Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Gác bằng, lấy ngắn nuôi dài…

Tạp Chí Giáo Dục

Một tân cử nhân bên gian hàng vỏ điện thoại của mình tại chợ đêm
Tốt nghiệp ĐH nhưng chưa có việc làm, hoặc việc làm trái với chuyên ngành, mức lương bèo bọt… đã khiến nhiều cử nhân quyết định tạm gác tấm bằng ĐH sang một bên tập tành “lăn lộn” mua bán để tự nuôi sống bản thân chờ cơ hội tốt hơn.
Bán hàng chợ đêm vì không xin được việc
Dạo một vòng chợ đêm, rất dễ bắt gặp nhiều tân cử nhân đang bán đủ các mặt hàng ở đây, từ quần áo, giày dép đến các đồ phụ kiện máy tính xách tay, đồ điện tử… Có người làm công việc này vì không thích chuyên ngành mình được đào tạo, có người vì chưa xin được việc làm.
Tốt nghiệp Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, nhưng đã hai năm nay Nguyễn Thu Thảo vẫn chưa tìm được một việc làm vừa ý, thất vọng với hành trình tìm việc, Thảo đành góp tiền cùng với bạn mở một gian hàng bán dép ở chợ đêm. Bản thân muốn làm đúng với chuyên ngành đã học nhưng vì xin việc nhiều lần vẫn chưa được nơi ưng ý, chỗ tuyển thì lương quá thấp nên quyết định đi bán hàng được Thảo xem là lựa chọn duy nhất. “Mình không thể cứ bám víu vào gia đình nữa nên quyết định làm việc này. Việc này có thể giúp mình nuôi sống bản thân, thậm chí dư dả chút ít gửi về cho gia đình” – Thảo tâm sự.  
Khuôn mặt dễ thương, nụ cười hiền lành dễ gây thiện cảm đã khiến Nguyễn Thanh Hưng được lòng các khách hàng sinh viên. Chàng cử nhân  bán dụng cụ ốp lưng điện thoại, kiêm luôn thợ dán màn hình điện thoại đã gắn bó với chợ đêm từ khi còn là sinh viên và vẫn tiếp tục công việc này cho đến giờ. Tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin Trường ĐH KHTN TP.HCM nhưng Hưng vẫn quyết định bám trụ với công việc buôn bán đã khiến nhiều người ngạc nhiên. Lý giải về việc này Hưng tâm sự: “Mình đã đi xin việc nhiều công ty nhưng mức lương không như mong muốn. Vì vậy, mình vẫn tiếp tục công việc này vì nó mang lại cho mình thu nhập ổn định hơn, thời gian ban ngày mình có thể dành để làm nhiều việc khác nữa”. Hưng cũng cho biết nhiều bạn bè của mình ra trường cũng đang thất nghiệp, tuy nhiên nhiều người không có đủ vốn để mở gian hàng nên đành làm những công việc trái ngành với mức lương vô cùng thấp.
Vẫn mong có một việc làm ổn định
Mặc dù, công việc buôn bán ở chợ đêm mang lại thu nhập ổn định nhưng với nhiều tân cử nhân đây chỉ là công việc tạm thời. Họ lúc nào cũng mong muốn sẽ có cơ hội tìm việc làm đúng với ngành học của mình để không uổng phí tấm bằng ĐH và có thể phát huy được những gì mình đã được học.
Thảo cho biết: “Với mình thì đây chỉ là công việc tạm thời thôi. Đợi một thời gian nữa có thu nhập khá, mình sẽ học thêm tiếng Anh để có thể tìm được một công việc đúng với chuyên ngành mình đã học”.
Cũng bán dép ở gần đó, Hoàng Kim, tốt nghiệp CĐ Công thương chia sẻ: “Mình thật sự không muốn tiếp tục công việc này, thấy tiếc tấm bằng CĐ và 3 năm đi học của mình. Mình vẫn đang đi xin việc, nếu có việc vừa ý mình sẽ sang lại gian hàng cho bạn để đi làm cho đúng chuyên ngành. Tuy nhiên, vì công ty nào cũng đòi hỏi kinh nghiệm nên việc xin việc vẫn còn lao đao lắm”.
Hưng tâm sự: “Thỉnh thoảng có bạn rủ mình tham gia giúp họ lập trình một số chương trình cho máy, mình vẫn làm, tuy ít tiền nhưng nhờ vậy mình mới không quên những gì đã học”.
Hiện nay, việc xin việc làm trở nên vô cùng khó khăn với nhiều cử nhân. Không chỉ Thảo, Hưng hay Kim mà còn rất nhiều tân cử nhân khác đang gian nan trên hành trình tìm việc và phải cố tìm cho mình một công việc trái ngành nghề để tự nuôi sống bản thân. Điều đó cũng cho thấy, đã đến lúc các bạn trẻ nên quan tâm hơn đến việc lựa chọn ngành nghề vừa phù hợp với khả năng vừa đáp ứng được nhu cầu, yêu cầu của xã hội. Trong quá trình học tập cần hướng đến tính thực hành, ứng dụng, để có thể tìm cho mình một công việc thật tốt sau khi ra trường.
Bài, ảnh: Kim Ngân – Duy Vương
Các tân cử nhân cần biết
Ông Trần Anh Tuấn (Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) chia sẻ: “Hiện nay và những năm tới, thị trường lao động TP.HCM (về nhu cầu việc làm) tiếp tục phát triển theo chiều hướng đổi mới công nghệ, nâng cao quản lý; phát triển quy mô sản xuất kinh doanh… nên đòi hỏi nguồn nhân lực phải có kiến thức cao hơn trước. Vì vậy, cử nhân sau khi ra trường muốn tìm được một công việc thích hợp thì trong quá trình học tập phải không ngừng cố gắng để nắm vững kiến thức chuyên ngành, bên cạnh đó việc rèn luyện các kỹ năng mềm như kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng lãnh đạo, giao tiếp, làm việc nhóm… cũng là một điều vô cùng cần thiết. Đây cũng là yếu tố chiến lược quyết định cái gật đầu tiếp nhận của nhà tuyển dụng, và tạo nên sự thăng tiến trong bất cứ ngành nghề nào”.
 
 

Bình luận (0)