Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

FOCI: Khẳng định bản sắc riêng

Tạp Chí Giáo Dục

Khởi đầu vào cuối năm 1997 từ một cơ sở may chuyên gia công, thương hiệu FOCI đến hôm nay đứng vững trên thị trường hàng may mặc nội địa, với hơn 60 cửa hàng trên toàn quốc phát triển theo hình thức nhượng quyền thương mại.

Đi trước hội nhập

Thời điểm FOCI ra đời, trên thị trường mới chỉ có vài thương hiệu thời trang trong nước như Nino, Hoàng Tấn. Nino nổi trội hơn về mẫu mã và giá khá cao, trong khi Hoàng Tấn tự chọn cho mình phân khúc khách hàng bình dân nên giá rẻ. Phân khúc còn lại trên thị trường như một cơ hội để anh Hồ Thế Sơn và chị Ngô Thị Báu khám phá và trải nghiệm làm nên thương hiệu FOCI. Khám phá vì cả hai đều không được học và đào tạo về may mặc và thời trang, nhưng sự trải nghiệm với cơ hội mà họ nắm bắt được đã tạo cho người tiêu dùng những sản phẩm may mặc thật trẻ trung và năng động.

Tự lựa chọn cho mình một phân khúc thị trường khó tính nhất rồi tự mày mò lựa chọn chất liệu, mẫu mã để làm sao có giá cả cạnh tranh nhất… Khâu tổ chức và quản lý sản xuất cũng chỉ có anh Sơn, chị Báu. Ngay đến cái tên FOCI cũng do anh Sơn nghĩ ra và tự vẽ logo cho thương hiệu.

Có thể nói FOCI là một trong những thương hiệu tiên phong ở Việt Nam về hình thức kinh doanh nhượng quyền, khi chưa ai nghĩ đến việc phát triển thương hiệu của mình theo cách đó.

Chị Báu nhớ lại, “Để đưa được sản phẩm ra thị trường thì cần có kênh phân phối, FOCI đã lựa chọn cho mình những đối tác phân phối với các tiêu chí về vốn, am hiểu thị trường và có khả năng quản lý, kinh doanh”. Chưa hề qua trường lớp về marketing, anh Sơn chị Báu “đánh bạc” sự nghiệp với cách nghĩ và cách làm của riêng mình. Chị Báu cho biết: “Với tiêu chí tất cả là một, tức là ở bất kỳ cửa hàng nào trong hệ thống FOCI khách hàng bao giờ cũng có được một sự hài lòng giống nhau, từ cách bày trí đến thái độ phục vụ của nhân viên bán hàng – FOCI đã trung thành và nhất quán trong việc phát triển đồng bộ một thương hiệu”. Với mỗi cửa hàng chuẩn bị ra mắt, không chỉ chuẩn bị mặt bằng, trang trí theo tiêu chí của FOCI, đích thân anh chị còn huấn luyện những kỹ năng, quy chuẩn quản lý, bán hàng cho nhân viên của các đại lý nhượng quyền này .

Lấy lòng người tiêu dùng

“Thời trang Việt còn thiếu vắng những thương hiệu để định hướng thị trường, và thiếu cả một xu hướng thời trang Việt”, chị Báu trăn trở. Cũng vì thế FOCI đã tự tìm cho mình một bản sắc riêng để chinh phục khách hàng. Ở FOCI bạn không chỉ mua được trang phục mà bạn còn mua được cả một phong cách trẻ trung năng động. “Điểm yếu của ngành thời trang Việt Nam, quên định hướng cho người tiêu dùng một xu hướng thời trang hay một phong cách thời trang Việt thông qua thương hiệu của các sản phẩm trong nước. Nếu không nhanh, thì sớm hay muộn các đại gia thời trang toàn cầu sẽ làm “giúp” mình điều đó”- chị Báu chia sẻ.

Sau gần 10 năm xuất hiện trên thị trường đến nay FOCI đã có được chỉ số nhận diện thương hiệu cao trong tâm trí của người tiêu dùng trong nước. Không giấu giếm tham vọng của mình, anh Sơn cho biết, FOCI sẽ phải có mặt tại thị trường châu ÂU, Australia, và đi xa hơn nữa. Cứ vài tháng một lần anh chị lại có một chuyến đi vài tuần đến các nước có ngành công nghiệp thời trang phát triển để học, để biết nhiều hơn về cách thức tiếp cận thị trường và làm sao để có thể vươn xa hơn. Mới trở về sau chuyến đi Mỹ dài ngày, chị Báu tâm sự: “Mình đang tính xin làm nhân viên của một thương hiệu có tiếng để hiểu tại sao lại có thể bán sản phẩm rẻ hơn nhiều so với giá thành trong những đợt giảm giá!

Hạ Lam (Doanh nhân – DĐDN cuối tuần)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)