Franz Liszt là một nhà soạn nhạc danh tiếng, một nhà biểu diễn tài ba, một nhạc trưởng hào hoa, một nhà văn đã để lại cho đời những cuốn sách dày dặn về Chopin, Berlioz, Schuman và Âm nhạc Gypsies của Hungary… Song, nhắc đến tên ông, người đời trước hết nhắc đến biệt danh “ông vua” của cây đàn được tôn vinh là “vua của các loại nhạc cụ”: cây đàn piano.
Cả châu Âu trong thế kỷ XIX đã từng đắm say và cuồng si khi nghe ông trình tấu những bản nhạc bất hủ của những nhạc sĩ thiên tài, trong đó có không ít nhạc phẩm từng được coi là khó nhất, chưa một nhạc sĩ nào từng thử trình diễn. Trong “làng” âm nhạc thế giới, Liszt hầu như là người may mắn và đào hoa hơn cả. Ông không đoản thọ như Mozart, Chopin, không bệnh tật như Betthoven, không nghèo khốn như Schubert, không cô độc và lập dị như Tchaikovsky… Ông luôn rong ruổi đó đây với cây đàn piano và chiếc đũa chỉ huy dàn nhạc, luôn sống trong hào quang của chiến thắng, trong sự đủ đầy về vật chất và luôn được người đời ái mộ, đặc biệt là các quý bà, quý cô.
Đã không ít những tên tuổi của phái đẹp “ở lại” hoặc “đi qua” trong cuộc đời của Liszt, nhưng chẳng hiểu vì sao Liszt đã không có một nhạc phẩm nào tặng riêng cho họ…
Chuyện kể rằng, ngay từ khi mới 16 tuổi, vẻ hào hoa phong nhã, tài diễn tấu piano như “thần” của Liszt đã có sức quyến rũ lạ lùng với phái đẹp. Một nhà văn đã bỏ công sưu tầm “chuyện yêu đương” của Liszt viết nên một cuốn sách với ý chủ đạo: Liszt không thể sống mà thiếu vắng đàn bà. Đã từng có người phụ nữ quý tộc ao ước, chỉ cần được sống cùng Liszt, dù chỉ một giờ ngắn ngủi. Cũng từng có cô gái vì quá yêu Liszt, muốn Liszt chỉ là của riêng mình đã điên dại định giết chết người yêu dấu bằng một phát súng…
Lại có người đàn bà khác biết rằng không thể trở thành “một nửa” của Liszt, đã ngậm ngùi nâng niu, cất giữ trong suốt cả cuộc đời một mẩu xì gà mà Liszt vứt bỏ trên đường… Vì thế, trước phút lâm chung, người cha của Liszt chỉ dặn con trai duy nhất một điều: “Hãy coi chừng! Đàn bà có thể sẽ lật đổ cuộc đời của con đó!”. Nhưng sự thật là, đàn bà đã không phạm tội “lật đổ” cuộc đời Liszt, trái lại, đã khiến anh đắm say, thăng hoa, bay bổng và góp một phần không nhỏ làm nên tên tuổi của một thiên tài âm nhạc.
Sẽ là không đầy đủ khi nhắc đến sự nghiệp âm nhạc của Liszt mà không nhắc đến các chuyến lưu diễn của anh ở khắp châu Âu, từ Thụy Sĩ, Italia, Hungary, Áo, đến Đức, Pháp, Anh, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Rumania, Nga… Trong các chuyến lưu diễn đó, Liszt đã trình tấu những bản nhạc khó đến mức người đương thời cho rằng không ai có thể trình tấu được. Đó là những nhạc phẩm: “Khúc độc tấu B giáng”, “Don Givanni”, “Đám cưới Figaro”, “Ác quỷ Robert”; các khúc giao hưởng số 5, số 6, số 7 của Beethoven…
Ở bất cứ nơi nào vút lên tiếng đàn piano quyến rũ của Liszt, nơi đó con người như bay lên, như quên thực tại, như được nếm thứ hạnh phúc không phải ở nơi trần thế. Những nhạc phẩm nổi tiếng của các nhà soạn nhạc vĩ đại, nhờ Liszt đến được với công chúng, thông qua một phong cách biểu diễn phi thường. Liszt cũng là người đầu tiên trong lịch sử âm nhạc đã mở các nhạc hội một mình. Những nơi Liszt đến trình tấu đều trở thành những lễ hội tưng bừng, giao thông tắc nghẽn bởi những fans hâm mộ…
Mọi thành phố châu Âu đều khao khát mong chờ được nhìn thấy Liszt, được nghe những âm thanh khi “như mơ hồ, khi rõ rệt, khi trong suốt, khi êm dịu” phát ra từ những ngón tay như có “ma”, có “thần” sai khiến. Theo cách nói của những người đương thời, cây đàn piano dưới bàn tay của Liszt đã có một thứ âm hưởng rất đặc thù, mang tính chất của một đội nhạc kèn và đàn dây. Nghe tiếng đàn piano của Liszt, có khi chúng ta nghe được tiếng cây violoncelle, có khi lại là tiếng chói tai của cây trompettes, có khi nghe được tiếng harpe êm dịu… Nhờ những chuyến lưu diễn này mà tên tuổi của Liszt trở nên lẫy lừng khắp châu Âu.
Người ta cho rằng, những chuyến lưu diễn của Liszt dính dáng đến một người đàn bà mà Liszt đã yêu, đã chung sống một thời gian dài… Người đàn bà ấy có tên Marie dAgoul, nguyên là phu nhân của một vị bá tước, hơn Liszt 6 tuổi. Vì quá yêu và ngưỡng mộ Liszt, Marie đã cả gan bỏ chồng, bỏ con, bất chấp mọi định kiến khắt khe của xã hội thượng lưu để đi theo Liszt. Để tránh mặt những người quen ở Paris, Liszt cùng Marie di cư sang một thành phố khác. Hai người đã có với nhau ba người con, hai gái, một trai… Song Marie d Agoul quen nếp sống xa hoa, chi phí cho gia đình hàng năm rất lớn, khiến Liszt phải lao động cật lực.
13 năm chung sống với Marie dAgoul, cũng là 13 năm Liszt liên tiếp tổ chức các nhạc hội mà người đương thời gọi là “cuộc viễn chinh” âm nhạc khiến Liszt trở thành nhân vật thời thượng nhất ở châu Âu. Khi mối tình với Marie d Agoul tan vỡ, cuộc “viễn chinh bằng piano” của Liszt cũng chấm dứt. Khi đó Liszt mới 36 tuổi. Việc thiếu vắng tiếng đàn piano của Liszt đã gây một cú sốc đối với những thính giả “nghiền” Liszt.
Sự tan vỡ của mối tình giữa Liszt với Marie dAgoul cùng sự chấm dứt các chuyến lưu diễn của Liszt, có một nguyên nhân mà các quý bà quý cô biết rất tường tận: sự xuất hiện của nàng quận chúa Nga – Carolyne Sayn Wittgenstein. Khi Liszt đến mở nhạc hội ở Kiev, Wittgenstein đã bị tiếng đàn của Liszt làm cho mê mẩn. Và Liszt đã chia tay với Marie d Agoul, theo Wittgenstein đến định cư tại Weimar (Đức). Khối tình của cô gái Nga đã chiếm một chỗ không nhỏ trong trái tim chàng nhạc sĩ đa tình.
Những năm tháng chung sống với Wittgenstein đã mở ra một trang mới trong cuộc đời của Liszt. Khác với Marie, Wittgenstein không cổ súy cho việc mở nhạc hội, mà khuyên Liszt ngừng những chuyến lưu diễn, dành tâm sức cho việc sáng tác âm nhạc. Liszt đã “ngoan ngoãn” vâng lời nữ quận chúa, dành rất nhiều công sức chỉnh lý những tác phẩm của mình.
Thực ra, sự nghiệp sáng tác âm nhạc của Liszt bắt đầu khi Liszt mới 14 tuổi với vở ca kịch “Don Sache”. Vở ca kịch này đã được Liszt đem trình tấu tại viện ca kịch Paris. Lần theo những hồi ức vùi sâu trong tâm khảm, Liszt lần lượt viết nên những ca khúc như một sự tri ân với đất mẹ. Nhiều người đã gọi những ca khúc của Liszt về Tổ quốc là “khối tình Hungary”, xếp chung danh mục với “khối tình Ba Lan” của Chopin. Nhờ đó, hậu thế mới vinh hạnh được biết đến một “khối tình” lớn lao của nhạc sĩ với Tổ quốc Hungary thương mến.
Nhiều nhà phê bình âm nhạc cho rằng, mối quan hệ giữa Liszt với Hungary là mối quan hệ “hài nhi và vú em”, rằng tình cảm của Liszt dành cho Tổ quốc như là sự báo đáp của người con lãng tử đối với mẹ già. Tình cảm đó như một mạch nguồn, khi lặng lẽ, khi ào ạt tuôn trào trong các nhạc phẩm của ông. Xúc cảm trước cuộc cách mạng của nhân dân Hungary, Liszt lần lượt viết nên khúc “Giao hưởng cách mạng”, về sau đổi thành “Khúc ai điếu anh hùng”, nhạc khúc mang tên “Lyons”. Tiếp đó, các nhạc phẩm “Khúc cuồng tưởng Hungary”, “Khúc ảo tưởng Hungary”, “Khúc đưa tang”… mang âm hưởng anh hùng lần lượt ra đời và đến với công chúng.
Cùng với hoạt động sáng tác, thời gian bên Wittgenstein, Liszt còn xuất hiện trước công chúng trong vai trò nhạc trưởng, dùng chiếc đũa chỉ huy thay thế cho cây đàn. Với tư cách nhạc trưởng, Liszt đã tiến thêm một bước nữa trong việc đưa những tác phẩm của mình và của các nhạc sĩ thiên tài khác đến với công chúng.
Thật khó có thể phân định cho rạch ròi, giữa Marie và Wittgenstein, ai có ảnh hưởng nhiều hơn đối với cuộc đời và sự nghiệp âm nhạc của Liszt. Chỉ biết rằng, từ khi gắn bó với Wittgenstein – một người theo đạo Thiên Chúa, Liszt đã theo nàng đến Rome, xin theo đạo và trở thành một linh mục. Từ đó, công chúng còn có cơ hội biết đến một Liszt trong vai trò một linh mục. Những ngay cả những năm khoác áo linh mục, Liszt vẫn không ngừng sáng tác, dẫu đã ở tuổi bảy mươi. Những nhạc phẩm: “Điệu múa của những cái chết”, “Saint Elisabeth”, “Chistus”, “Vầng mây màu xám”, “Thuyền đưa tang” lần lượt ra đời… Nhưng chiếc áo linh mục chỉ được Liszt mang trong bốn năm, vì một lẽ rất thường tình, người yêu dấu không còn ở bên Liszt nữa.
Sau nhiều năm chung sống nhưng không thể chính thức kết hôn với Liszt, Wittgenstein đã thất vọng bỏ đi tu. Có thể hình dung ngay rằng, đối với Liszt, không có tình yêu đôi lứa, cuộc sống ngang bằng với cái chết.
Tạm biệt Wittgenstein, giũ bỏ bộ áo thầy tu, Liszt trở về Weimar, dốc lòng xây dựng Weimar thành trung tâm lưu giữ những di sản âm nhạc cổ điển. Đồng thời, ông tĩnh tâm để hoàn thành những cuốn sách về âm nhạc mà từ lâu ông hằng ấp ủ, trong đó có cuốn “Chopin” – một tác phẩm văn học quý giá, lưu lại cho hậu thế những trang sách về cuộc đời của một nhạc sĩ tài ba cùng những giây phút cuối cùng bi tráng với chiếc cốc bạc trên tay, lặng lẽ đi vào cõi vĩnh hằng.
Mai Hiền (cand.com)
Bình luận (0)