Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Gà Tàu đầu trọc, gà dai Hàn Quốc: Hàng thải về Việt Nam thành đặc sản

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Gà trọc đầu Trung Quốc, gà dai Hàn Quốc hay phụ phẩm từ gà chân, cánh,… các nước thường chỉ dùng làm thức ăn cho chó, mèo lại được dân Việt gom mua hết về biến thành đặc sản thơm ngon.

Chen chân mua đặc sản “thịt gà rác”

Ngoài các giống gà công nghiệp, Việt Nam còn có hàng chục giống gà đặc sản nổi tiếng thơm ngon, được bà con chăn nuôi trên khắp các vùng miền từ Bắc vào Nam. Thế nhưng, các loại gà thải loại, chân gà đông lạnh, thịt gà giá siêu rẻ từ các nước vẫn ồ ạt đổ về.

Cách đây khoảng 4 năm, thời điểm 2012-2014, gà thải loại Trung Quốc hay còn gọi là gà trọc đầu, được bày bán la liệt khắp các chợ ở Việt Nam. Loại gà này ở Trung Quốc giá chỉ 10.000-15.000 đồng/kg và sau khi nhập lậu về Việt Nam, chúng được hô biến thành thịt gà ta thả vườn và bán với giá 100.000-110.000 đồng/con.

Gà Tàu đầu trọc, gà dai Hàn Quốc: Hàng thải về Việt Nam thành đặc sản
Năm 2012-2014, gà trọc đầu Trung Quốc tràn ngập chợ Việt

Đáng chú ý, do giá rẻ, lại được gắn mác “thịt gà ta thả vườn” với đặc điểm thịt gà dai chắc, nên gà thải loại Trung Quốc cực kỳ đắt khách, người dân tranh nhau mua về ăn.

Lãnh đạo Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) lúc bấy giờ cũng cho biết, vào thời kỳ cao điểm, lượng gà thải loại nhập lậu qua Quảng Ninh lên đến 100-200 tấn/ngày, qua Lạng Sơn ước tới 100 tấn/ngày. Bình quân mỗi năm, có khoảng 70.000-100.000 tấn gà đẻ thải loại từ Trung Quốc nhập lậu vào nước ta.

Gà trọc đầu Trung Quốc tạm vắng bóng tại các chợ khi cơ quan chức năng kiểm tra, siết chặt thì sau đó, gà dai Hàn Quốc (gà đẻ thải loại) bỗng nhiên lại lên cơn sốt. Bằng chứng, vào giữa năm 2014, tại một hệ thống siêu thị lớn ở Hà Nội, người dân chen lấn chờ cả nửa tiếng đồng hồ để mua gà dai được quay sẵn vàng ươm với giá chỉ 70.000 đồng/con.

Đánh trúng vào tâm lý thích của rẻ của phần đông người tiêu dùng, đặc biệt, loại gà này lại đáp ứng đúng tiêu chí dai, giòn nên được ưa chuộng hơn bao giờ hết. Theo đó, siêu thị làm bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, thậm chí còn không đủ hàng để bán.

Không chỉ xuất hiện trong siêu thị, gà dai Hàn Quốc tấn công ra chợ. Tuy nhiên, thay bằng xuất hiện với tên “gà dai Hàn Quốc” như ở các siêu thị bày bán thì tại chợ, chúng trở thành loại gà ta bí ẩn không đầu không chân với giá bán 110.000-130.000 đồng/con tùy loại. Các chủ hàng cho biết, mỗi ngày họ bán vài trăm con.

Thời gian gần đây, gà dai Hàn Quốc còn xuất hiện tràn ngập trên vỉa hè, trên cả mạng xã hội với giá chỉ 50.000-70.000 đồng/kg. Các đầu mối bán buôn tiết lộ, nguồn hàng rất dồi dào nên khách lấy bao nhiêu cũng có, đặc biệt, khách lấy số lượng càng nhiều giá càng rẻ.

Gà Tàu đầu trọc, gà dai Hàn Quốc: Hàng thải về Việt Nam thành đặc sản
Thời điểm này, gà dai Hàn Quốc lại bán đầy thị trường

Hết gà thải loại – mà các chuyên gia trong ngành thường ví von là “thịt gà rác”, năm 2015 dân Việt lại được thỏa sức ăn gà Mỹ giá siêu rẻ. Loại thịt gà này được các quán cơm bình dân, bếp ăn tập thể, trường học,… cực kỳ ưa chuộng vì có giá rẻ hơn rau.

Thời điểm đó, ông Lê Văn Quyết, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Đông Nam Bộ, tiết lộ gây “sốc”: Giá gà chỉ 0,3-0,4 USD/kg, tương đương tầm 7.000-9.000 đồng/kg, theo số liệu hải quan mà ông xem được. Trong khi, trên thị trường nhiều nơi rao bán thịt gà Mỹ với giá chỉ từ 17.000-20.000 đồng/kg.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2014, Việt Nam nhập tới hơn 100 nghìn tấn thịt gà, giá trị trên 103 triệu USD giá bình quân nhập khẩu trước thuế khoảng 1 USD/kg (tương đương 21.500 đồng/kg). 6 tháng đầu năm 2015, thịt gà các loại nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu có xuất xứ (nguồn gốc) từ Hoa Kỳ với trị giá 39,1 triệu USD, chiếm hơn 60% tổng trị giá nhập khẩu thịt gà các loại vào Việt Nam. Thịt gà các loại cũng được nhập nhiều với xuất xứ từ Brazil (chiếm 16%) và Hàn Quốc (chiếm hơn 10%).

Các nước dùng gà thải làm thức ăn cho chó mèo

Câu trả lời đến nay vẫn còn bỏ ngỏ. Người chăn nuôi điêu đứng, thậm chí phá sản, treo chuồng trại trong khi các loại gà Mỹ, gà trọc đầu Trung Quốc, gà dai Hàn Quốc vẫn đổ bộ thị trường Việt Nam. Thế nhưng, đáng buồn hơn và cũng bất an hơn khi các chuyên gia trong ngành tiết lộ, ở Trung Quốc hay Hàn Quốc, gà dai hay gà trọc đầu đều là gà đẻ thải loại sau khi hết chu kỳ khai thác lấy trứng. Thịt gà loại này được bán cho các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi để băm nhỏ, trộn với nhiều hợp chất khác, sau đó xuất sang các nước châu Âu làm thức ăn chăn nuôi, chủ yếu là cho chó, mèo.

Gà Tàu đầu trọc, gà dai Hàn Quốc: Hàng thải về Việt Nam thành đặc sản
Tại một số nước gà thải loại được chế biến làm thức ăn cho chó mèo, còn ở Việt Nam chúng trở thành đặc sản thơm ngon

Ở Việt Nam, những loại gà này được dùng làm thực phẩm cho người và được người dân chen chân đi mua về ăn.

Trong khi, theo các chuyên gia thực phẩm, gà đẻ thải loại chất lượng không đảm bảo vì được tiêm đủ loại kháng sinh, chất tăng trưởng… Thế nên, sau khi hết kỳ khai thác, chúng chỉ có giá 3.000-4.000 đồng/kg và vì thế được dùng làm thức ăn cho động vật chứ không làm thực phẩm cho người. Bởi, chúng có hàm lượng dinh dưỡng thấp, đa phần là chất xơ, thậm chí có thể tồn dư một số chất độc hại.

Cơ quan quản lý an toàn thực phẩm của Mỹ cũng từng khuyến cáo người tiêu dùng nước này cẩn trọng trước loại thức ăn chăn nuôi được chế từ thịt gà thải loại của Trung Quốc sau khi có hiện tượng gần 1.000 con chó ở Mỹ ăn loại thức ăn này đã bị đổ bệnh.

Thực tế, cuối năm 2012, Chi cục Thú y Hà Nội đã lấy 5 mẫu gà loại thải nhập lậu đang bày bán trên thị trường phân tích tìm dư lượng kháng sinh, đã phát hiện 100% số mẫu tồn dư chất Sulfadiazin. Theo Chi cục Thú y Hà Nội, tồn dư Sulfadiazin ở mức cao sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người tiêu dùng. Xét nghiệm 480 mẫu lấy từ gà thải loại nhập lậu đang bày bán tại chợ gia cầm Hà Vĩ, đơn vị này phát hiện 44 mẫu dương tính với vi rút cúm gia cầm. Đây là mầm bệnh gây nguy cơ làm tái phát dịch cúm trên gia cầm và có thể lây sang người tiêu dùng.

Mặc kệ những lời cảnh báo các cơ quan chức năng, thịt gà thải, thịt gà giá siêu rẻ, thậm chí chân gà Trung Quốc bốc mùi hôi thối vẫn ồ ạt về Việt Nam sau đó được chế biến thành đủ món khoái khẩu đưa lên bàn nhậu.

Bảo Phương/Vietnamnet

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)