Ngày 20.3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố giữ nguyên lãi suất của Mỹ trong khi tiếp tục đánh giá tác động của lãi suất vốn đang ở mức cao nhất trong 25 năm đối với việc hạ nhiệt lạm phát và nền kinh tế nói chung.
Chủ tịch FED Jerome Powell.
Sau cuộc họp kéo dài 2 ngày, FED tuyên bố lãi suất sẽ không đổi, giữ nguyên ở mức 5,25% đến 5,5% từ tháng 7 năm ngoái. Tuy nhiên, FED phát đi tín hiệu về triển vọng cắt giảm lãi suất 3 lần trong năm nay. Chủ tịch FED Jerome Powell chỉ ra, ngân hàng Trung ương có thể sớm bắt đầu cắt giảm lãi suất sau chuỗi tăng nhằm ứng phó với tình trạng giá cả tăng vọt do đại dịch COVID-19.
"Các chỉ số gần đây cho thấy hoạt động kinh tế đang mở rộng với tốc độ vững chắc. Tăng việc làm vẫn ở mức cao và tỉ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp. Lạm phát đã giảm bớt trong năm qua, nhưng vẫn ở mức cao" – FED nêu trong thông cáo.
Trước đó, theo The Guardian, các nhà kinh tế dự đoán FED sẽ cắt giảm lãi suất 3 lần trong năm nay nhưng vẫn còn nghi ngại bởi tốc độ giảm lạm phát đang chậm lại – ở mức 3,2% – vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của FED.
Chia sẻ trong cuộc họp báo, ông Powell nhấn mạnh, Ủy ban Thị trường mở liên bang muốn xem thêm dữ liệu để khẳng định chắc chắn hơn lạm phát đang giảm bền vững xuống mức 2%.
"Hiện chúng tôi chưa thấy điều này trong dữ liệu" – ông nói.
"Hiện chúng tôi chưa thấy điều này trong dữ liệu" – ông nói.
FED có nhiệm vụ kép: Ổn định giá cả và tối đa hóa việc làm. Việc tuyển dụng ở Mỹ vẫn mạnh dù lãi suất cao hơn. Mỹ đã bổ sung thêm 275.000 việc làm mới trong tháng 2.2024 và dù tỉ lệ thất nghiệp tăng lên 3,9% nhưng vẫn duy trì ở mức dưới 4% trong 2 năm, chuỗi dài nhất kể từ sau năm 1975.
Lạm phát ở Mỹ đã giảm từ mức trên 9% vào tháng 6.2022 nhưng tăng nhẹ vào tháng trước do chi phí nhà ở, giá vé máy bay, quần áo và các mặt hàng khác đều tăng.
Wall Street Journal cho hay, thị trường chứng khoán tăng lên mức cao mới vào 20.3 khi các quan chức FED tái khẳng định dự báo sẽ cắt giảm lãi suất 3 lần trong năm nay. Ngày 20.3, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq Composite lần đầu đóng cửa ở mức cao kỷ lục kể từ tháng 11.2021 – thời điểm ngay trước khi FED chuyển sang chính sách thắt chặt hơn.
Theo CME Group, vào cuối ngày 20.3, kỳ vọng FED sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 6.2024 đã tăng lên khoảng 75% tại các thị trường tương lai, tăng so với mức gần 50% ghi nhận vào đầu tuần này.
Các dự báo của FED từng là chủ đề được thảo luận sôi nổi tại Phố Wall bởi chỉ số lạm phát trong tháng 1 và tháng 2 năm nay có xu hướng tăng lên, làm gián đoạn chuỗi giảm ghi nhận nửa cuối năm ngoái. Điều đó đặt ra câu hỏi về việc liệu lạm phát có quay trở lại được mức mục tiêu 2% nhanh như các quan chức và nhà đầu tư dự đoán hay không. Lạm phát vẫn cao sẽ làm ảnh hưởng tới khả năng hạ lãi suất.
Thị trường lạc quan bởi hầu hết các quan chức FED duy trì dự báo lãi suất và điều chỉnh không đáng kể dự báo về lạm phát và tăng trưởng trong năm nay. Chỉ có 2 trong số 19 quan chức của FED dự báo không có đợt cắt giảm lãi suất nào trong năm nay và 2 quan chức khác dự báo có 1 lần cắt giảm lãi suất. Phần lớn các quan chức FED dự kiến giảm lãi suất chậm hơn vào năm 2025, với lãi suất ở mức dưới 4% vào cuối năm 2025, sau đó ở mức trên 3%.
FED bắt đầu tăng lãi suất từ mức gần 0 cách đây 2 năm và nâng lãi suất với tốc độ nhanh nhất trong vòng 40 năm để chống lạm phát trong bối cảnh lạm phát lên mức cao nhất trong 4 thập kỷ. Lần tăng lãi suất gần nhất của FED là tháng 7.2023.
Wall Street Journal nhận định, các quan chức FED đang đối mặt với 2 vấn đề. Một là nới lỏng chính sách lãi suất quá sớm khiến lạm phát neo ở mức cao hơn mục tiêu 2%. Hai là hành động quá chậm khiến nền kinh tế chịu tổn hại vì sức nặng của lãi suất cao.
PV (theo laodong)
Bình luận (0)