Tự lập “Hợp đồng cấp phép sử dụng quyền liên quan đối với bản ghi âm, ghi hình”, tìm gặp từng ca sĩ bảo ký, sau đó thì… tự do sử dụng các bài hát mà không liên hệ nhà sản xuất băng đĩa.
Liên tục trên hai số báo ra ngày 28 và 29-10, Pháp Luật TP.HCM có những bài viết đề cập đến việc Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) chuẩn bị khởi kiện Tập đoàn Nokia, Tập đoàn FPT (gồm dịch vụ truyền hình qua Internet – IPTV của FPT Telecom, trang web nhacso.net thuộc FPT Online) về việc xâm phạm bản quyền hơn 10.000 tác phẩm âm nhạc thuộc sở hữu của các thành viên RIAV. Hôm qua (29-10), Pháp Luật TP.HCM tiếp tục nhận được nhiều phản ánh từ các ca sĩ, hãng ghi âm về một số hợp đồng “tắt” phía sau của FPT Online.
FPT Online ký hợp đồng ghi âm với ca sĩ!
Ngoài việc FPT Online sử dụng hơn 10.000 bản nhạc ở trang web Nokia Music – mp3.nhacso.net/nokia và dịch vụ iMusic của IPTV của các thành viên RIAV mà chưa được sự đồng ý của bất cứ đơn vị nào, FPT Online còn liên lạc trực tiếp với các ca sĩ để thương lượng bản quyền bản ghi.
Từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10, khi RIAV rục rịch đi đến quyết định khởi kiện, FPT Online đã soạn sẵn một hợp đồng với tên gọi “Hợp đồng cấp phép sử dụng quyền liên quan đối với bản ghi âm, ghi hình”, để trống số hợp đồng, ngày tháng ký. Sau đó, FPT Online cho nhân viên đến tìm gặp từng ca sĩ hoặc đại diện nhóm nhạc để ký hợp đồng. Sau khi hợp đồng được ký, ngày tháng trên hợp đồng được điền vào ngày 19-8-2008, trước thời gian FPT Online thông báo đến năm hãng sản xuất băng đĩa (có ký hợp đồng với FPT Online) về việc hợp tác với Nokia ngày 29-9-2008 (?).
Theo nội dung hợp đồng giữa bên A (ca sĩ, nhóm nhạc) và bên B (FPT Online), FPT Online được “đại diện độc quyền kinh doanh và chuyển nhượng bản quyền những bản ghi âm, ghi hình của bên A đến đối tác thứ ba; bên B được độc quyền khai thác kinh doanh các bản ghi của bên A trên mạng Internet với hình thức nghe nhìn trực tuyến và tải về các đơn vị bản ghi từ hệ thống của bên B…”
“Bút sa gà chết!”
Tối 27-10, sau khi biết thông tin RIAV họp báo công bố kiện Nokia và IPTV, FPT Online tiếp tục “phát” đến các ca sĩ bản thông báo với nội dung: Trang web mp3.nhacso.net/nokia là trang web bán nhạc thuộc sở hữu của FPT Online. FPT Online chịu trách nhiệm về mặt nội dung và bản quyền trên hệ thống này. Tất cả những ca khúc trên trang web này đều là những ca khúc có bản quyền hợp lệ mà FPT Online đã ký với các ca sĩ, nhóm nhạc ở “Hợp đồng cấp phép sử dụng quyền liên quan đối với bản ghi âm, ghi hình”.
Ca sĩ Đình Bảo – đại diện nhóm AC&M, từng ký hợp đồng nêu trên cho biết: “Khi thấy hợp đồng này, tôi có nói rõ với đại diện FPT Online chỉ ký đồng ý bản quyền giọng hát chứ không phải ký bản quyền bản ghi âm, ghi hình. Thế nhưng đó chỉ là nói miệng, còn trong hợp đồng tôi không hiểu hết nên đã ký!”.
Theo ông Phạm Viết Tân – Giám đốc Công ty TNHH Phòng thu âm Viết Tân, nếu chỉ ký hợp đồng với ca sĩ, nhóm nhạc để xin phép sử dụng giọng hát thì không có vấn đề gì nhưng nếu là hợp đồng bản quyền bản ghi âm thì FPT Online phải liên lạc với nhà sản xuất.
Liệu FPT Online có chơi “gác cơ” nhà sản xuất khi mà hợp đồng đã ký với nhà sản xuất lại ký “tắt” thêm với ca sĩ, nhóm nhạc, là “con” của các nhà sản xuất, chủ sở hữu bản ghi? Và liệu FPT Online có lừa ca sĩ hay không? Bởi không ít ca sĩ, nhóm nhạc sau khi nhận điện thoại năm lần bảy lượt của nhân viên FPT Online đã rơi vào phản ứng “ký đại cho xong” mà không xem kỹ nội dung bản hợp đồng.
“Gương mặt đại diện” cũng khổ lây!
Không chỉ các nhà sản xuất băng đĩa nhạc khốn khổ vì nhạc bị “xài chùa”, ca sĩ khổ vì lơ ngơ ký hợp đồng mà các ca sĩ là gương mặt đại diện cho những hãng điện thoại khác cũng khốn đốn theo!
Các ca sĩ Phương Vy, Ngô Thanh Vân, Phạm Anh Khoa… đang lo sốt vó vì hơn 10.000 ca khúc được FPT Online sử dụng trong trang Nokia Music có album của các ca sĩ này. Như trường hợp ca sĩ Phương Vy, cô đang là gương mặt đại diện cho một dòng sản phẩm điện thoại của S. và trong album Vol.1 Lúc mới yêu của cô, hãng điện thoại này đã ký tài trợ phát hành hai video clip tặng kèm. Tương tự, hãng điện thoại M. lại hỗ trợ để ca sĩ Ngô Thanh Vân làm album Studio ‘68 và Ngô Thanh Vân cũng là gương mặt đại diện cho một dòng sản phẩm của M. Nhưng cả hai album này đều xuất hiện trên trang Nokia Music. Điều này khiến các ca sĩ rơi vào tình thế vi phạm nội dung hợp đồng quảng cáo với nhãn hàng họ đại diện. Hay ca sĩ Phạm Anh Khoa cũng đang đứng ngồi không yên bởi chưa biết hãng điện thoại L. có chịu ký quảng cáo với anh hay không khi nhạc do anh hát “bỗng” sử dụng cho Nokia Music!
Ca sĩ không có tư cách pháp nhân để phát hành băng đĩa (ngoại trừ ca sĩ thành lập công ty riêng). Vì vậy, họ phải thông qua một đơn vị có tư cách pháp nhân như các trung tâm, hãng sản xuất băng đĩa… Và đơn vị đó sẽ đứng ra xin cấp phép. Cục cấp phép cho đơn vị nào thì những đơn vị đó sẽ chịu tất cả những vấn đề pháp lý nảy sinh.
(Ông Phạm Đình Thắng, Trưởng phòng Quản lý tổ chức biểu diễn ca nhạc và băng đĩa sân khấu ca nhạc, Cục Nghệ thuật biểu diễn)
Ca sĩ nhiều khi chưa hiểu luật mà ký hợp đồng. Quyền ký thuộc về ca sĩ, tuy nhiên hợp đồng bản quyền ghi âm, ghi hình lại thuộc về nhà sản xuất. Vì vậy, dù ca sĩ có ký hợp đồng đi nữa thì chưa chắc hợp đồng đó có hiệu lực.
(Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Văn phòng luật sư Nguyễn Văn Hậu – luật sư bảo vệ quyền lợi của RIAV)
QUỲNH TRANG (Theo Pháp luật)
Bình luận (0)