“Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài”, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trong buổi họp báo sáng ngày 30/12 đã nhìn nhận như vậy.
Trong năm 2010, vốn đăng ký cả cấp mới và tăng vốn đạt 18,595 tỷ USD; vốn thực hiện đạt 11 tỷ USD, trong đó vốn phía nước ngoài khoảng 8 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2009 (so với 7,3 tỷ USD) và vượt dự kiến cho năm nay.
Thu hút vốn FDI năm 2010 sẽ tập trung hơn vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.
Cũng trong năm 2010, các doanh nghiệp FDI đã nộp ngân sách nhà nước 3,1 tỷ USD, tăng 26% so với năm 2009, vượt 6% kế hoạch và đóng góp 18,4% tổng thu ngân sách nội địa. Các doanh nghiệp FDI cũng tạo tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Tính đến nay, lĩnh vực FDI sử dụng 1,9 triệu lao động trực tiếp và hàng triệu việc làm gián tiếp khác, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết.
Cơ quan này dự báo, vốn FDI thực hiện trong năm 2011 có thể đạt 11-11,5 tỷ USD, trong đó vốn phía nước ngoài đạt khoảng từ 8-8,5 tỷ USD; vốn đăng ký năm 2011 đạt khoảng 20 tỷ USD.
Tuy nhiên, thu hút đầu tư nước ngoài năm tới sẽ có nhiều thay đổi khá căn bản.
Về định hướng thu hút đầu tư nước ngoài năm tới, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương sẽ chú trọng vào nâng cao chất lượng các dự án FDI mà không chạy theo số lượng; thu hút có chọn lọc với trọng tâm là các dự án cơ sở hạ tầng, dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch và có khả năng tạo ra các sản phẩm có cứ cạnh tranh; các dự án sản xuất hàng xuất khẩu; các dự án phát triển ngành công nghiệp phụ trợ; dự án có khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Một điều chỉnh đáng lưu ý khác, trong năm tới xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài sẽ theo từng chuyên đề, thao ngành, lĩnh vực và theo vùng miền, tận dụng tối đa tiềm năng, thế mạnh của vùng miền và giảm thiểu đầu tư theo phong trào, theo thành tích.
Bên cạnh đó, công tác thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư cũng như kiểm tra, giám sát hoạt động đầu tư nước ngoài sẽ được tăng cường hơn. Các dự án đầu tư quy mô lớn, sử dụng nhiều đất, có khả năng gây ô nhiễm môi trường, sử dụng nhiều tài nguyên khoáng sản khôngcó chế biến sâu, dự án tiêu tốn năng lượng… sẽ được xem xét kỹ hơn và chặt chẽ, đảm bảo sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong nước.
“Những dự án chậm triển khai sẽ được phân loại để có biện pháp phù hợp, trong đó có việc xem xét rút giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật”, Cục cho biết.
Nguồn VNECONOMY
Bình luận (0)