Hội nhậpThế giới 24h

FED sắp xoay trục chính sách lãi suất

Tạp Chí Giáo Dục

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến thực hiện ít nhất 3 lần giảm lãi suất trong năm 2024 và một số chuyên gia kỳ vọng bước đi này có thể bắt đầu từ tháng 3

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chuẩn bị xoay trục chính sách lãi suất sau khi kiềm chế được lạm phát mà chưa để xảy ra suy thoái kinh tế hoặc tình trạng thất nghiệp đáng kể.

Theo sau cuộc họp kéo dài 2 ngày, FED hôm 13-12 đã quyết định duy trì lãi suất cơ bản trong phạm vi 5,25% – 5,5%, mức cao nhất trong 22 năm qua. Đây là cuộc họp thứ 3 liên tiếp FED có bước đi như thế.

Trước đó, FED đã tăng lãi suất 11 lần kể từ tháng 3-2022 để đối phó lạm phát tăng cao. Giờ đây, giới chức FED cho biết lạm phát có thể hạ nhiệt trong năm tới với tốc độ nhanh hơn so với ước tính trước đó.

Cụ thể, FED đã hạ dự báo về chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (CPI) lõi – thước đo lạm phát ưa thích của cơ quan này – còn 2,4% trong năm 2024, sau đó tiếp tục giảm còn 2,2% vào năm 2025 và mức mục tiêu 2% trong năm 2026.

Cùng với đó, FED cũng để ngỏ khả năng thực hiện một loạt đợt giảm lãi suất trong thời gian tới. Cụ thể, theo đài CNBC, FED dự kiến thực hiện ít nhất 3 lần giảm lãi suất trong năm 2024 và một số chuyên gia dự báo bước đi này có thể bắt đầu từ tháng 3. Sau đó, FED sẽ có 4 lần cắt giảm lãi suất vào năm 2025 và 3 lần trong năm 2026. Nếu mọi chuyện diễn ra như kế hoạch, lãi suất khi đó sẽ giảm còn 2% – 2,25%.

Màn hình hiển thị cuộc họp báo của Chủ tịch FED Jerome Powell tại Sở Giao dịch chứng khoán New York (NYSE) ở TP New York - Mỹ hôm 13-12 Ảnh: REUTERS

Màn hình hiển thị cuộc họp báo của Chủ tịch FED Jerome Powell tại Sở Giao dịch chứng khoán New York (NYSE) ở TP New York – Mỹ hôm 13-12. Ảnh: Reuters

Phản ứng trước động thái của FED, phố Wall chứng kiến 3 chỉ số quan trọng của Mỹ – gồm Dow Jones, S&P 500, Nasdaq Composite – đều đạt mức cao mới trong 52 tuần qua trong phiên giao dịch ngày 13-12 (giờ địa phương).

 Tương tự, hầu hết thị trường chứng khoán ở châu Á đều tăng điểm ngày 14-12. Các thị trường chứng khoán ở châu Âu cũng phản ứng tích cực trước tín hiệu từ FED về khả năng cắt lãi suất trong năm tới.

Những nhà đầu tư cũng theo dõi chặt chẽ các quyết định chính sách tiền tệ mới từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Theo đài CNBC, lạm phát tại châu Âu giảm còn 2,4% trong tháng 11.

Với việc lạm phát giảm nhanh hơn dự kiến, các nhà đầu tư kỳ vọng ECB sẽ cắt giảm lãi suất (hiện ở mức 4%) vào năm tới. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng động thái này có thể bắt đầu sớm nhất là vào tháng 3-2024. Còn theo cuộc thăm dò của Reuters, 57% trong số 90 chuyên gia được hỏi cho rằng việc giảm lãi suất này sẽ xảy ra vào tháng 6-2024.

Trong khi đó, tại cuộc họp ngày 14-12, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) quyết định duy trì lãi suất ở mức 5,25%. Đây là cuộc họp thứ 3 liên tiếp BOE có quyết định này.

Ngoài ra, BOE được cho là có thể cắt giảm lãi suất muộn hơn cả FED và ECB, nhất là khi lạm phát ở Anh hiện cao hơn ở Mỹ và 20 quốc gia EU đang sử dụng đồng euro. BOE đã giảm được lạm phát từ mức trên 11% (cao nhất trong 4 thập kỷ) còn 4,6% hồi tháng 10 nhưng vẫn còn chặng đường dài phía trước để đưa con số này về mức mục tiêu 2%.

Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) dự báo BOE sẽ cắt giảm lãi suất mạnh trong năm 2024 và con số này sẽ giảm còn 3,75% vào cuối năm 2024, so với mức 5,25% hiện nay. Bà Gurpreet Gill, chuyên gia tại Công ty Quản lý tài sản Goldman Sachs Asset Management (Mỹ), dự đoán đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của BOE sẽ diễn ra vào tháng 5-2024. 

Nhật Bản sẽ duy trì chính sách lãi suất âm?

Các nhà đầu tư đang chờ đợi kết quả cuộc họp sắp tới của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) với hy vọng có thêm manh mối về thời điểm chấm dứt chính sách lãi suất âm. Theo Reuters, tại cuộc họp diễn ra trong 2 ngày 18 và 19-12, BOJ dự kiến vẫn tiếp tục định hướng lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% trong bối cảnh lạm phát hằng tháng vẫn cao hơn mục tiêu ngân hàng này đề ra (2%) kể từ tháng 4-2022.

Cuộc khảo sát mới nhất của BOJ cho thấy chỉ số niềm tin của doanh nghiệp Nhật Bản trong quý IV/2023 đạt mức cao nhất kể từ tháng 3-2022. Dù vậy, một số nhà hoạch định chính sách chỉ ra tiêu dùng đang có những dấu hiệu suy yếu, trong lúc kinh tế toàn cầu còn chưa ổn định. Theo họ, những diễn biến này đòi hỏi cần duy trì chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng như hiện nay.

Hội đồng chính sách của BOJ hiện chưa có tiếng nói chung về việc nên đợi bao lâu trước khi chấm dứt chính sách lãi suất âm. Một cuộc khảo sát hồi tháng 11-2023 của Reuters cho thấy hơn 80% chuyên gia được hỏi dự báo BOJ sẽ chấm dứt chính sách lãi suất âm vào năm tới, với một nửa chọn tháng 4 là thời điểm có thể xảy ra nhất. Một số người thậm chí cho rằng sự thay đổi chính sách có thể đến ngay trong tháng 1-2024.

Ông Shigeto Nagai, một cựu quan chức BOJ và hiện là chuyên gia tại Công ty Oxford Economics, cũng lựa chọn cột mốc tháng 4-2024, đồng thời dự báo lãi suất ngắn hạn khi đó sẽ được định hướng tăng lên mức 0%-0,1%. Tuy nhiên, quyết định của BOJ có thể chịu tác động bởi môi trường chính sách tiền tệ đang thay đổi, khi các ngân hàng trung ương ở Mỹ và châu Âu phát đi tín hiệu chấm dứt tăng lãi suất.

Hoàng Phương

Theo Xuân Mai/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)