Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Gạ tình, quỵt lương bủa vây nữ sinh mới ra trường

Tạp Chí Giáo Dục

Khi gặp phải những tình huống bất công ở công sở, nơi những nữ sinh mới ra trường là những người yếu thế, họ có lựa chọn nào khác ngoài chịu đựng hoặc bỏ việc không?

 
Gạ tình, quỵt lương bủa vây nữ sinh mới ra trường - Ảnh 1.

Nhiều bạn trẻ bị quấy rối trong môi trường công sở – Ảnh minh họa: Employees-lawyer

Những câu chuyện gạ tình trắng trợn

Sau khi tốt nghiệp khoa y dược ĐH Quốc gia Hà Nội, N.N. trúng tuyển làm trình dược viên trong một công ty nhỏ. Do tính chất công việc, N. phải tiếp xúc với nhiều bác sĩ, y tá để có thể đạt chỉ tiêu định mức.

Công việc không quá vất vả, thu nhập cao nhưng sau hơn ba tháng làm việc, cô đành từ bỏ. Giọng nói run run, N. kể về những lần bị gạ tình khiến cô bị ám ảnh.

"Ban đầu chỉ là những cái bắt tay bình thường, dần dần là những lần bắt tay kéo dài đến hơn hai phút, rồi những lần cố ý động chạm. Vừa mới ra trường, kinh nghiệm làm việc, kinh nghiệm ứng xử chưa nhiều nên khi nghe những câu nói, hành động như thế, mình bị sốc, vô cùng sợ hãi, hoang mang", N. tâm sự.

T.D. là sinh viên năm cuối chuyên ngành báo in cũng phải nghe những câu nói gạ gẫm, không lành mạnh tương tự khi thực tập ở một cơ quan báo chí, khi cô đang vô cùng xông xáo, hồ hởi làm nghề mình yêu thích. 

D. kể trong một lần đi tác nghiệp cùng người hướng dẫn trực tiếp, sau khi xong việc, người đáng tuổi cha tuổi chú đó thì thầm vào tai cô: "Chỉ cần em ngoan, ra trường chú sẽ lo công việc cho em thật ổn định". 

Giật bắn người, D. giả vờ nghe điện thoại rồi báo có việc gấp và xin về trước. Kỳ thực tập đạt kết quả tốt nhưng khiến cô mất đi ít nhiều niềm tin.

Nhớ lại những chuyện đã trải qua, cả N. và D. đều không khỏi hụt hẫng, thất vọng: "Thật không thể hiểu được tại sao những người lớn tuổi lại có những suy nghĩ, hành động đáng lên án như vậy. Những người trẻ như mình cần có nhiều thời gian hơn để học cách ứng phó với những trường hợp đó.

Làm việc ba tháng không lương

Thiều Thị Hường (Hà Nam) lại là nạn nhân của trò quỵt tiền. Sau khi tốt nghiệp ngành kế toán, Hường lập gia đình và sinh con. Gánh nặng chu cấp cho gia đình cả hai bên kiến vợ chồng chị phải cố gắng kiếm tiền.

Sau hai năm về quê sinh con, Hường trở lại Hà Nội làm việc với mức lương thỏa thuận 5 triệu đồng cùng 10% doanh số hàng tháng. Công việc không đúng chuyên ngành nhưng Hường luôn cố gắng hết mình để có thể có thêm thu nhập. Nhưng mọi việc không đơn giản như chị nghĩ.

"Lúc phỏng vấn, đại diện công ty nói rõ chỉ cần khai thác được thông tin của khách hàng là được tính vào doanh số. Việc chốt hợp đồng sẽ do các sếp làm việc. Nếu có phát sinh về ngoại giao với khách, mình chỉ cần đưa hóa đơn về sẽ được thanh toán", chị Hường chia sẻ. 

"Hai tháng đầu, mình được trả lương với mức 3 triệu đồng, không doanh số. Tuy nhiên, ba tháng làm việc tiếp theo, mình không hề được nhận một khoản chi phí nào, kể cả lương và hoa hồng".

Ấy vậy mà chị vẫn phải ở lại làm việc để lấy số tiền lương công ty đang giữ. Không một lời xin lỗi hay thông báo khất lương nào từ lãnh đạo công ty.

Gạ tình, quỵt lương bủa vây nữ sinh mới ra trường - Ảnh 3.

Đừng một mình âm thầm đối mặt khi gặp phải bất công. Mạnh mẽ bày tỏ quan điểm, chia sẻ câu chuyện với bạn bè sẽ giúp bạn thoát khỏi tình huống khó xử – Ảnh: Hottmagazine

Một chuyên gia tâm lý học cho biết, trong những trường hợp bị đối xử bất công, bạn trẻ nên thẳng thắn bày tỏ thái độ và quan điểm, thể hiện mình có lập trường, mạnh mẽ, khiến đồng nghiệp, lãnh đạo tôn trọng mình hơn.

Khi đối diện với cấp trên, đồng nghiệp, đối tác, bạn trẻ cần có tâm thế nghiêm túc, chuyên nghiệp, tự khắc sẽ được đối xử nghiêm túc, chuyên nghiệp tương ứng.

Trong hoàn cảnh khó xử, thay vì trốn tránh bằng cách nghỉ việc, hãy đứng lên bảo vệ bản thân bằng chính tiếng nói của mình, bởi không ai chắc rằng ở công việc tiếp theo, bạn sẽ không gặp lại chuyện đó.

THIÊN DI/TTO

 

 

Bình luận (0)