Thành viên nhóm G20 đang lên kế hoạch xây dựng sự đồng thuận về chính sách quy định cho ngành tài sản kỹ thuật số toàn cầu.
Bộ trưởng các vấn đề kinh tế liên bang của Ấn Độ Ajay Seth hôm 14.12 cho biết các quốc gia thành viên G20 đã đưa ra ý tưởng về sự đồng thuận chính sách, sau khi tài sản kỹ thuật số ngày càng trở nên phổ biến và tác động không nhỏ đối với nền kinh tế cũng như hệ thống tiền tệ.
Điều đáng chú ý là việc thảo luận để tìm cách xem xét vai trò của tiền điện tử trong lĩnh vực ngân hàng. Kế hoạch này được công bố trong cuộc họp liên chính phủ G20 về tài chính và đại biểu ngân hàng trung ương được tổ chức tại Ấn Độ.
“Quy định nên xuất phát từ quan điểm chính sách được thực hiện. Trên thực tế, một trong những ưu tiên đã được đưa ra thảo luận là giúp các nước xây dựng sự đồng thuận về cách tiếp cận chính sách đối với tài sản tiền điện tử”, ông Seth nói.
Các quốc gia thành viên G20 đã đưa ra ý tưởng về sự đồng thuận chính sách tiền điện tử. Ảnh: Reuters
G20 tập trung vào quy định chung về tiền điện tử
G20 là diễn đàn liên chính phủ bao gồm 19 nền kinh tế hàng đầu thế giới và Liên minh châu Âu (EU), hiện do Ấn Độ giữ vai trò chủ tịch. Với sự lãnh đạo của mình, Ấn Độ dự kiến sẽ chiếm ưu thế trong việc xác định các quy định về tiền điện tử toàn cầu.
Khả năng đạt được sự đồng thuận về chính sách sẽ giúp các khu vực tài phán khác nhau thiết lập khung pháp lý chung cho lĩnh vực tiền điện tử, vốn hầu như không được kiểm soát. Quyết định này được đưa ra sau khi vụ sụp đổ sàn giao dịch tiền điện tử FTX khiến khoảng 1 triệu khách hàng và các nhà đầu tư khác phải đối mặt với khoản lỗ hàng tỉ USD, đồng thời dẫn đến các cáo buộc hình sự đối với người sáng lập Sam Bankman-Fried.
Bối cảnh quy định tiền điện tử của Ấn Độ
Ấn Độ đang nỗ lực ban hành khung quy định về tiền điện tử trong nước. Tuy nhiên, quốc gia Nam Á đã gặp phải nhiều lời chỉ trích vì chế độ quản lý tiền điện tử của mình, với những ý kiến cho rằng chính phủ đang làm tê liệt ngành tài sản số.
Theo báo cáo của Finbold, sau khi Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) phát hành lưu ý khái niệm về tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC), tổ chức này đã nhận được phản ứng dữ dội từ người chơi tiền điện tử. RBI đã ủng hộ lệnh cấm tiền điện tử, nhấn mạnh rằng CBDC là phương án lý tưởng để chống lại ảnh hưởng của các tài sản kỹ thuật số tư nhân như Bitcoin.
Theo Phương Anh/TNO
Bình luận (0)