”.
Câu hỏi của đề thi ngữ văn trên, thật sự là một đổi mới trong cách ra đề để góp phần cho việc đổi mới dạy và học văn ở nhà trường phổ thông hiện nay. Đề thi lấy từ một “status” trên facebook đã gây ấn tượng mạnh cho học sinh khi đọc đề. Học sinh đã phải đọc đi đọc lại những dòng chữ ngắn ngủi ấy để hiểu rõ, để cảm nhận hết nội dung, tình cảm mà người viết đã bộc lộ trên trang facebook của mình. Từ đó, các em mới có thể trình bày được suy nghĩ của mình trên trang giấy. Không một sự áp đặt nào, không một bài văn mẫu nào, các em đã là chính mình. Các em tha hồ bay bổng trên trang giấy theo khả năng cảm thụ văn học và năng lực viết văn của bản thân. Với cách ra đề như thế, những bài văn như “sinh sản vô tính” chắc chắn sẽ không còn xuất hiện trong bài làm của học sinh.
Đề văn lại nhắc đến công ơn của đấng sinh thành và lòng hiếu thảo như nhiều đề văn trước đây nhưng nó thật mới mẻ, không đơn điệu trong lời lẽ, trong cách hành văn. Nó đã kích thích được sự hứng thú cho học sinh, nó thật sự tác động đến khả năng đọc hiểu, suy nghĩ của các em. Và hơn thế nữa, đề thi đã khéo léo giáo dục học sinh khi tham gia facebook. Các status trên facebook không phải là những lời sáo rỗng, vô bổ, nhảm nhí thường xuất hiện dày đặc trên các trang facebook hiện nay mới làm mọi người quan tâm, “like” nhiều. Những status có ý nghĩa mới thật sự làm cho mọi người yêu thích, “share” nhiều và thậm chí nó đã được đưa vào đề kiểm tra.
Đổi mới dạy ngữ văn trong trường phổ thông đã thật sự có bước tiến triển mạnh mẽ ngay trong cách ra đề. Đề văn không đi vào lối mòn, sự cập nhật thực tế cuộc sống đưa vào đề thi không chỉ đã tạo hứng thú cho người học mà còn làm thay đổi phương pháp dạy ở người dạy.
Lê Phương Trí
Bình luận (0)