Hội nhậpThế giới 24h

G20 vượt qua kỳ hội nghị khó khăn

Tạp Chí Giáo Dục

Hôm qua, tại New Delhi (Ấn Độ), Hội nghị thượng đỉnh G20 đã khép lại với tuyên bố chung nhận được sự ủng hộ của cả Nga và Mỹ cũng như Đức và Anh.

Các nền kinh tế lớn nhất thế giới đã nhất trí thông qua tuyên bố chung vào ngày 9.9, theo đó không đề cập đến chiến sự Ukraine nhưng nhấn mạnh sự thống khổ mà con người phải chịu đựng trong những cuộc xung đột. G20 kêu gọi tất cả các quốc gia không sử dụng vũ lực để chiếm đoạt lãnh thổ.

G20 vượt qua kỳ hội nghị khó khăn  - Ảnh 1.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và các nhà lãnh đạo thế giới viếng đài kỷ niệm Mahatma Gandhi hôm 10.9. AFP

Phản ứng của Mỹ, Nga

Ông Jake Sullivan, Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng, đánh giá cao việc tuyên bố chung thể hiện rõ ràng nguyên tắc các nước không được viện dẫn vũ lực để đoạt lấy lãnh thổ hoặc xâm phạm chủ quyền quốc gia, hoặc đe dọa sự độc lập về chính trị của các nước. Tuyên bố chung cũng nhận được sự khen ngợi từ Anh và Đức, theo Reuters.

Hôm qua, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov gọi Hội nghị G20 ở Ấn Độ là sự thành công, theo Hãng thông tấn TASS. Còn bà Svetlana Lukash, nhà đàm phán của chính phủ Nga, nhận xét "mọi thứ (trong tuyên bố chung) đều được thể hiện một cách cân bằng". "Tất cả các thành viên G20 đều nhất trí cùng hành động vì lợi ích của hòa bình, an ninh và giải pháp cho xung đột trên toàn thế giới", bà Lukash cho biết.

"Đây là một trong những hội nghị G20 khó khăn nhất trong gần 20 năm… Mất gần 20 ngày để nhất trí nội dung tuyên bố chung trước khi hội nghị chính thức bắt đầu, trong đó có 5 ngày tại New Delhi", theo bà Lukash. Nhà đàm phán Nga cho hay chiến sự Ukraine không phải là vấn đề gây tranh cãi duy nhất, mà còn đến từ những bất đồng trong mọi vấn đề then chốt, như biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng.

"Nếu không có sự lãnh đạo của Ấn Độ trên vai trò chủ tịch G20, hội nghị đã không đạt được tuyên bố chung", AFP dẫn lời một quan chức châu Âu giấu tên, thêm rằng Brazil và Nam Phi cũng đóng vai trò then chốt trong việc bắc cầu những khác biệt.

Tuyên bố chung cũng kêu gọi các bên đảm bảo cho sự an toàn lưu thông ngũ cốc, lương thực/thực phẩm và phân bón của Ukraine lẫn Nga. Ngoại trưởng Lavrov cho hay nước này sẵn sàng quay về thỏa thuận biển Đen để Ukraine nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc nếu các yêu cầu của Nga được đáp ứng.

Tranh thủ quyền và tiếng nói cho các nước mới nổi

Tại lễ bế mạc, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chính thức trao cho Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva của Brazil chiếc búa biểu tượng cho vai trò chủ tịch của G20, theo Reuters. Brazil chính thức tiếp quản ghế chủ tịch luân phiên từ ngày 1.12. Nhân dịp này, ông Lula da Silva chúc mừng ông Modi và cảm ơn Ấn Độ vì những nỗ lực nhằm trao cơ hội các nền kinh tế mới nổi nói lên những vấn đề mà họ đối mặt.

Tổng thống Brazil cũng đề cập những ưu tiên mà G20 cần tập trung hơn nữa trong thời gian tới, trong đó có sự hòa nhập xã hội, cuộc chiến chống đói nghèo, chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững. Nhà lãnh đạo cho rằng HĐBA LHQ cần thêm các gương mặt mới từ nhóm nước đang phát triển trên vai trò thường trực và không thường trực để khôi phục sức mạnh chính trị của cơ quan này. "Chúng tôi cũng muốn có sự hiện diện mạnh mẽ hơn của các nền kinh tế mới nổi tại Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)", theo ông Lula da Silva.

Bên cạnh đó, ông Lula da Silva kêu gọi không nên để các vấn đề địa chính trị gây ảnh hưởng cho nghị trình đối thoại và thảo luận của G20. "Chúng ta không có hứng thú trước một G20 bị chia rẽ. Chúng ta cần hòa bình và hợp tác thay vì xung đột", Tổng thống Brazil nhắc nhở.

Tổng thống Lula da Silva cũng cho biết sẽ mời người đồng cấp Vladimir Putin của Nga tham dự Hội nghị G20 ở Rio de Janeiro vào năm sau. "Chúng tôi yêu chuộng hòa bình và đối xử tử tế với mọi người. Vì thế tôi nghĩ ông Putin có thể dễ dàng đến Brazil", ông Lula da Silva cho biết, thêm rằng Brazil sẽ không bắt ông Putin theo lệnh của Tòa Hình sự Quốc tế (ICC).

Ý thông báo kế hoạch rút khỏi "Vành đai, Con đường"

Trong cuộc gặp song phương tại G20, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni thông báo cho người đồng cấp Trung Quốc Lý Cường về kế hoạch của chính quyền Rome rút khỏi thỏa thuận "Vành đai, Con đường", theo nhật báo Corriere della Sera của Ý đưa tin hôm qua. Thay vào đó, Rome cho hay sẽ đặt mục tiêu hồi sinh thỏa thuận đối tác chiến lược với Trung Quốc, được ký kết năm 2004. Ý là quốc gia duy nhất thuộc nhóm G7 tham gia "Vành đai, Con đường". Trung Quốc chưa bình luận về thông tin này.

Theo Thụy Miên/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)