Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Gã “gàn” làm giàu từ sim dại

Tạp Chí Giáo Dục

Lên rừng đào cây sim dại về trồng – Việc làm được nhiều người cho là ngớ ngẩn nhưng đã đem lại cho anh nông dân Phan Thanh Nhàn, xã Quảng Tiến (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) nguồn thu nhập ổn định. Với anh Nhàn, những đồi sim bây giờ không chỉ “đủ quả nuôi người” mà còn đủ để làm giàu!

Anh Nhàn làm giàu từ trồng sim dại

1. Một ngày năm 2015, nhiều người dân ở xã Quảng Tiến (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) hết đi từ ngạc nhiên đến lắc đầu khi nhìn thấy vợ chồng anh Nhàn hì hụi đào bỏ những gốc tràm để xới đất trồng lên từng hàng cây sim dại. “Ai đời đi chặt hàng ha tràm lấy gỗ bán bạc triệu để trồng cây bụi hoang dại trên đồi. Chỉ có khùng mới làm vậy!”. Trước những ý kiến ngược chiều, vợ chồng anh Nhàn lặng lẽ nắm chặt tay nhau. Với hy vọng về một cách làm mới thôi thúc họ tiến về phía trước. Nhàn bảo vợ: “Ngày trước hai đứa ra ở riêng cũng từ hai bàn tay trắng, ở mảnh đất sỏi đá nhiều hơn cát này, mình đã đi qua bao khó khăn để trụ vững thì bây giờ không có lý gì dừng lại”. 

Anh Nhàn kể, quê gốc của anh ở xã Quảng Hải, một vùng đất nằm bên bờ sông Gianh. Vì đất đai không đủ canh tác nên sau giải phóng, gia đình anh bìu ríu nhau lên Quảng Tiến để khai hoang lập nghiệp. Quảng Tiến những năm đó, đất rộng nhưng toàn sỏi đá, người dân cật lực khai hoang cũng chỉ đáp ứng đủ cái ăn, cái mặc. Năm 25 tuổi, anh Nhàn lập gia đình cùng chị Trần Thị Lãnh, cùng làng. Ngày ra ở riêng, bố mẹ hai bên cũng nghèo nên chia cho anh mảnh rẫy ở bìa rừng, phụ giúp dựng lên căn nhà tranh lá ở một gốc làng. Đúng nghĩa “một túp lều tranh, hai trái tim vàng”! Thu nhập từ rẫy không đủ sống, cả hai vợ chồng nai lưng làm thuê, làm mướn. Hết mùa rẫy, anh Nhàn theo các đoàn thợ sơn tràng vào rừng khai thác gỗ về bán, chị Lãnh ở nhà chăn nuôi thêm gà lợn, tranh thủ thời gian chằm nón lá để có thêm thu nhập. Cuộc sống của hai vợ chồng dần dà được gầy dựng qua bao tháng năm cần kiệm tích cóp. Năm 2000, anh bàn với vợ dồn vốn và vay thêm đầu tư mua đất, khai hoang để trồng rừng kinh tế. Mỗi năm khai hoang một ít, dần dà diện tích cũng mở rộng được 15ha. Chừng ấy trồng cây tràm lấy gỗ, cứ tầm dăm, bảy năm thu hoạch một lần… hai vợ chồng thu về kha khá. Nhờ đó căn nhà lá được thay thế bằng nhà xây 2 tầng vững chãi tránh mưa bão, nuôi hai con ăn học và mua sắm nhiều thứ khác…

2. Anh Nhàn chia sẻ, cuộc sống sau khi có rừng thu hoạch đã khá ổn định, nhưng rồi những ngày lang bạt đi mua quả sim giúp cho một người bạn ở TP.Hồ Chí Minh ở các vùng đồi Quảng Bình, Quảng Trị và Hà Tĩnh để làm nguyên liệu sản xuất rượu vang thì anh lại nảy sinh ra ý định trồng cây sim làm vùng nguyên liệu. “Cứ đến mùa sim chín, tôi lại đi khắp các vùng núi, nơi có những đồi sim dại đặt cho các đầu nậu nhỏ thu mua dùm. Mỗi mùa thu về hàng tấn sim quả để chuyển vào TP.Hồ Chí Minh. Nhưng 2 năm trở lại đây, lượng sim ngày càng ít đi, nhiều nơi dù mình đã đặt cọc nhưng người ta trả lại tiền vì không có sim để bán. Nguồn nguyên liệu cạn kiệt khiến tôi nghĩ đến việc tự mình trồng để xuất bán”. Trăn trở nhiều, cuối cùng anh Nhàn bàn với vợ quyết định dùng chính đất đai của mình để chuyên canh cây sim. Được sự đồng thuận của người bạn đời, anh thuê thêm nhân công đào bỏ gốc tràm, lên các vùng đồi hoang đào cây sim dại về trồng thành hàng lối ngay ngắn. “Hồi đó ai nhìn tôi cũng như người đến từ hành tinh khác. Ngay cả nhân công mình thuê mướn dù nhận về 200 ngàn đồng một ngày công họ vẫn tỏ ra ái ngại cho vợ chồng tôi”. Để sim cho những vụ mùa sai quả, anh yêu cầu nhân công phải chọn cây tốt, bới cả bầu đất mới nhanh bén rễ trên đất mới được. Mùa đầu tiên trồng sim, vợ chồng anh bỏ ra 200 triệu đầu tư, chưa kể công chăm sóc, tưới tắm cho cây. Tuy nhiên vốn là loài cây dại mọc trên đồi hoang nên khi được chăm sóc trong môi trường đất đai tốt, cây phát triển rất nhanh. Vợ chồng anh còn chăm chút tỉa bỏ cành già để cây nảy chồi mới, cho quả nhiều hơn. Rồi 2ha sim đầu tiên cũng cho mùa quả mới, điều đó giúp anh vững lòng hơn. Anh Nhàn bấm đốt ngón tay: “Trung bình mỗi bụi sim nếu chăm sóc tốt, mỗi vụ sẽ cho từ 1 đến 3kg quả. Với diện tích hơn 2ha hiện nay trồng khoảng 20 ngàn cây, mỗi vụ sim cũng thu hoạch từ 20 đến 60 tấn sim quả. Khoảng 10 ngàn đồng/kg thì mỗi vụ thu từ 200 đến 600 triệu đồng”. Theo anh, cây sim rất dễ chăm sóc, chỉ bón phân nhẹ, tưới nước là đã cho ra trái to, đều và nhiều mật sim. “Cây sim khi đã bén rễ thì chỉ cần tỉa cành, vun gốc rồi chờ thu hoạch mà không phải tốn nhiều công sức và phân bón. Người trồng sim cũng không nơm nớp nỗi lo bão bẻ gãy cây như cao su hay gỗ tràm, bởi sim chỉ là loài cây bụi thấp trên mặt đất”, anh nói.

Mùa sim đầu tiên của anh Nhàn cho quả ngọt

3. Sau 2 năm làm “người khùng” trong mắt người khác, những mùa sim của anh đã mang về số tiền khấm khá. “Sắp tới vợ chồng tôi dự tính chuyển diện tích 15ha trồng tràm để chuyên canh cây sim, thu hoạch quả cung cấp cho các nhà sản xuất rượu vang ở TP.Hồ Chí Minh, hoặc tìm đầu mối xuất bán cho những cơ sở sản xuất dược phẩm vì cây sim là một loại thuốc tốt cho sức khỏe. Không chỉ vậy, tôi còn tính, đến mùa hoa sim, mình có thể thu thêm phí nhờ phong cảnh vườn hoa sim tím làm nơi du lịch sinh thái cho du khách yêu thiên nhiên”, vừa nói, anh Nhàn vừa đưa tay chỉ về một vùng đồi bạt ngàn sim – hứa hẹn về một vùng nguyên liệu dồi dào trên mảnh đất cằn đá sỏi. Nhìn vào đôi mắt người nông dân rực sáng, nhớ đến câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên về mảnh đất miền Trung khốn khó, nơi có “Những đồi sim không đủ quả nuôi người”, chợt nhận ra rằng, chỉ cần có ý chí và sự đồng lòng, đất cằn cũng sẽ sinh mùa quả ngọt!

Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)