Hội nhậpThế giới 24h

Fukushima định hình tương lai 12 năm sau thảm họa hạt nhân

Tạp Chí Giáo Dục

Thử hình dung ôtô bay trên những tòa nhà chọc trời ở Tokyo chạy bằng “hydro xanh” được sản xuất ở phía đông bắc Nhật Bản. Tương lai này gần như nằm trong tầm với ở Fukushima, nơi đã tự tái tạo mạnh mẽ sau thảm họa động đất, sóng thần và hạt nhân xảy ra 12 năm trước, vào ngày 11.3.
Bãi thử nghiệm robot Fukushima (RTF) ở thành phố Minamisoma, Nhật Bản.
Hydro xanh
Các nhà bình luận địa phương gọi khu vực này là “Thung lũng Fukushima” – lấy cảm hứng từ Thung lũng Silicon –  trong bối cảnh văn hóa robot và khởi nghiệp sôi động đang bén rễ dọc theo tuyến đường ven biển Hamadori.
Các chuyến thử nghiệm ôtô bay sẽ bắt đầu trong vài tháng nữa. Fukushima cũng là nơi có bãi thử nghiệm máy bay không người lái lớn nhất Nhật Bản và cơ sở “hydro xanh” lớn nhất thế giới – chuyên tạo ra hydro mà không dùng nhiên liệu hóa thạch.
Thống đốc Fukushima Masao Uchibori cho biết, Khuôn khổ Bờ biển Đổi mới Sáng tạo Fukushima gồm 15 đô thị nhằm hồi sinh khu vực bằng cách thúc đẩy các ngành công nghiệp tiên tiến. Hơn 400 công ty đã chuyển đến đây.
Kế hoạch này có 6 trụ cột: Ngừng hoạt động hạt nhân, robot và máy bay không người lái, năng lượng và môi trường, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, y học và hàng không vũ trụ.
Yuto Aoki, 27 tuổi, xuất thân từ thị trấn Naraha của Fukushima, đã trở lại làm việc trong khu vực sau khi rời đi vì thảm họa.
Aoki cho biết, thảm họa đã định hình lại con người và ảnh hưởng đến sự lựa chọn công việc của anh.
Aoki hiện là thành viên của nhóm chịu trách nhiệm xây dựng và thử nghiệm robot tại Trung tâm Phát triển Công nghệ Điều khiển Từ xa Naraha (Narrec).
“Có thể không thực tế khi kỳ vọng Fukushima trở lại như trước đây nhưng tôi tin rằng trong tương lai chỉ khi có nhiều người chuyển đến thì mới có thể đạt được mục tiêu tái thiết" – anh nói. 
Hydro được quảng bá rộng rãi là nguồn năng lượng sạch, không gây ô nhiễm. Tuy nhiên, việc điện phân trong quá trình chiết xuất hydro từ nước dùng tới năng lượng được tạo ra từ nhiên liệu hóa thạch thải khí nhà kính.
Ông Hidenori Saka thuộc Tổ chức Phát triển Công nghệ Công nghiệp và Năng lượng Mới (Nedo) cho biết, đây được gọi là “hydro xám” (Grey hydrogen) và chiếm tới 99% năng lượng hydro đang lưu hành.
“Hydro lam” (blue hydrogen) là loại trung cấp trong khi “hydro xanh” (green hydrogen) là loại sạch nhất.
Bản vẽ mô phỏng Fukushima Hydrogen Energy Research Field (FH2R).
Nedo giám sát Fukushima Hydrogen Energy Research Field  (FH2R) – khu vực rộng 220.000 m2 có tới 68.000 tấm pin mặt trời được sử dụng để tạo ra năng lượng cho quá trình điện phân.
FH2R, khai trương vào tháng 3.2020 tại thị trấn Namie, sản xuất đủ hydro hàng ngày để cung cấp năng lượng cho 150 hộ gia đình bình thường của Nhật Bản trong 1 tháng.
Nhật Bản đặt mục tiêu sử dụng hydro để cung cấp năng lượng cho tàu thuyền vào năm 2030 và máy bay vào năm 2050.
Ôtô bay và du lịch vũ trụ
Có thể sẽ đến lúc hydro được sử dụng để cung cấp năng lượng cho máy bay không người lái và robot.
Các thử nghiệm  diễn ra tại bãi thử nghiệm robot Fukushima (RTF), khai trương vào tháng 3.2020, cách FH2R 13 km về phía bắc, ở thành phố Minamisoma.
Các công ty khắp Nhật Bản đã thành lập những văn phòng vệ tinh để tận dụng cơ sở rộng 500.000 m2, trị giá 15,6 tỉ yên (113 triệu USD) này. Trong số đó có Robotcom And FA.com, công ty có trụ sở chính tại Tokyo, chuyên phát triển các hệ thống robot và thiết lập một “nhà máy thông minh” gần RTF vào tháng 6.2021.
Giám đốc phụ trách các vấn đề chung Hitoshi Yamaguchi ví nhà máy như Google Maps, sử dụng thông tin thời gian thực để dự đoán tuyến đường tốt nhất và ước tính thời gian đến cho người dùng.
Ông thông tin thêm, nhà máy kỹ thuật số “chuyển môi trường vật lý sang không gian ảo với dữ liệu thời gian thực được cung cấp để đưa ra dự báo về chất lượng, hàng tồn kho, bảo trì, năng lượng và logistics”.
Meltin MMI – công ty tạo ra các thiết bị y tế và robot avatar bằng cách sử dụng tín hiệu sinh học cùng với teTra Aviation – công ty chế tạo ô tô bay, cũng lập cơ sở trong RTF.
Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch bắt đầu 3 tuyến đường thử nghiệm lâu dài cho ô tô bay, kết nối các cơ sở ở Minamisoma và Namie.
Phó tổng giám đốc RTF Yoshinobu Hosoda hy vọng cơ sở này có thể giúp phát triển các hướng dẫn vận hành gồm các tiêu chuẩn kỹ thuật, kỹ năng phi công, khả năng bay và quản lý giao thông.
Ở những nơi khác tại Minamisoma, công ty khởi nghiệp “du lịch vũ trụ” Iwaya Giken có trụ sở ở Hokkaido đã mở một trung tâm nghiên cứu và phát triển vào tháng 5.2022.
Gần đây, công ty này thu hút sự chú ý khi công bố kế hoạch đưa khách du lịch đi 25km vào tầng bình lưu bằng khinh khí cầu có người lái vào cuối năm, với chi phí 24 triệu yên (175.000 USD)/người.
Đây là độ cao cho phép những người tham quan có thể nhìn xuống Trái đất mà không cần bất kỳ sự huấn luyện đặc biệt nào. Hơn 300 chuyến bay thử nghiệm đã được triển khai tới thời điểm này. 
Trong khi đó, Nissan Motor đang triển khai thử nghiệm nhiều hình thức vận tải khác nhau ở Namie như giải pháp cho các vấn đề giao thông ở những khu vực đông dân cư trong bối cảnh ở đây chỉ có dịch vụ xe buýt.
PV (theo laodong)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)