Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Fitch giữ xếp hạng tín nhiệm B với Việt Nam

Tạp Chí Giáo Dục

Không chỉ giữ xếp hạng tín nhiệm, bộ phận nghiên cứu của Fitch tại Hong Kong (Trung Quốc) đánh giá triển vọng xếp hạng của VN ở mức ổn định, sau khi Chính phủ đạt được những thành công nhất định trong việc ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát.
Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch vừa đưa ra thông báo mới về xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam. Mức đánh giá đối với các khoản vay bằng đồng nội cũng như ngoại tệ của Chỉnh phủ đều được giữ ở mức B với triển vọng ổn định. Trần xếp hạng đối với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế của Việt Nam, theo đó, cũng được đặt ở ngưỡng B.

Theo Fitch, triển vọng xếp hạng ổn định là kết quả những thành công trong chính sách của Việt Nam nhằm khắc phục những bất ổn vĩ mô của giai đoạn 2010 – 2011. “Tuy nhiên, bất chấp những thành tựu đạt được trong việc kìm chế lạm phát, cán cân vãng lai cũng như ổn định tỷ giá, quá trình tái cơ cấu ngân hàng và doanh nghiệp Nhà nước nhất thiết phải được thúc đẩy nhanh hơn nữa”, Art Woo – Giám đốc châu Á – Thái Bình Dương của Fitch nhận định.
Các chuyên gia của hãng xếp hạng cho rằng những cải thiện vĩ mô của Việt Nam chủ yếu được mang lại nhờ việc thực hiện thành công Nghị quyết 11, khi giúp lạm phát giảm từ mức 23% (tính theo năm) vào tháng 8/2011 xuống còn 10,5% vào tháng 4 này. Fitch cũng dự báo CPI năm nay của Việt Nam khoảng 10%.
Cùng với lạm phát, cán cân vãng lai của Việt Nam cũng thặng dư 0,2% GDP trong năm 2011, cải thiện mạnh so với mức thâm hụt 4% của năm 2010. Dự trữ ngoại hối (tính cả vàng) theo ước tính của Fitch, đạt khoảng 16 – 17 tỷ USD vào cuối tháng 3 vừa qua, tăng khá mạnh so với mức 14,1 tỷ USD, theo báo cáo chính thức gần nhất vào tháng 11/2011.
Tuy vậy, điểm trừ đối với kinh tế Việt Nam chính là tốc độ tăng trưởng kinh tế, giảm xuống 4% trong quý I vừa qua, so với mức 6,1% vào quý IV/2011. Theo nhận định của Fitch, đây là nguyên nhân chính khiến Ngân hàng Nhà nước phải giảm lãi suất 2 lần trong những tháng vừa qua. Cùng với đó là một sổ bất ổn khác như tiêu dùng giảm, tốc độ cải cách ngân hàng và hệ thống doanh nghiệp Nhà nước còn nhiều hạn chế…
Hãng xếp hạng tín nhiệm đánh giá nếu việc thực hiện Nghị quyết 11 tiếp tục mang lại kết quả khả quan, cùng với đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế (đặc biệt là khu vực ngân hàng và doanh nghiệp Nhà nước), triển vọng thăng hạng của Việt Nam, so với mức B là hết sức sáng sủa. Tuy vậy, trong trường hợp lạm phát trượt sang mốc 2 con số, cộng với những thiệt hại nặng nề hơn trong lĩnh vực ngân hàng, nguy cơ rớt hạng tín nhiệm của nền kinh tế hoàn toàn có thể xảy ra.

Theo Nhật Minh ( VNE) 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)