Hội nhậpThế giới 24h

G20 khai mạc trong bất đồng

Tạp Chí Giáo Dục

Hội nghị của 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20) đã bắt đầu bằng buổi ăn sáng kết hợp làm việc tại trung tâm hội nghị Excel (London, Anh) sáng 2-4. Sau đó là bốn giờ rưỡi đồng hồ dành cho những cuộc thảo luận.

 

Thủ tướng nước chủ nhà Gordon Brown (trái) chào đón người đồng nhiệm Đức Angela Merkel. Đức và Pháp khẳng định lập trường có khác biệt với Mỹ và Anh – Ảnh: Reuters

Theo Reuters, một trong những thỏa thuận có thể sẽ sớm đạt được là việc G20 tăng mạnh nguồn vốn vay qua Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), chẳng hạn tăng gấp ba số tiền đối phó khủng hoảng của quỹ lên tới 750 tỉ USD. IMF còn có thể mượn tiền từ các thị trường tài chính quốc tế khi cần thiết. Một bộ trưởng của Anh tiết lộ thêm rằng những nhà lãnh đạo sẽ thảo luận cả khả năng bán quỹ dự trữ vàng của IMF để huy động tiền mặt dù quyết định chính thức chưa được đưa ra trong ngày 2-4.

Reuters dẫn nguồn bản phác thảo thông cáo chung của hội nghị cho thấy tín hiệu các nhà lãnh đạo thế giới sẽ lần đầu tiên quản lý các quỹ đầu cơ và thúc đẩy thêm các quy định về hệ thống tài chính qua một cơ quan mới. Ngoài ra, G20 đã tiến rất gần tới việc thỏa thuận một gói tài chính thương mại trị giá 250 tỉ USD để hỗ trợ các dòng thương mại toàn cầu.

Cũng theo Reuters, các nhà lãnh đạo đã nhất trí rằng danh sách đen những “thiên đường trốn thuế” phải được công bố trong tương lai gần. “G20 đã nhất trí rằng sắp tới Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) sẽ xuất bản danh sách các thiên đường trốn thuế” – Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao giấu tên nói. Tuy nhiên vẫn chưa rõ liệu điều đó có thể làm hài lòng Pháp và Đức, những nước đi đầu trong các yêu cầu trừng trị những “thiên đường trốn thuế” mà Paris và Berlin cho rằng đã cho phép những người giàu trốn tránh việc chia sẻ khi kinh tế khó khăn.

Trước khi hội nghị khai mạc, với quyết tâm đưa ra một thông điệp tăng cường niềm tin cho những cử tri Mỹ và thị trường tài chính, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói không có khác biệt lớn giữa Mỹ và châu Âu. Dù theo BBC, ở hội nghị G20, Pháp và Đức muốn xây dựng những luật lệ chặt chẽ hơn cho hệ thống tài chính, trong khi Anh và Mỹ lại muốn tăng cường chi tiêu. Ông Obama khẳng định trong cuộc họp báo ngày 1-4 với Thủ tướng Anh Gordon Brown, chính Mỹ cũng muốn hệ thống luật lệ chặt chẽ hơn.

Tuy nhiên, theo Guardian, tổng thống Mỹ cũng cảnh báo “sự sẵn lòng chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ” không thể đưa cả thế giới ra khỏi khủng hoảng. Tổng thống Mỹ còn nói trước là “nước Mỹ sẽ phải xem xét lại các khoản thâm hụt. Để đạt được sự tăng trưởng mới, không thể chỉ để một mình nước Mỹ làm động cơ. Mọi người đều phải tăng tốc”.

Các nhà phân tích tỏ ý nghi ngờ việc thông cáo ngày 2-4 có thể tạo ra được lòng tin mới cho thị trường. “Người dân sẽ nhìn vào đó và nó sẽ không thể tạo ra sự tự tin cho các thị trường tài chính” – Colin Ellis, kinh tế gia của Daiwa Securities, nói về bản thông cáo sơ thảo. Theo ông, có rất nhiều chia rẽ ở hậu trường và khi điều đó còn tồn tại, vẫn sẽ còn những nghi ngờ với bất kỳ sự hồi phục bền vững nào.

Trong khi đó, AFP cho biết những cuộc biểu tình phản đối hội nghị G20 ở London đã biến thành bạo động khi hàng nghìn người tuần hành tấn công các ngân hàng, đụng độ với cảnh sát dẫn tới một người bị thiệt mạng sau khi được đưa vào bệnh viện và nhà chức trách phải tiến hành 63 vụ bắt giữ trong ngày 1-4.

HẢI MINH (TTO)

Bình luận (0)